Ông Lữ, ông Móm là những cư dân đầu tiên khai phá đất hoang ở Châu Thành, Gò Công vào những năm đầu thế kỷ XVIII.
Ca dao về lịch sử thường gắn liền với sự kiện, địa danh và nhân vật, đồng thời có tính khái quát cao. Ở một số câu, ta thấy có sự cải biên từ ca dao cũ, nhưng vẫn giữ được nét độc đáo riêng. Đó là những câu ca dao liên quan đến chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút:
Bần gie đóm đậu sáng ngời,
Rạch Gầm - Xoài Mút rạng ngời chiến công.
Hay:
Bần gie đóm đậu sáng ngời,
Ra tay một trận muôn đời oai linh.
Ca dao đề tài kháng chiến được xem là ca dao mới, ra đời cùng thời với các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của nhân dân ta. Người ta sáng tác và phổ biến cho nhau nhằm thông tin, vận động các phong trào ủng hộ kháng chiến.
Tây vô Cầu Nổi anh ơi,
Mau mau cầm gậy cầm roi xông vào.
Đây là cảnh giới nghiêm thời Tây:
Nhà hát bóng chào rào chộn rộn,
Sở chụp hình ngồi đứng chỉnh tề.
Thăm em một chút anh về,
Chơi khuya, lính bắt khó bề phân qua.
Đó là những câu ca dao ca ngợi các lãnh tụ nghĩa quân đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập dân tộc:
Với Trương Định:
Gò Công anh dũng tuyệt vời,
Ông Trương “đám lá tối trời” đánh Tây.
Với Nguyễn Hữu Huân:
Một lòng đền nợ nước non,
Ngàn năm vẫn đỏ tim son anh hùng.
Đây là hình ảnh người phụ nữ trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945:
Ai chê phụ nữ yếu hèn
Dao phay mà cướp chính quyền mới hay.
Đồng Tháp Mười là căn cứ kháng chiến, vì thế mà ca dao dành cho vùng căn cứ này khá nhiều, với tình cảm kháng chiến đặc biệt:
Ai về Đồng Tháp xa xôi,
Dừng chân cho gởi đôi lời nhớ thương.
Ai về Ngã Sáu Mỹ Trung,
Ghé cho gởi nhớ về trong Tháp Mười.
Đây là lời động viên toàn dân đánh giặc:
Quân Tây ác nhất trần gian,
Nó bắt ta đói, nó làm ta đau.
Ở hiền cũng chẳng được đâu,
Than van vô ích chúng nào biết nghe.
Muốn yên phải đuổi Tây về,
Cuốc cào thay súng. Đánh nè, bà con!
Trong kháng chiến chống Mỹ, ca dao kháng chiến có lúc thành khẩu hiệu tuyên truyền:
Chiến công Ấp Bắc lẫy lừng,
Thanh niên ta quyết lên đường tòng quân.
Hoặc dùng làm công tác binh vận:
Từ ngày rời bỏ quê hương,
Anh theo giặc Mỹ con đường chia đôi.
Cực lòng em lắm anh ơi,
Thẹn thùng chúng bạn, tiếc đời tuổi xanh.
Ca dao còn nói lên tấm lòng của nhân dân đối với “anh bộ đội Cụ Hồ”:
Bom rơi thì mặc bom rơi,
Chị em Ấp Bắc vẫn khơi bếp hồng.
Thổi nồi cơm dẻo thơm nồng,
Giúp anh bộ đội no lòng đánh hăng.
Trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, ca dao được in ấn, phổ biến rộng rãi, ca ngợi công cuộc lao động của nhân dân:
Ví dầu Cổ Lịch cỏ bích sóng chao,
Tay đào, tay đắp bờ bao vững vàng.
Đàn reo Cổ Lịch tang tính tình tang,
Tay em nuôi ấu, tay chàng thả tôm.
Ca dao lịch sử ở Tiền Giang rất đa dạng, góp phần làm phong phú kho tàng ca dao Việt Nam và là niềm tự hào của người dân Tiền Giang.
Ngã Sáu thuộc xã Mỹ Trung, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.
Cồn Cổ Lịch thuộc huyện Cái Bè.