Kết quả 15 năm triển khai và thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới

Chủ nhật - 12/03/2023 21:54
Những năm qua, Đảng bộ và chính quyền huyện Gò Công Tây rất quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật. Các ngành chức năng đã phát huy được vai trò, chức năng, nhiệm vụ tham mưu cấp ủy, chính quyền trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật và đạt được những kết quả đáng kể.

Chương trình đờn ca tài tử Hương Đất Giồng.
Chương trình đờn ca tài tử Hương Đất Giồng.
Nghệ thuật kiến trúc Đình Đồng Thạnh được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia; nghệ thuật kiến trúc Lầu Bà Năm (xã Đồng Thạnh), Lễ hội dân gian Đình Vĩnh Bình là loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể cấp tỉnh.
 
Ban Thường vụ Huyện ủy quan tâm chỉ đạo triển khai cuộc thi sáng tác quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Qua triển khai, có 153 tác phẩm tham dự và có 02 tác phẩm đạt giải Nhất (02 tác phẩm của tác giả ở xã Thạnh Nhựt), 01 tác phẩm đạt giải nhì (giáo viên trường THPT Vĩnh Bình); những tác phẩm đã góp phần làm cho Nhân dân nhận thức sâu sắc về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
 
Về đào tạo, đã đưa đi đào tạo chuyên môn dài hạn và tập huấn các chuyên ngành như: Quản lý văn hóa, Mỹ thuật, Âm nhạc, Múa, Bảo tàng, Thư viện, Đờn ca tài tử, Ngữ văn… được 57 người. Ủy ban Nhân dân huyện đã xây dựng tiêu chuẩn và cơ chế lựa chọn, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý lĩnh vực văn học, nghệ thuật có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ để đảm đương công việc. Huyện thường xuyên chỉ đạo cơ sở thành lập các Câu lạc bộ, chi hội văn học, nghệ thuật. Hiện nay, huyện có Câu lạc bộ thơ Hương Đất Giồng (xã Vĩnh Hựu), câu lạc bộ Đờn ca tài tử ở các xã và thị trấn Vĩnh Bình, câu lạc bộ Sinh vật cảnh, câu lạc bộ Hát với nhau, chương trình Hát với đam mê, câu lạc bộ khiêu vũ... Các loại hình nghệ thuật dân gian được củng cố và duy trì đã thu hút người dân và đặc biệt là giới trẻ tham gia ngày càng nhiều.
 
Công tác quản lý nhà nước về văn học, nghệ thuật được quản lý chặt chẽ, kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi truyền bá sản phẩm văn học, nghệ thuật có nội dung tư tưởng không lành mạnh, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội; hàng năm, tổ chức trưng bày tranh ảnh và đọc báo xuân; xuất bản ấn phẩm Tập san Xuân của huyện; tổ chức biểu diễn nhiều chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị, văn hóa của đất nước, của địa phương. Đã có nhiều chương trình văn hóa, văn nghệ diễn ra ở cấp huyện như: Tổ chức hội thi cấp huyện về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng hình thức sân khấu hóa; chương trình nghệ thuật tổng hợp chào mừng kỷ niệm ngày cách mạng tháng tám và Quốc khánh 2/9; Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thi “Tiếng hát hoa phượng đỏ”; chương trình nghệ thuật hát về Mẹ nhân mùa Vu Lan báo hiếu; hội thi tìm hiểu về “Người và đất Gò Công”.

Các xã, thị trấn duy trì hoạt động văn hóa - văn nghệ theo Đề án 3488 của Ủy ban nhân dân tỉnh. Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh huyện tổ chức chương trình tuyên truyền lưu động với chủ đề: Chung tay xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn. Nét nổi bật là hàng tháng duy trì tổ chức đêm nhạc “Hát với đam mê” và giao lưu đờn ca tài tử, ca cảnh cải lương “ Hương đất Giồng”. Hiện nay, toàn huyện có 12 câu lạc bộ, đội, nhóm đờn ca tài tử với hơn 125 người tham gia sinh hoạt đờn ca tài tử ở 12/13 xã, thị trấn, trong đó có 8 câu lạc bộ sinh hoạt định kỳ hàng tháng ở các nhà văn hóa xã, các tụ điểm văn hóa. Toàn huyện có 02 câu lạc bộ thơ, trong đó có 01 câu lạc bộ thơ thuộc xã Vĩnh Hựu và 01 câu lạc bộ thơ thuộc xã Thạnh Nhựt; có 13 đội văn nghệ quần chúng các xã, thị trấn, khối cơ quan, trường học, các lực lượng vũ trang, các câu lạc bộ sở thích, câu lạc bộ văn hóa cơ sở, đã tổ chức trên 957 buổi biểu diễn, sinh hoạt phục vụ cho hàng trăm ngàn lượt người xem.

Các ngành đã tổ chức 315 cuộc hội thi, hội diễn, liên hoan văn nghệ, thu hút hơn 2.500 lượt diễn viên nghiệp dư tham gia, với hàng trăm lượt người xem và cổ vũ. Hoạt động đờn ca tài tử và các cuộc thi, hội diễn, liên hoan văn nghệ quần chúng bằng nhiều nội dung, hình thức, thể loại phong phú với hương vị đặc sắc “cây nhà lá vườn” đã khơi dậy mạnh mẽ phong trào văn nghệ quần chúng, hình thành nên một đội ngũ tác giả, đạo diễn, biên đạo múa, nhạc công và diễn viên nghiệp dư hoạt động sôi nổi, phục vụ có hiệu quả nhu cầu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của các tầng lớp nhân dân, góp phần bảo tồn, giữ gìn phát huy loại hình nghệ thuật độc đáo ở Nam bộ nói chung và của huyện Gò Công Tây nói riêng, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Hoạt động văn hóa, văn nghệ phát triển rộng khắp, chất lượng cuộc thi, hội diễn, liên hoan được nâng lên, ngày càng thu hút đông đảo các lực lượng tham gia, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của mọi tầng lớp Nhân dân.
 
Phát huy kết quả đạt được trong những những năm qua; khắc phục những khó khăn, thử thách, thiết nghĩ cần tập trung làm tốt một số giải pháp như sau:
 
Một là, tiếp tục tuyên truyền, phổ biến nội dung Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị và các văn bản liên quan của cấp trên về lĩnh vực xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp Nhân dân.
 
Hai là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Xác định nhiệm vụ xây dựng nền văn học, nghệ thuật là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở. Đồng thời, xây dựng tinh thần cảnh giác cách mạng, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu phá hoại, âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
 
Ba là, tiếp tục đầu tư và tranh thủ các nguồn vốn cấp tỉnh xây dựng các thiết chế văn hóa, công trình nghệ thuật trên địa bàn huyện; đồng thời thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật hiện có tại địa phương phục vụ cho nhu cầu phát triển văn hóa.
 
Bốn là, đẩy mạnh đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới.
 
Năm là, tổ chức nhiều hoạt động văn học, nghệ thuật phong phú, đa dạng. Đẩy mạnh hoạt động sáng tác, giới thiệu các tác phẩm trong lĩnh vực văn học nghệ thuật; nâng cao chất lượng cả về nội dung và hình thức. Tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp, tôn tạo các công trình văn hóa, các thiết chế văn hóa, nghệ thuật trên địa bàn huyện.
 
Sáu là, tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời ngăn chặn, xử lý các hoạt động sáng tác, truyền bá những sản phẩm văn học, nghệ thuật có nội dung, tư tưởng tiêu cực, thiếu lành mạnh, gây tác động xấu đến đời sống văn hóa xã hội.
 
Bảy là, chỉ đạo thực hiện tốt công tác phối hợp giữa Uỷ ban Nhân dân huyện với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội trong việc vận động Nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia xây dựng Đảng, Chính quyền vững mạnh.

Tám là, Ủy ban Nhân dân huyện phối hợp Ban Tuyên giáo Huyện ủy nghiên cứu, đề xuất thành lập Chi hội văn học - nghệ thuật huyện trong thời gian tới.

 

Phạm Trần Thảo Quyên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập238
  • Máy chủ tìm kiếm50
  • Khách viếng thăm188
  • Hôm nay72,644
  • Tháng hiện tại235,330
  • Tổng lượt truy cập41,031,309
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây