Ngành giáo dục và đào tạo Tiền Giang tự hào truyền thống, nối tiếp tương lai

Thứ ba - 21/11/2023 02:20
Qua từng chặng đường của lịch sử, hệ thống giáo dục và đào tạo của Tiền Giang đã từng bước khẳng định vị thế với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ cho sự nghiệp phát triển chính trị, kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thời kỳ từ thế kỷ XVII đến năm 1861: Đây được xem là thời kỳ sơ khai trong quá trình hình thành và phát triển của lịch sử giáo dục tỉnh nhà. Sau khi lên ngôi năm 1802, vua Gia Long đã có ý định chấn hưng nền học thuật ở Nam Bộ. Từ năm 1826 đến năm 1838, nhiều trường học đã được thành lập như: Trường học tỉnh Định Tường (1826); Trường học Phủ Kiến An (1833); Trường học huyện Kiến Hòa thuộc Phủ Kiến An (1835); Trường học phủ Kiến Tường (1838). Nền giáo dục dưới thời nhà Nguyễn chủ yếu là giáo dục tư nhân. Các quan chức Đốc học, Giáo thọ và Huấn đạo có nhiệm vụ chính là kiểm tra chất lượng của học trò trước khi giới thiệu đi thi Hương. Kể từ 1813 đến 1864, nhà Nguyễn đã tổ chức 20 khoa thi Hương, tuyển chọn 270 người đậu cử nhân, trong đó vùng Tiền Giang có 44 người trúng tuyển. Nền giáo dục của Tiền Giang thời kỳ này tuy chịu nhiều ảnh hưởng của tư tưởng nho giáo nhưng rất gần gũi với quan niệm của giới bình dân lao động. Một điều hết sức quan trọng là nền giáo dục thời kỳ này đã ảnh hưởng rất to lớn đến tinh thần yêu nước của các sĩ phu. Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, thì tầng lớp sĩ phu yêu nước, văn thân đã cùng với nhân dân giương cao cờ dân tộc, lãnh đạo nhân dân đứng lên khởi nghĩa.

Thời kỳ từ 1862 đến năm 1945: Đây là thời kỳ giáo dục Tiền Giang chịu nhiều ảnh hưởng từ tư tưởng phương Tây, chủ yếu là của Pháp. Thời kỳ này, Pháp hạn chế mở trường học. Một trong những sự kiện đáng chú ý của giáo dục Tiền Giang thời kỳ này là năm 1879, Thống đốc Nam Kỳ ra Nghị định mở trường trung học Mỹ Tho (College de My Tho) nay là Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu. Ở thời kỳ này, ngoài hệ thống trường công lập có 2 loại hình trường tư do Giáo hội thiên chúa giáo thành lập và các trường chữ Nho. Thực dân Pháp thực hiện chính sách ngu dân, nên số người đi học rất ít, chủ yếu tỷ lệ nhỏ dân cư. Ở thời kỳ này, chữ Pháp được sử dụng là loại ngôn ngữ chính trong trường học; ngoài các biện pháp cưỡng chế, chính quyền thực dân còn tung tiền dụ dỗ học sinh học chữ Pháp. Nội dung giáo dục trong thời kỳ này ở các môn học đều rập khuôn chương trình ở chính quốc, xa  rời đặc điểm Việt Nam. Trong giai đoạn 1930 đến năm 1945, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, lãnh đạo phong trào công nhân, phong trào cách mạng Việt Nam, nhiều tầng lớp trí thức, học sinh, sinh viên yêu nước đã tham gia đấu tranh bằng nhiều hình thức như diễn thuyết, đốt lửa trại, văn nghệ,… nhằm tuyên truyền vận động tinh thần yêu nước, cách mạng của nhân dân.

Thời kỳ từ 1945 đến năm 1954: Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, vùng Tiền Giang cũng như các tỉnh khác ở Nam bộ đã hình thành hai khu vực quản lý khác nhau nên có hai hệ thống giáo dục khác nhau: Hệ thống giáo dục của chính quyền thực dân giới hạn trong vùng bị địch tạm chiếm ở các thị xã, thị trấn và ven các trục lộ chính do quân đội Pháp và bọn tay sai chiếm đóng. Hệ thống giáo dục này bao gồm các trường công, trường tư thục của người Việt, người Hoa và người Ấn. Sau khi thực dân Pháp tái chiếm Nam Kỳ, tại tỉnh Mỹ Tho, tỉnh Gò Công cũ, các trường công ra đời trước đó được tăng cường củng cố nhằm đào tạo lớp người phục vụ âm mưu chiếm đóng lâu dài đất nước ta. Số lượng trường công và trường tư trong vùng địch tạm chiếm còn rất ít, không đáp ứng được nhu cầu học tập của nhân dân. Năm 1954 Pháp thất bại ở Đông Dương, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, phong trào đấu tranh đòi hoà bình, tổng tuyển cử, thống nhất đất nước phát triển mạnh mẽ trong các trường học, tiêu biểu nhất là phong trào đấu tranh của học sinh và thầy giáo ở một số trường tại huyện Cái Bè, Cai Lậy, thị xã Mỹ Tho. Trước tình hình thất học phổ biến trong tỉnh, tại các vùng kháng chiến, chính quyền cách mạng vừa lãnh đạo nhân dân đánh giặc vừa tổ chức xây dựng hệ thống giáo dục kháng chiến từ cấp tỉnh đến xã, ấp vùng sâu nhằm đáp ứng nhu cầu học hành của nhân dân, cán bộ, chiến sĩ, phục vụ cuộc kháng chiến lâu dài.

