Thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW, ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới, ngày 14/11/2023 Ban Thường vụ Thành ủy Mỹ Tho ban hành Chương trình 40-Ctr/TU. Mục đích chương trình nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội của thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; nắm vững quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Nghị quyết 36-NQ/TW. Đồng thời, nêu cao trách nhiệm, quyết tâm chính trị của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW chất lượng, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn của thành phố.
Mục tiêu tổng quát trong chương trình là huy động và phát huy các nguồn lực xã hội, lợi thế của thành phố và đầu tư ngân sách để phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là ngành nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thành phố nhanh, bền vững, ứng dụng công nghệ sinh học gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở vật chất hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng tăng trưởng và phát triển kinh tế; từng bước đưa Mỹ Tho trở thành thành phố có nền sản xuất, ứng dụng công nghệ sinh học phát triển của tỉnh.
Mục tiêu cụ thể, đến năm 2030, ứng dụng công nghệ sinh học mới, khuyến khích sử dụng các chế phẩm sinh học thay thế các sản phẩm nguồn gốc hóa học; góp phần từng bước xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, theo hướng hữu cơ, có giá trị gia tăng cao và bền vững. Ứng dụng công nghệ sinh học để xử lý các chất thải gây ô nhiễm, phục hồi và phát triển các hệ sinh thái tự nhiên, bảo vệ môi trường; ứng dụng, tiếp nhận công nghệ sinh học trong công nghiệp bảo quản và chế biến tạo ra chuỗi các sản phẩm có giá trị gia tăng cao; phát triển các sản phẩm nhân tạo. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ sinh học của thành phố.
Tầm nhìn đến năm 2045, hỗ trợ một số doanh nghiệp có ứng dụng công nghệ sinh học tiên tiến nhằm định hướng chung cho các doanh nghiệp trong việc đổi mới sáng tạo, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học. Làm chủ được một số công nghệ sinh học mới, tạo ra sản phẩm có chất lượng và khả năng ứng dụng thực tiễn sản xuất tại địa phương. Tăng cường đào tạo nhân lực đủ trình độ làm chủ công nghệ, tiếp nhận, ứng dụng và chuyển giao công nghệ mới, công nghệ tiên tiến ở quy mô công nghiệp.
Để đạt được các mục tiêu trên thành phố đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để tổ chức thực hiện. Đó là:
- Các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên nghiên cứu, quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức trong cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp về tầm quan trọng của phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống Nhân dân. Xác định phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học là một trong những nội dung, nhiệm vụ quan trọng trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
- Tập trung phát triển, ứng dụng hiệu quả công nghệ sinh học trong sản xuất và đời sống gắn với mô hình tăng trưởng hiện đại, xanh, bền vững và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của thành phố. Trong đó chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao; phục vụ bảo quản sau thu hoạch sản phẩm nông nghiệp.
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học trong quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đối khí hậu. Ứng dụng và phát triển công nghệ tạo chế phẩm sinh học phục vụ sơ chế, bảo quản đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông sản chủ lực như: Sử dụng công nghệ màng sinh học trong bảo quản để điều chỉnh thời gian thu hoạch, ... Ứng dụng công nghệ sinh học trong công nghiệp chế biến: Phát triển các chế phẩm phục vụ sản xuất các loại thực phẩm lên men có nguồn gốc tự nhiên phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu; ứng dụng công nghệ vi sinh tạo ra chuỗi các sản phẩm từ nông nghiệp có giá trị gia tăng cao; phát triển các sản phẩm phi thực phẩm; công nghệ sinh học xử lý phụ phẩm trong nông nghiệp để tái sử dụng,...
- Xây dựng nguồn nhân lực công nghệ sinh học, đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, gắn với phát triển công nghệ sinh học. Tổ chức các lớp đào tạo kỹ thuật viên về công nghệ sinh học, kết hợp bồi dưỡng tập huấn chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật mới trong lĩnh vực công nghệ sinh học cho các doanh nghiệp tại địa phương. Khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất. Xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, hiện đại hóa máy móc, thiết bị. Phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu và thông tin về công nghệ sinh học phục vụ sản xuất.
- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về công nghệ sinh học. Tăng cường hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu,… trong lĩnh vực công nghệ sinh học; nhận và chuyển giao công nghệ mới; hợp tác nghiên cứu mô hình phát triển kinh tế sinh học, quản lý tài nguyên, quản lý kinh tế, xã hội bền vững với các tổ chức, doanh nghiệp có trình độ công nghệ sinh học phát triển.