Thế trận lòng dân ở trạm trung chuyển B8 tại Tiền Giang

Chủ nhật - 24/10/2021 09:41
Vào những ngày tháng 10 này, chúng tôi có dịp đến thăm một trong những trạm trung chuyển vũ khí tại xã Phú Tân (huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang) của Đường Hồ Chí Minh trên biển. Trạm trung chuyển vũ khí tại tỉnh Tiền Giang của Đường Hồ Chí Minh trên biển là Trạm Bà Từ (bí số gọi là B8) trung chuyển vũ khí từ bến Bến Tre về mặt trận miền Đông Nam bộ, Sài Gòn - Chợ Lớn và Trung ương Cục (R).

Nơi từng là hầm chứa hàng của trạm trung chuyển B8.
Nơi từng là hầm chứa hàng của trạm trung chuyển B8.
Theo lời kể của những con người có mặt từ ngày đầu xây dựng trạm, B8 ra đời như sau: Sau khi tàu Phương Đông 1 vào bến Cà Mau thắng lợi, ngày 19-9-1962, Quân ủy Miền quyết định thành lập Đoàn 962 và đây cũng là ngày ra đời của bến Bến Tre. Đến tháng 9-1964, bến Bến Tre đã nhận 22 chuyến tàu với hơn 825 tấn vũ khí. Từ đây trở đi, do lượng hàng về các kho càng tăng nên nhu cầu cần có một trạm trung chuyển và địa điểm thích hợp nhất được chọn sau quá trình bàn bạc kỹ lưỡng là khu vực Gò Công. Đầu năm 1965, Ban Chỉ huy Đoàn 962 cử đồng chí Mai Văn Săng (Sáu Tấn) về tổ chức thêm một kho ở Bà Từ. Lãnh đạo Tỉnh ủy Gò Gông (nay thuộc tỉnh Tiền Giang) đưa đồng chí Năm Thành, người quê ở xã Quơn Long (huyện Chợ Gạo) giữ nhiệm vụ đội trưởng, hai đồng chí Năm Lùng (Nguyễn Văn Lùng) và Tư Hải (Nguyễn  Long Hải) quê ở xã Vàm Láng (nay là thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông) làm đội phó.

Theo lời kể của đồng chí Tư Hải (Nguyễn  Long Hải), trạm phó trạm B8, chuyện xây hầm làm kho chứa hàng trong thời kỳ lúc bấy giờ đã là một kỳ công. Vì đặc điểm địa lý và tự nhiên nơi đây là rừng bần, đước và cây mắm nên không cho phép đóng cây làm giàn kê rồi chất hàng, ngụy trang như ở Bến Tre, mà phải xây hầm kiên cố bằng bê tông cốt thép trong lòng đất. Yêu cầu của trạm là phải xây 5 hầm ở các địa điểm: Lũy Pháo đài (1 hầm thuộc xã Phú Tân), rừng Bà Lẫm (2 hầm) và cặp kinh Mới xã Tân Phú Đông (2 hầm), nay thuộc địa bàn huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang; mỗi hầm có sức chứa từ 3 đến 5 tấn. Toàn bộ nguyên vật liệu xây dựng đều phải mua từ vùng giặc và do nòng cốt, cơ sở đảm trách. Để công việc xây hầm được đảm bảo an toàn, bí mật, lực lượng cán bộ địa phương lúc bấy giờ phải bắt đầu từ công tác điều tra, xây dựng nòng cốt, cơ sở, tuyên truyền giáo dục giác ngộ cách mạng trong quần chúng nhân dân và chọn lọc để giao nhiệm vụ. Vì tính chất công việc cực kỳ quan trọng nên lực lượng tham gia xây dựng, vận chuyển và bảo vệ trạm được phân chia thành từng bộ phận riêng biệt nhau nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Bà Trần Thị E, vợ của nguyên chủ tịch xã Kiểng Phước lúc đó, nay là xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông), là một trong những cán bộ phụ nữ nòng cốt lúc bấy giờ tham gia chọn lọc, móc nối tiếp những cơ sở để tham gia vào quá trình vận chuyển vật liệu xây trạm. Bà kể: “Lúc đó, đời sống người dân nơi đây cực kỳ khó khăn và phải sống sát với đồn địch nhưng bà con vẫn nhiệt tình tham gia và khôn khéo không để lộ bí mật”. Bản thân bà E sau khi bị địch bắt, giam giữ và tra khảo 1 năm trời nhưng không moi được tin tức gì nên đành phải thả ra. Trong câu chuyện bà kể có một chi tiết rất xúc động là khi bà đi ở tù, chồng hoạt động bí mật, người con lớn trong nhà phải đi ở đợ để nuôi 2 đứa em! Vì kiên quyết quyết không khai, đôi chân bà bị địch tra tấn gần như không đi được… Được biết, bà E đã được hưởng chế độ tù đày theo quy định.

Trong tình hình tai mắt của địch lúc đó ở khắp mọi nơi, những người trực tiếp tham gia xây trạm không sao kể hết được những vất vả, khó khăn và bao nhiêu mưu mẹo đánh lừa, qua mắt địch để bí mật vận chuyển hết một số lượng cát, đá, xi măng, sắt thép về tới rừng xây kho chứa hàng. Những con người như ông Ba Banh, ông Mười Mòng, bà Chín, bà Sáu Nháng, bà Hai Mới, vợ ông Hai Hinh… đã tìm ra nhiều lý do để níu kéo cho lính đồn Bà Từ, đồn Pháo Đài ăn nhậu; nhỏ to đút lót không biết bao nhiêu trạm cho nó khỏi xét mỗi khi có ghe chở hàng (vũ khí) đi ngang qua.

Đồng chí Tư Hải (Nguyễn Long Hải, đội phó trạm Bà Từ) còn kể: Dưới đáy mỗi hầm đều phải phủ lên một lớp giấy bạc dày trên đầu cừ trước khi đổ bê tông, lót xung quanh trước khi xây thành, phủ nóc; loại giấy bạc ấy phải đi đặt hàng trên Sài Gòn và đóng thành từng kiện xong mới lập kế hoạch vận chuyển, kế hoạch đối phó với giặc trong mọi tình huống xấu, rồi chuyển về. Toàn bộ lực lượng tham gia xây trạm phải chạy đua với thời gian, chống chọi với điều kiện khắc nghiệt nơi rừng hoang, nước mặn, thêm vào đó là sự càn quét, đánh phá bằng bom, pháo của kẻ thù. Nhưng với ý chí, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ, sự ủng hộ, giúp đỡ của cơ sở nòng cốt ở địa phương, nên 5 hầm chứa hàng (vũ khí) đã được chôn sâu trong lòng đất làm kho chìm và ụ bến để tàu ập bến vào đậu an toàn. Đây thực sự là một kỳ công của cán bộ, chiến sỹ trạm B8 (tỉnh Tiền Giang). Hàng về, mỗi khi đưa không kịp vào kho trước khi trời sáng, những người tham gia vận chuyển tự mang hàng về nhà cất giấu, để đêm sau tiếp tục đưa trở lại kho hoặc chuyển ra chiến trường.

Từ ngày thành lập, trạm trung chuyển hàng ở Bà Từ (Tiền Giang) được bố trí một trung đội vũ trang bảo vệ, đội kho có 25 người và một tiểu đội vận tải phụ trách dỡ hàng về, xuất hàng đi. Lực lượng đó gọi là “trong biên chế” do Đoàn 962 chỉ huy, quản lý. Ông Nguyễn Văn My (xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông) nguyên là Đội trưởng Đội bảo vệ trạm Bà Từ cho biết: “Việc đón, đưa tàu vào trạm an toàn; tiếp nhận, cất giữ, bảo quản và bàn giao vũ khí an toàn là công việc hết sức khó khăn, nguy hiểm. Nhưng việc chiến đấu bảo vệ địa bàn, bảo vệ kho, trạm lại càng quyết liệt, khó khăn và nguy hiểm hơn”.

Người đội trưởng năm xưa kể lại một trong những kỷ niệm khó quên trong công tác bảo vệ trạm B8: Đó là vào đêm ngày 10/10/1966, trời mưa nhỏ, đoàn tàu từ trạm B7 (huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) trung chuyển hàng cho trạm B10 (huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh). Khi tàu vừa ra đến cửa biển thì bị hải thuyền địch phát hiện, đeo bám phía sau; để đánh lạc hướng địch và giữ bí mật, đội trưởng thuyền Trần Văn Thái (Ba Nhái) ra lệnh cho hai chiếc tăng hết tốc lực chạy vào đơn vị B8. Một trận chiến đấu quyết liệt với hải quân, bộ binh và không quân địch xảy ra tại căn cứ B8. Ta tự hủy toàn bộ hai chiếc ghe, chuyển giấu được một số vũ khí. Trong số hai đồng chí hy sinh có Ba Nhái, người chỉ huy đội vận tải đường biển tài giỏi. Anh đã từng ra vào chính xác cửa Cần Giờ, vượt qua biết bao nguy hiểm, mang nhiều tài liệu, thuốc chữa bệnh, súng đạn từ đầu cửa Khâu Băng (tỉnh Bến Tre) đến B10 rồi theo sông Soài Rạp, Lòng Tàu và các con sông rạch nhỏ chằng chịt như chỉ bàn tay trong rừng Sác về với Trung ương Cục…

Dù chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn nhưng những nỗ lực phi thường của cán bộ, chiến sĩ trạm B8 cùng các lực lượng cách mạng và nhân dân địa phương đã hoàn thành hoàn nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào việc trung chuyển vũ khí, làm nên huyền thoại Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển”.

Nhận xét về ý nghĩa lịch sử của trạm B8 (trạm Bà Từ ở tỉnh Tiền Giang), ông Đoàn Văn Thơ, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang có ý tưởng cần tổ chức một hội thảo về hoạt động của trạm B8 trong Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển, qua đó làm rõ tầm quan trọng và ý nghĩa lịch sử của trạm này; từ đó hướng đến việc lập bia di tích, viết lịch sử để làm địa chỉ đỏ, tài liệu giáo dục lòng yêu nước cho các thế hệ sau.

Hữu Chí

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập882
  • Máy chủ tìm kiếm29
  • Khách viếng thăm853
  • Hôm nay60,927
  • Tháng hiện tại1,193,574
  • Tổng lượt truy cập34,779,219
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây