“Bác Hồ thường nhắc cán bộ là nhân dân ta rất sáng suốt, khôn khéo và anh hùng. Làm việc gì cũng phải học hỏi dân, tranh thủ sự giúp đỡ của nhân dân. Điều này, đối với cá nhân tôi, tôi rất thấm thía và luôn luôn thuộc nằm lòng bài học ấy.
Năm 1946, giặc Pháp ruồng bố liên miên nhằm mở rộng khu vực tạm chiếm. Nam Bộ chia làm ba vùng: vùng giải phóng, còn nhỏ hẹp; vùng du kích và vùng bị tạm chiếm. Có một lần, xã Mỹ Hạnh Đông (nay thuộc Thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) thuộc vùng du kích bị giặc càn quét lớn, thiệt hại khá nặng về người và của. Sau trận càn, tôi được phân công đi nắm tình hình thiệt hại và thăm hỏi đồng bào. Tôi đến nhà một bác nông dân vừa bị giặc đốt nhà, cướp của rất tàn bạo. Thương bác lắm, nhưng tôi quá vụng về, buông một câu hỏi rất hớ hênh: “Sao bác không chạy vào vùng tạm chiếm để tránh nạn?”
Bác nông dân không trả lời mà chăm chú nhìn tôi, đặc biệt nhìn cây bút máy gài trên miệng túi tôi. Chậm rãi, bác nói: “Tôi chỉ có ruộng, hai con trâu và cái cày, làm sao vô thành được”!
Cách nhìn, cách nói của bác nông dân làm nhói tim tôi. Tôi vừa xấu hổ vừa mến phục người nông dân chất phác này. Lời bác nói, tôi có thể dịch lại nôm na là: - Tôi phải bám đất mà sống. Đất còn thì tôi còn. Đất mất thì tôi cũng mất theo, không phải như ông cán bộ, chỉ nhỏng nhảnh một cây viết trên miệng túi. Nhẹ nhàng quá, ông muốn chạy theo giặc đâu có khó!
Bác nông dân đã dạy cho tôi hiểu vì sao nhân dân lại anh hùng và chiến đấu tới cùng với giặc, như Bác Hồ từng nhắc.
Lại một chuyện khác, cũng ngay trong vùng giải phóng Đồng Tháp Mười, khiến tôi nhớ mãi. Vào khoảng năm 1948, tàu của quân Pháp đi tuần tiểu trên sông Vàm Cỏ Tây thường đâm vào Kinh Dương Văn Dương bắn phá, rất bất an. Yêu cầu của chính quyền là phải đắp một cái cản để ngăn tàu giặc. Chủ trương đưa ra đã lâu mà cản vẫn chưa đắp được. Nhiều lần Ủy ban Kháng chiến Hành Chánh Nam Bộ hỏi ý kiến các kỹ sư, cán bộ kỹ thuật. Ai cũng nói cần phải có xi măng, sắt thép, gạch đá,v.v... mới thực hiện được việc đắp cản. Trong khi tàu giặc cứ chạy vào, bắn phá thoải mái rồi trở ra tự nhiên như không.
Bí kế, Ủy ban bèn hỏi nhân dân xã Nhơn Hòa Lập (nay thuộc huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An). Đồng bào phê bình ngay: “Tại Ủy ban không chịu hỏi dân sớm hơn. Chuyện quá dễ, mọi thứ mình có sẵn trong tay, đợi gì phải có xi măng, sắt thép mới làm?” Thế rồi, nhân dân xúm nhau đắp cản, bằng vật liệu thô sơ và rẻ tiền có tại chỗ. Họ dùng tre đóng cọc dày làm bờ thành. Lấy bao rách đổ đất vào, chất đầy những chiếc ghe mục nát, đem ra giữa dòng nhận chìm cho bít kín con kinh. Xong rồi, kéo lục bình chất đầy hai bên cản, xóc cọc giữ lại cho giảm sức nước chảy. Từ đó, tàu giặc hết phép, không vào được kinh nữa. Dân chúng sống yên mà cơ quan cũng ở yên. Đó không phải là khả năng sáng tạo vô tận của nhân dân đó sao!”