Xuất phát từ quan điểm “Nạn dốt là một trong những phương pháp độc ác mà bọn thực dân Pháp dùng để cai trị chúng ta … một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” (Hồ Chí Minh), Đảng bộ Mỹ Tho - Gò Công đã chủ trương cấp tốc tiến hành việc xóa mù cho nhân dân trong tỉnh. Lúc bấy giờ, việc chống giặc dốt được đặt song song với nhiệm vụ chống giặc ngoại xâm và giặc đói. Tỉnh thành lập trường Tiểu học kháng chiến Phan Lương Trực và trường Bổ túc Văn hóa đặt tại Hậu Mỹ (Cái Bè) nhằm đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển của nền giáo dục cách mạng ở Mỹ Tho - Gò Công. Đồng thời, tỉnh cũng đã phát động phong trào bình dân học vụ và phong trào này được nhân dân hưởng ứng tích cực. Trong các vùng căn cứ kháng chiến của tỉnh, không khí thi đua học tập rất sôi nổi, đẩy mạnh phong trào bình dân học vụ và bổ túc văn hóa trong nhân dân và cán bộ, chiến sĩ, nâng cao dân trí và bồi dưỡng tinh thần cách mạng cho nhân dân, nhất là lực lượng thanh niên - học sinh, góp phần quan trọng vào sự thắng lợi của công cuộc đánh đuổi thực dân Pháp.

Thời kỳ từ 1954 đến năm 1975: Đây là giai đoạn tồn tại song song hai hệ thống giáo dục có mục đích, nội dung và chương trình học hoàn toàn khác nhau, trong đó hệ thống giáo dục cách mạng mặc dù tồn tại trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt nhưng ngày càng phát triển và tác động mạnh đến một bộ phận không nhỏ giáo chức và học sinh trong hệ thống giáo dục thuộc vùng tạm chiến của Mỹ - Ngụy. Sự phát triển của hai hệ thống giáo dục nhìn chung chịu ảnh hưởng, chi phối của các giai đoạn chiến tranh trong toàn miền, chịu sự chi phối của các thời kỳ chiến tranh ở Tiền Giang. Giai đoạn 1954 - 1975, chiến trường Tiền Giang được chia làm 4 thời kỳ như sau: Thời kỳ đấu tranh giữ gìn, phát triển lực lượng cách mạng, cao trào nổi dậy (7/1954 - 3/1961); Thời kỳ phát động chiến tranh nhân dân, góp phần đánh bại chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" (4/1961 - 4/1965); Thời kỳ đẩy mạnh chiến tranh nhân dân, góp phần đánh bại chiến lược "Chiến tranh cục bộ" (5/1965 - 10/1968); Thời kỳ kiên cường bám trụ, đánh bại các cuộc phản kích, góp phần làm thất bại chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" (11/1968 - 30/4/1975).

Thời kỳ từ 1975 đến nay: Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tháng 2/1976 hợp nhất ba đơn vị tỉnh Mỹ Tho, tỉnh Gò Công và thành phố Mỹ Tho thành tỉnh Tiền Giang, ngoài nhiệm vụ ổn định phát triển hệ thống giáo dục kháng chiến, tiếp quản giáo dục để đáp nhu cầu học tập của con em nhân dân; nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của ngành giáo dục trong giai đoạn này là xóa mù chữ cho nhân dân trên địa bàn tỉnh với tỷ lệ khoảng 1/3 dân số. Do đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, các cấp và ngành giáo dục tập trung thực hiện công tác xóa mù chữ cho toàn dân, công tác chống mù chữ và bổ túc văn hóa được thực hiện thường xuyên và tiến tới thực hiện công tác phổ cập giáo dục tiểu học. Đến tháng 10 năm 1996, tỉnh Tiền Giang đạt chuẩn chống mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học với 95,02% dân số độ tuổi từ 15-35 biết chữ và 86,15% trẻ 14 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học. Năm 2004, tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và năm 2006 đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS, từ đó công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục được tiếp tục củng cố và nâng cao tỉ lệ đạt chuẩn theo hàng năm.

Về giáo dục phổ thông, mạng lưới trường học dần được hoàn thiện, phủ khắp các địa bàn xã, phường trong tỉnh. Năm học 1976-1977 chỉ có 249 lớp mầm non ghép với trường tiểu học, 259 trường phổ thông (tiểu học 186 trường, THCS 63 trường, THPT 10 trường) thì đến nay đã tăng lên 188 cơ sở giáo dục mầm non, 159 trường tiểu học, 124 trường THCS (trong đó có 19 trường TH&THCS), và 38 trường (trong đó có 05 trường THCS&THPT), ngoài ra còn có 01 Trung tâm GDTX tỉnh và 06 Trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện và 172 Trung tâm học tập cộng đồng. Nhiều trường học được xây dựng với đầy đủ các phòng học, thư viện, phòng thực hành thí nghiệm, phòng học bộ môn, phòng chức năng và trang thiết bị đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng dạy và học. Qui mô học sinh tăng dần qua các thời kỳ, năm học 1976-1977, giáo dục mầm non huy động được 10.013 học sinh; tiểu học 198.481 học sinh, THCS 39.872 học sinh, THPT 8.860 học sinh thì đến nay giáo dục mầm non đã huy động được 51.607 trẻ  (gấp 5 lần so với năm 1976); tiểu học 126.777 học sinh, THCS 102.480 học sinh, THPT 48.672 học sinh, GDTX 1.560 học viên.

Được sự quan tâm của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, mạng lưới trường, lớp phát triển rộng khắp đến các vùng sâu, vùng xa trong tỉnh. Các xã hầu hết đều đã có trường mầm non, tiểu học, trường THCS. Hệ thống cơ sở vật chất được đầu tư, trang bị ngày càng hoàn chỉnh đáp ứng cho việc thực hiện Chương trình GDPT mới 2018. Công tác xây dựng trường chuẩn Quốc gia, kiểm định chất lượng ở các cơ sở giáo dục tiếp tục được đẩy mạnh. Đến đầu năm học 2023 - 2024, toàn tỉnh có 356/509 trường đạt chuẩn quốc gia, tỉ lệ 69,94%.  Chất lượng dạy và học tiếp tục được khẳng định, từng bước được nâng lên. Kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đạt tỉ lệ 99,68%, điểm trung bình đạt 6,72 xếp 13/63 tỉnh thành cả nước, thứ nhì khu vực ĐBSCL. Điểm trung bình 03 môn Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh của học sinh Tiền Giang trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT nằm trong tốp 10 cả nước (19,72 điểm). Tỉ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông của tỉnh Tiền Giang nhập học vào các cơ sở đào tạo là 50,24% (tỷ lệ chung cả nước là 48,09%), xếp đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Quy mô và chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các ngành học, cấp học tiếp tục được củng cố theo hướng đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, chuẩn hóa về trình độ đào tạo và có một bộ phận trên chuẩn, đáp ứng được yêu cầu đổi mới công tác quản lý giáo dục, đổi mới dạy học. Toàn ngành GDĐT tỉnh hiện có 18.535 cán bộ, giáo viên và nhân viên hiện đang công tác ở các đơn vị sự nghiệp giáo dục. Trình độ đội ngũ được nâng dần qua từng năm, theo Luật Giáo dục 2019 thì số  giáo viên đạt chuẩn về trình độ đào tạo: Mầm non: 86,9%; Tiểu học:  81,9%; THCS: 78,48%; THPT: 100%.

Căn cứ các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội, các văn bản chỉ đạo, điều hành về GDĐT, đồng thời trên cơ sở những kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế, tồn tại trong năm học trước, ngành GDĐT xác định phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023 - 2024 cụ thể như sau: Toàn ngành GDĐT tiếp tục quán triệt, triển khai có hiệu quả các chỉ đạo trong việc hoàn thiện thể chế, tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý về giáo dục; Tăng cường công tác giáo dục thể chất, y tế trường học, bảo đảm an toàn trường học, chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh; Tăng cường công tác chính trị, tư tưởng đối với nhà giáo và học sinh, sinh viên; Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; Thu hút các nguồn lực đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo; Thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; Đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; Tăng cường Hội nhập quốc tế trong giáo dục; Đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua trong toàn ngành; Tăng cường công tác truyền thông giáo dục.
Tự hào truyền thống của cha ông đi trước, ngành GDĐT Tiền Giang hôm nay đã và đang tiếp tục nỗ lực, phấn đấu, thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học; đồng thời, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

Nguyễn Phương Toàn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập358
  • Máy chủ tìm kiếm20
  • Khách viếng thăm338
  • Hôm nay90,109
  • Tháng hiện tại1,222,756
  • Tổng lượt truy cập34,808,401
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây