Những liệt sĩ Tiền Giang nằm ở nghĩa trang Trường Sơn

Thứ năm - 04/08/2022 03:59
Nằm giữa đại ngàn, nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn là nơi yên nghỉ của hơn 1 vạn người con yêu quý từ mọi tỉnh thành đã ngã xuống trong quá trình khai mở, giữ vững và phát triển đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử. Theo thống kê của Ban Quản lý nghĩa trang, mỗi năm có gần 100.000 lượt người đến viếng các liệt sĩ.

Thắp nhang tại nghĩa trang Trường Sơn.
Thắp nhang tại nghĩa trang Trường Sơn.
Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn (xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) nằm trên một ngọn đồi cao ở thượng nguồn sông Bến Hải, bên dưới là một hồ rộng đầy nước xanh trong. Được khởi công xây dựng vào ngày 24-10-1975, nghĩa trang hoàn thành vào ngày 10-4-1977, là nơi tưởng niệm, tôn vinh những người con thân yêu của Tổ quốc đã anh dũng hy sinh trên các nẻo đường Trường Sơn vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Bộ Tư lệnh Sư đoàn 559 chỉ huy xây dựng với sự tham gia của hơn 40 đơn vị bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương. Ngoài ra còn có tổ công nhân chuyên khắc chữ vào bia đá của xã Hòa Hải, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam. Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn là nơi quy tụ 10.333 phần mộ của các liệt sỹ có tổng diện tích 140.000m2; trong đó, diện tích đất mộ là 23.000m2, khu tượng đài 7.000m2, khu trồng cây xanh 60.000m2, khu hồ cảnh 35.000m2 và mạng đường ô tô rải nhựa trong khuôn viên nghĩa trang 15.000m2. Trong nghĩa trang, các phần mộ được sắp xếp chia thành 10 khu vực theo địa phương, theo nơi sinh của các liệt sĩ và khu dành riêng cho liệt sĩ vô danh. Đến ngày 19-5-1999, nghĩa trang Trường Sơn đã được nâng cấp, tôn tạo lại.
 
Khu trung tâm nghĩa trang nằm ở vị trí cao nhất của ngọn đồi khoảng 32,4m với đài tưởng niệm (đài Tổ quốc ghi công) bằng đá trắng cao vút uy nghiêm, khuyết ba mặt. Ngay phía sau đài tưởng niệm là cây bồ đề với chiều cao tương đương tỏa bóng mát làm gợi lên mối liên hệ giữa mất mát - trường tồn bất diệt cũng như quá khứ - tương lai. Được biết, sau khi nghĩa trang khánh thành được sáu tháng (tháng 10-1977), cây bồ đề tự mọc lên ngay vị trí sau đài tưởng niệm và phát triển đến bây giờ. Mộ liệt sĩ trong nghĩa trang được sắp xếp theo từng khu vực của tỉnh, thành phố, trải dài trên năm ngọn đồi nhỏ nằm liên tiếp trên quả đồi lớn. Khu mộ liệt sĩ của mỗi tỉnh, thành đều có nhà tưởng niệm riêng với nét kiến trúc đặc trưng của mỗi vùng. Màu trắng của những dãy mộ liên tiếp xen lẫn vào màu xanh của những cánh rừng thông tĩnh lặng cùng làn khói hương bay lãng đãng làm không khí trong nghĩa trang càng trở nên huyền hoặc, tôn nghiêm hơn! Một nhà thơ khi đến viếng nghĩa trang đã so sánh “những ngôi mộ ngang dọc thẳng hàng/Như đội ngũ trước giờ ra chiến dịch/Vẫn vững bước suốt dải Trường Sơn/Dọc chiều dài đất nước(*).
 
Ngay phía sau cây bồ đề ở đài tưởng niệm tại trung tâm nghĩa trang là khu mộ liệt sĩ của TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam, trong đó có Tiền Giang. Sinh ra và lớn lên tại miền Nam sau 1975, tôi thật xúc động và càng thêm tự hào khi bắt gặp mộ những người anh hùng của quê hương Tiền Giang đã “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và hy sinh anh dũng ở đây! Đó là: Liệt sĩ Võ Huỳnh Long (SN 1938, quê quán Tân Hội - Cai Lậy) nhập ngũ năm 1966, cấp bậc trung úy, hy sinh ngày 20-01-1975; Liệt sĩ Phạm Văn Khéo (SN 1934, quê quán Bình Xuân - Gò Công) nhập ngũ năm 1966, cấp bậc thiếu úy, hy sinh ngày 08-04-1968. Liệt sĩ Nguyễn Văn Xê (SN 1948, quê quán Trung An - Mỹ Tho) nhập ngũ năm 1968, cấp bậc trung sĩ, hy sinh ngày 07-05-1970; Liệt sĩ La Văn Thảo (SN 1933, quê quán Mỹ Thiện - Cái Bè) nhập ngũ năm 1964, cấp bậc thiếu úy, hy sinh ngày 07-11-1969…

Những người con thương yêu của tỉnh nhà đã cống hiến tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến trường kỳ giành độc lập của dân tộc đã mãi mãi nằm lại giữa đại ngàn Trường Sơn cùng đồng đội của mình! Theo anh Hồ Tất Ái, Trưởng ban quản lý nghĩa trang Trường Sơn cho biết: Khu mộ liệt sĩ của TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam ít có khách từ Nam ra viếng nhưng vẫn được những đoàn khách khác khi đến đều thắp nhang vì mọi người đều thương những người con của miền Nam thân thương nằm lại ở đây! Thật vậy, lúc chúng tôi đến viếng, trên những ngôi mộ của các liệt sĩ ở đây vẫn còn những nét nhang nghi ngút khói.

Hoàng hôn cùng ráng chiều đỏ ói dần buông xuống nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Những nén nhang trên các phần mộ trắng xóa của các anh hùng liệt sĩ gặp gió bỗng lóe sáng lên như nhắc đến những người còn sống hãy nhớ đến quá khứ hào hùng, oanh liệt đã qua để xây dựng đất nước tương lai ngày càng giàu đẹp hơn! Một lần đến viếng mộ liệt sĩ ở nghĩa trang Trường Sơn làm tôi đồng cảm hơn với tứ thơ của nhà thơ Nguyễn Đình Thi: “Đất nước của những người không bao giờ khuất, đêm đêm rì rầm trong tiếng đất, những buổi ngày xưa vọng nói về”. Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn ngày nay đã trở thành biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, nơi suy tôn tinh thần, ý chí đấu tranh giành độc lập và khát vọng hòa bình của nhân dân ta.

(*) Bài thơ: “Viếng Nghĩa trang Trường Sơn”của Nguyễn Quốc Tuấn.

Hữu Chí

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập269
  • Máy chủ tìm kiếm56
  • Khách viếng thăm213
  • Hôm nay71,226
  • Tháng hiện tại1,911,718
  • Tổng lượt truy cập40,281,094
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây