Người đoàn viên trung kiên, đấu tranh đòi quyền lợi trong tù

Thứ tư - 24/05/2023 23:20
Ông Nguyễn Minh Thàng, sinh năm 1944 trong một gia đình bần nông ở ấp Hậu Quới, xã Hậu Mỹ Bắc B, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Với tinh thần yêu nước, ông sớm tham gia cách mạng, năm 19 tuổi vào lực lượng Du kích xã Nhơn Ninh, huyện Kiến Bình, tỉnh Kiến Tường (nay là thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An). Năm 20 tuổi, ông được kết nạp vào Đoàn Thanh niên. Hiện là hội viên Hội Cựu chiến binh Việt Nam.
Người đoàn viên trung kiên, đấu tranh đòi quyền lợi trong tù.
Người đoàn viên trung kiên, đấu tranh đòi quyền lợi trong tù.
Ở cái tuổi “Thất thập cổ lai hy”, khi được hỏi về những năm tháng hào hùng cống hiến cho cách mạng, ông vẫn nhớ như in những ngày cùng đồng đội đấu tranh, chiến đấu dũng cảm, kiên cường và oanh liệt. Lúc bấy giờ, xã Nhơn Ninh là địa bàn trong vùng giải phóng. Do đó, địch cho máy bay ném bom kết hợp pháo binh bắn phá ác liệt vào khu vực có lực lượng cách mạng nhằm tiêu hao sinh lực của ta. Để bảo toàn lực lượng, đội du kích của ông phải tạm đóng điểm ở xã Hậu Mỹ Bắc, huyện Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho.

Khoảng 8 giờ một ngày của tháng 01-1971, điểm đóng quân của ông ở kênh Phụng Thớt gần kênh Hai Hạt, thuộc ấp Hậu Quới, xã Hậu Mỹ Bắc, huyện Cái Bè (nay là ấp Hậu Quới, xã Hậu Mỹ Bắc B, huyện Cái Bè) bị địch đột kích. Đội của ông chiến đấu quyết liệt với địch, tuy nhiên, do bị tấn công bất ngờ, lực lượng bị tổn thất. Một đồng chí hi sinh là ông Trần Văn Hỷ (Tám Hỷ), một số đồng chí khác thoát khỏi nơi bị tập kích, còn ông thì bị địch bắt tại đó.

Lúc bị bắt, chúng tra tấn rất tàn nhẫn nhằm khai thác tại chỗ các thông tin như điểm đóng quân, nơi cất giữ vũ khí, người chỉ huy và súng cá nhân của ông. Ông khéo léo khai để ít tổn thất cho cách mạng và bản thân nhất. Ông nói ông là du kích xã, không có địa điểm đóng quân cụ thể, còn người chỉ huy đã chết. Chúng tiếp tục đánh ông bất tỉnh, tỉnh lại chúng đưa ông vào khu trù mật Thiên Hộ, thuộc xã Hậu Mỹ, nay là xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè và nhốt ông vào “chuồng cọp”.

Khi hỏi “chuồng cọp” như thế nào thì ông bảo đó là một cái lồng nhỏ làm bằng sắt, bên ngoài là kẽm gai nhỏ khoảng 2m2, khi ngồi đụng đầu, khó xoay chuyển. Chúng nhốt ông một đêm, sáng hôm sau, chúng lôi ông ra tra tấn bằng nhiều hình thức như: đấm, đá bằng tay, chân đến các dụng cụ tra tấn như dùi cui, ba trắc,... hòng khai thác tin tức từ ông về tổ chức, đồng đội của ông và các tổ chức khác; bên cạnh đó là lý lịch của người chỉ huy, các mối quan hệ công tác cũng như danh tính người cộng tác. Lúc này, ông khai người chỉ huy là ông Hai Quốc. Chúng hỏi ông Hai Quốc hiện ở đâu, ông khai đã chết. Còn các câu hỏi khác thì ông khai như cũ. Đến đây, chúng bực tức, đánh đập ông đến ngất xỉu, rồi dội nước cho ông tỉnh dậy, lại tiếp tục tra tấn nhiều lần như vậy. Tuy nhiên, chúng không khai thác được gì.

Đến khoảng 9 giờ sáng hôm sau, chúng đưa lên trực thăng giải ra Chi khu quận Cái Bè, rồi đưa vào Ban 2 là nơi chúng chuyên dùng để điều tra xét hỏi. Ông vẫn khai như cũ, bị chúng đánh đập hết sức tàn nhẫn, ông bất tỉnh nhiều lần, không còn khả năng ngồi được, chỉ nằm thoi thóp. Đến ngày thứ ba, chúng đưa ông vào Tiểu khu tỉnh Định Tường. Tại đây, chúng xét hỏi với các câu mẹo, chặn đầu chặn đuôi nhiều lần nhằm làm ông sơ hở để lộ ra sự thật; nhưng ông quyết giữ bình tĩnh, khai trình tự đúng như cũ. Rồi chúng đưa ông vào Phòng số 5, Khám đường Mỹ Tho. Đến ngày thứ năm, chúng đưa ông qua Phòng số 2 ở khoảng một tháng, sau đó giải đi Cần Thơ vào Trại giam tù binh cộng sản Cần Thơ ở Khu số 2.

Tại đây, chỗ giam chật hẹp, môi trường ẩm thấp tối tăm, có nhiều côn trùng gây hại như ruồi, muỗi, rận, rệp. Các vết thương của ông khi bị tra tấn trầy xước chịu vô số ruồi, muỗi bâu bám vào chích hút gây đau đớn vô cùng. Chế độ ăn uống vừa thiếu thốn vừa mất vệ sinh. Ban trật tự của chúng thường xuyên đàn áp tù nhân vô cớ, làm cho anh em gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống lẫn sinh hoạt. Chế độ ăn mỗi ngày 2 bữa, mỗi bữa chỉ có hơn nửa chén cơm bằng gạo lứt ẩm vàng lẫn nhiều cát sỏi và đôi khi có cả phân chuột,… còn thức ăn chỉ có ít cá biển và nước mắm được làm bằng muối. Nước uống thì mỗi ngày khoảng 250 ml, mỗi người ba ngày mới được tắm một lần.

Ngoài bọn cai ngục thường xuyên ngược đãi tù binh mỗi ngày, Ban trật tự cũng tìm mọi cách để gây khó khăn cho anh em như giám sát, theo dõi rất chặt vào các ngày kỷ niệm, ngày lễ,… của ta, bọn này tổ chức điểm danh theo định kỳ hoặc đột xuất; mỗi lần điểm danh là bắt tù binh phơi nắng nhằm hành hạ tù binh và nếu thấy ai có dấu hiệu khả nghi là chúng bắt đem lên phòng giám thị hành hạ, đánh đập vô cớ làm cho việc tổ chức các ngày lễ, kỷ niệm của các tổ chức Đảng, Đoàn Thanh niên ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn. Trước tình hình trên, nhiều cuộc đấu tranh đòi cải thiện đời sống tù binh như: tăng cường chế độ cơm và nước, chống ngược đãi tù binh,… diễn ra.

Đây là cuộc đấu tranh phối kết hợp chặt chẽ và có quy mô lớn, có ảnh hưởng đến tình hình chiến sự từ bên ngoài. Hình thức đấu tranh là “tuyệt thực” và hành động bạo lực cách mạng, thời gian 2 ngày. Khoảng tháng 5-1971, tù binh đồng loạt tuyệt thực bằng cách không nhận cơm. Đến ngày thứ 2, khoảng 20 giờ anh em tù nhân đồng loạt hô to “Đả đảo đế quốc Mỹ! Đả đảo chế độ Nguyễn Văn Thiệu! Đả đảo, đả đảo hành hạ tù binh! Đả đảo, đả đảo!”. Ngay lập tức, Ban trật tự ra tay độc ác, đánh đập tù binh, cùng lúc đó các anh em tù binh tràn ra đánh lại chúng, hai bên có nhiều người bị thương. Lúc này, khẩu hiệu “đả đảo, đả đảo” càng vang to hơn nữa. Sau đó, địch lôi những người bị thương ra ngoài rồi nổ súng thẳng vào anh em tù binh khiến nhiều người thương vong. Mặt khác, chúng dùng loa yêu cầu trật tự, chúng dùng máy bay trực thăng pha đèn quanh khu vực nhà tù, bắn vào khu vực xung quanh hàng rào và những nơi nghi ngờ có tù binh trốn thoát. Cuộc đấu tranh giữa ta và địch kéo dài khoảng một tiếng đồng, sau đó tình hình dần ổn định. Đến khoảng 24 giờ, có đại diện Ban quản đốc nhà tù mời người tổ chức biểu tình lên phòng giám thị. Anh em đồng loạt hô to không có người tổ chức. Lúc sau, chúng mời đại diện anh em tù nhân lên phòng giám thị làm việc. Tại đây, tên thiếu tá Hoàng Bình tiếp. Anh em đưa ra các yêu cầu như: Chống cai ngục ăn xén bớt cơm của tù binh, cải thiện chế độ ăn uống, chống đàn áp tù binh, đòi thay đổi Ban quản lý trật tự, đòi người trong Ban quản lý trật tự là tù binh do tù binh bầu. Ban đầu, chúng không chấp nhận, nhưng sau đó, trước sự đấu tranh quyết liệt của tù binh, chúng đành phải đồng ý các yêu cầu của ta. Anh em rất phấn khởi.

Đến khoảng 8 giờ sáng hôm sau, chúng cho xe chở lương thực, thực phẩm đến tận trại giam. Nhờ các chị em vận chuyển cho biết, bên ngoài toàn thành phố Cần Thơ hiện giờ sinh viên, học sinh đang đồng loạt biểu tình đấu tranh chống đàn áp tù binh. Tin này nhanh chóng truyền ra khắp trại giam, anh em tù binh chính trị vô cùng phấn khởi và tin tưởng vào vai trò lãnh đạo của Đảng bộ nhà tù. Kể từ đó, tình hình sinh hoạt cũng như điều kiện sống trong tù của anh em được cải thiện. Chi đoàn tổ chức họp tổng kết cuộc đấu tranh và tổ chức kết nạp cho 5 thanh niên có thành tích xuất sắc vào Đoàn Thanh niên.

Khoảng 14 giờ, một chiều cuối năm 1971, chúng phát loa tập hợp điểm danh và sau đó dùng dây chì cột vào cổ tay hai người một xâu rồi đưa lên xe chuyển hết tù nhân ra bến tàu, nhốt trong khoang tàu đày đi đảo Phú Quốc. Lúc này có hơn 1.000 người bị lưu đày. Sau hai ngày một đêm thì tàu đến đảo Phú Quốc. Chúng cho xe chở ông Thàng đến Phòng giam số 6, Khu 11 của nhà tù Phú Quốc. Tại đây, chỗ ở chật hẹp, thiếu ánh sáng, thiếu vật dụng sinh hoạt, đủ loại côn trùng như ruồi, muỗi, nhện, gián, kiến, chuột,… Bên cạnh đó, chế độ ăn bị cắt xén, mỗi ngày chỉ có hai chén cơm lưng với đồ ăn là ít cá biển. Thiếu từ nước uống đến nước sinh hoạt. Mỗi ngày chúng cho anh em ra làm cỏ quanh hàng rào và thay phiên nhau lên mép bìa rừng đốn củi về chẻ ra nấu cơm trong ngày. Chúng bố trí lính gác canh giữ tù nhân trên suốt đoạn đường, mọi hoạt động đều trong tầm nhìn của chúng.

Lúc bấy giờ, các tổ chức Đảng, Đoàn vẫn tiếp tục hoạt động bí mật, thăm dò tình hình bên trong và bên ngoài của ta và địch. Qua tin tức của bọn lính canh, anh em nghe được là lực lượng vũ trang cách mạng tổ chức tấn công đồng loạt trên toàn chiến trường miền Nam mà chúng gọi là “Mùa hè đỏ lửa năm 1972”. Tin này nhanh chóng được các anh em tù binh biết và vô cùng phấn khởi. Khoảng giữa năm 1972, Đảng ủy nhà tù tổ chức đấu tranh bằng hình thức “tuyệt thực”, thời gian 5 ngày không nhận cơm. Đến ngày thứ 5 thì giám thị trại giam đến mời đại diện lên phòng giải quyết. Cuối cùng, chúng hứa sẽ chấp thuận theo yêu cầu của tù binh.

Đến ngày thứ sáu, các yêu cầu của tù binh phần nào được đáp ứng, các chế độ ăn uống được cải thiện, như cơm nhiều hơn và có cả cá biển, nước uống và nước sinh hoạt được cung cấp khá hơn, vả lại, lúc này đang vào mùa mưa nên nguồn nước dồi dào hơn. Tinh thần anh em tù binh rất phấn khởi. Qua các cuộc đấu tranh, chúng ta thấy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy nhà tù là vô cùng to lớn.
 
Sáng ngày 17-3-1973, chúng đến tận trại giam đọc danh sách và nói nếu ai có tên ra xe chở đến sân bay. Ông Thàng được lên máy bay loại vận tải quân sự C130, đến không phận tỉnh Quảng Trị thì hạ cánh. Chúng tiếp tục đưa ông lên xe GMC ra sông Thạch Hãn. Tại đây, ông được trao trả ra miền Bắc. Sau đó, ông được an dưỡng, học tập ở Đoàn 550 tỉnh Ninh Bình. Tháng 10-1973, ông được về tỉnh Thanh Hóa, gia nhập Sư đoàn 330 trở về miền Nam tiếp tục chiến đấu. Tháng 8-1974, trong một trận đánh ác liệt với địch, ông bị thương. Hiện nay, ông là thương binh 4/4, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh xã Hậu Mỹ Bắc B, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.

Trích: Những mẩu chuyện đấu tranh của cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân Tiền Giang trong nhà tù, trại giam của địch (1930 - 1975).

Kim Loan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập291
  • Máy chủ tìm kiếm84
  • Khách viếng thăm207
  • Hôm nay92,976
  • Tháng hiện tại1,667,802
  • Tổng lượt truy cập40,037,178
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây