Đồng chí Phan Văn Khoẻ sinh năm 1901 (Tân Sửu) ở xóm Cống Huế, làng Mỹ Hạnh Đông, quận Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho
[1]. Sinh ra và lớn lên trên vùng đất giàu truyền thống cách mạng và yêu nước, vùng đất của những điệu hò, câu hát mang đậm chất nhân văn, trữ tình... đồng chí Phan Văn Khỏe được nuôi dưỡng và giáo dục bởi truyền thống của quê hương, tận mắt chứng kiến nỗi thống khổ của nhân dân dưới ách thống trị của đế quốc, phong kiến và sự đàn áp tàn bạo, đẫm máu của chúng đối với đồng bào ta trong các cuộc đấu tranh chống áp bức, bóc lột. Sớm có tinh thần yêu nước và ý chí cách mạng, đồng chí Phan Văn Khỏe đã lựa chọn và dấn thân vào con đường đấu tranh cách mạng. Được các bậc cách mạng đàn anh dẫn dắt, đồng chí học tập, rèn luyện về chính trị và quân sự, được đồng bào, đồng chí thương yêu, tin cậy.
1. Là người tham gia cách mạng vào cuối những năm 20 của thế kỷ XX, khi đất nước chìm sâu trong đêm dài nô lệ, đồng chí Phan Văn Khỏe cùng với Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho tiến hành một loạt công tác một cách kiên trì, sáng tạo nhằm xây dựng cơ sở Đảng, khôi phục phong trào cách mạng, nuôi dưỡng niềm tin vào sự thắng lợi của cách mạng. Đồng chí kết hợp nhuần nhuyễn hai yêu cầu cơ bản trong công tác của một người lãnh đạo là vừa quan tâm những vấn đề chiến lược của cách mạng; vừa chỉ đạo công việc cụ thể, thiết thực, hiệu quả. Những năm 1930-1940, cùng với việc đề ra chủ trương xây dựng lực lượng cách mạng từ cơ sở, đồng chí còn trực tiếp lãnh đạo nông dân đấu tranh với địa chủ, giành quyền lợi thiết thực thực cho nông dân để giữ vững phong trào cách mạng. Cơ sở đảng và phong trào cách mạng do đồng chí xây dựng phát triển đều khắp tỉnh Mỹ Tho và các tỉnh Nam kỳ.
Sau khi khôi phục phong trào cách mạng, đồng chí Phan Văn Khỏe cùng Đảng bộ tỉnh vận động thành lập Mặt trận Dân chủ, tập hợp nhân dân đấu tranh đòi dân sinh dân chủ. Đồng chí thực hiện chuyển hướng chỉ đạo chiến lược đấu tranh nhằm tập hợp rộng rãi quần chúng xung quanh Đảng, tiến tới đấu tranh giành chính quyền về tay nhân dân. Trong thời gian bị địch giam cầm ở Côn Đảo, đồng chí luôn thể hiện tinh thần chiến đấu ngoan cường của người chiến sĩ cộng sản. Với đức độ, tài năng, nghị lực kiên cường, đồng chí Phan Văn Khỏe có nhiều cống hiến và đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng ở tỉnh Mỹ Tho và các tỉnh Nam kỳ.
Sau cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ, đồng chí Phan Văn Khỏe chủ trương chuyển mọi hoạt động của tổ chức Đảng vào bí mật, đồng thời chỉ đạo đảng viên tạm lánh sang địa phương khác chờ thời cơ gây dựng lại phong trào. Riêng mình, đồng chí vẫn bám trụ tại tỉnh, tìm cách nối lại liên lạc với Xứ ủy và tổ chức đảng còn lại.
Giữa năm 1941, trên đường đi qua tỉnh Bến Tre, đồng chí bị địch bắt chuyển về Cai Lậy. Tại đây, địch nhận ra đồng chí là người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa nên chúng dùng mọi cực hình tra tấn hòng khuất phục đồng chí. Nhưng địch thất bại, chúng kết án đồng chí tử hình, sau đó hạ xuống chung thân và đày ra nhà tù Côn Đảo. Ở Côn Đảo, bọn chúa ngục luôn tay đàn áp dã man đối với tù nhân, nhà tù Côn Đảo đúng là "Địa ngục trần gian".
Vừa ra Côn Đảo, đồng chí nhận được tin Phan Văn Lữ, con trai lớn của đồng chí cũng rơi vào tay giặc, bị tra tấn đến chết tại bót Catinat ở Sài Gòn. Sau đó, đồng chí lại được tin Út Nam, người em ruột cũng bị bắt ra Côn Đảo, rồi vĩnh viễn nằm lại tại đó
[2]. Mặc dù chịu nhiều đau thương cả về thể xác và tinh thần, nhưng đồng chí vẫn không khuất phục. Với phẩm chất, ý chí của người cộng sản kiên trung, đồng chí đã biến đau thương thành hành động.
Trong tình hình địch khủng bố ác liệt và bệnh tật phát sinh nhiều, chi bộ nhà tù Côn Đảo đặt trọng tâm công tác vào việc cứu tế, đoàn kết, tương trợ giữa các tù nhân, bảo vệ cán bộ của Đảng. Đồng chí Phan Văn Khỏe giúp đỡ, chữa bệnh, tìm thêm thực phẩm bồi dưỡng cho nhiều tù nhân khác. Đồng chí Phan Văn Khỏe cùng tổ chức Đảng chỉ đạo cứu tế tù nhân. Đồng thời, đồng chí cùng với nhiều tù nhân tổ chức đấu tranh chống chế độ giam cầm hà khắc và tích cực tham gia nhiều khóa huấn luyện chính trị bí mật do tổ chức Đảng tổ chức với một niềm tin trở về với quê hương, với cách mạng tiếp tục cuộc khởi mới.
Quá trình hoạt động và trưởng thành, đồng chí Phan Văn Khỏe luôn gắn liền với những hoạt động tại Mỹ Tho. Ngay từ khi gia nhập Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên rồi trở thành người đảng viên cộng sản, đồng chí nỗ lực tuyên truyền vận động nhân dân đứng lên đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ, cải thiện đời sống nhân dân. Từ những hoạt động của đồng chí, phong trào cách mạng ở quận Cai Lậy lan rộng ra khắp tỉnh Mỹ Tho. Khi ở vị trí Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho, trên cơ sở đường lối của Trung ương Đảng, của Xứ ủy Nam kỳ, đồng chí có nhiều sáng tạo trong tổ chức và chỉ đạo cách mạng toàn tỉnh. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí, cuộc khởi nghĩa ở tỉnh Mỹ Tho nổ ra mạnh mẽ: chỉ đạo thành lập Ban Quân sự tỉnh Mỹ Tho, trực tiếp chỉ đạo thiết kế cờ đỏ sao vàng năm cánh, chỉ đạo thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Mỹ Tho, chỉ đạo thành lập Toàn án nhân dân cách mạng tỉnh Mỹ Tho để xét xử bọn tay sai... Khi cuộc khởi nghĩa bị khủng bố khốc liệt, đồng chí vẫn bám trụ địa phương gây dựng lại phong trào, nối liên lạc các cơ sở cách mạng với với Xứ ủy. Khi bị địch bắt, bị đày ra Côn Đảo, đồng chí vẫn kiên trung, không khuất phục trước đòn roi của kẻ thù, vẫn hăng say chiến đấu, học tập để bảo vệ sinh mạng, khí tiết người cộng sản, chờ đợi thời cơ trở về với cách mạng.
Quá trình xây dựng tổ chức Đảng, lãnh đạo nhân dân đấu tranh, gây dựng lại tổ chức sau khi bị địch khủng bố... đều gắn liền với vai trò của đồng chí Phan Văn Khỏe. Trước sự khủng bố khốc liệt của kẻ thù, đồng chí Phan Văn Khỏe cùng các đồng chí trong Tỉnh ủy Mỹ Tho vẫn kiên trì bám trụ, gây dựng lại cơ sở. Với ý chí, lý tưởng, tài năng tổ chức thuyết phục, các tổ chức Đảng ở Mỹ Tho dần được củng cố về tổ chức, vững vàng về tư tưởng, lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa làm nên thắng lợi của cuộc cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Những thắng lợi mà nhân dân Mỹ Tho giành được từ khi có Đảng lãnh đạo: các cuộc đấu tranh từ năm 1928 đến năm 1940, khởi nghĩa năm 1940 đều in đậm dấu ấn của một thế hệ những nhà lãnh đạo cách mạng ưu tú mà Phan Văn Khỏe là một trong những người tiêu biểu ở tỉnh Tiền Giang. Trải qua những chặng đường hoạt động cách mạng, đồng chí Phan Văn Khỏe trở thành chiến sĩ cách mạng tiêu biểu cho tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất của Đảng và nhân dân ta.
2. Ở đồng chí Phan Văn Khỏe, phẩm chất nổi bật là tấm gương học tập và rèn luyện không ngừng. Đồng chí may mắn hơn bạn bè cùng trang lứa khi được học tập ở tuổi niên thiếu, lớn lên hoạt động cách mạng, đồng chí luôn trau dồi kiến thức, tranh thủ mọi điều kiện, ở mọi lúc, mọi nơi để học tập; nhất là học tập quán triệt chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng nhằm trang bị nhận thức, quan điểm, phương pháp luận để suy nghĩ và xem xét, giải quyết vấn đề cụ thể một cách đúng đắn, sáng tạo và hiệu quả. Từ lúc bước chân vào con đường hoạt động cách mạng cho đến lúc bị kẻ thù giết hại, bằng niềm tin mãnh liệt và nghị lực phi thường, xác định rõ lý tưởng sống, đồng chí Phan Văn Khỏe miệt mài học tập, rèn luyện trong thực tiễn đấu tranh cách mạng, từng bước trang bị cho mình những hiểu biết về lý luận chính trị, trở thành người lãnh đạo kết hợp giữa thực tiễn sinh động với lý luận khoa học trong giải quyết đúng các vấn đề cơ bản mà phong trào cách mạng đặt ra. Trong cao trào vận động nhân dân tham gia khởi nghĩa tháng 11 năm 1940, Đảng bộ và nhân dân Mỹ Tho vượt qua nhiều trở lực và khó khăn, tạo nên cao trào cách mạng sôi nổi, thu hút đông đảo quần chúng tham gia. Thành công đó có sự cống hiến trí tuệ, sức lực của đồng chí Phan Văn Khỏe.
Được các bậc cách mạng có kinh nghiệm và trình độ lý luận giúp đỡ, đồng chí Phan Văn Khỏe nắm bắt, tiếp thu được quan điểm, nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Điều đó giúp đồng chí rất nhiều trong công tác, nhất là khi thực hiện nhiệm vụ quan trọng của Đảng, của cách mạng.
Đồng chí Phan Văn Khỏe đã thể hiện tư chất của một người cộng sản có quyết tâm và nghị lực lớn, có khả năng phân tích, khái quát, nhận định các vấn đề thực tiễn ở địa phương, là tấm gương mẫu mực trong việc kết hợp giữa học và hành, lý luận và thực tiễn, học tập để phục vụ cho Đảng và phục vụ nhân dân.
3. Đồng chí Phan Văn Khỏe là một tấm gương phục vụ trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân. Từ lúc lớn lên cho đến lúc hy sinh, đồng chí luôn đặt lợi ích của cách mạng lên trên lợi ích của cá nhân và hạnh phúc gia đình. Bầu nhiệt huyết và trái tim của đồng chí luôn dành cho Đảng và nhân dân. Vì Đảng, vì dân, đồng chí chấp nhận gian khổ hy sinh, từ biệt gia đình, thoát ly tham gia cách mạng. Cũng vì Đảng, vì dân, đồng chí đã nhiều lần bị địch bắt giam, rồi ra tù lại tiếp tục hoạt động cách mạng, dù biết rằng kẻ thù luôn rình rập, đe dọa tính mạng và hy sinh cả tình riêng và cả bản thân mình cho sự nghiệp cách mạng.
Đồng chí Phan Văn Khỏe là tấm gương sáng về sự gắn bó máu thịt với nhân dân. Bất kỳ ở đâu, giữa những người nông dân nghèo khó, những công nhân lam lũ, hay giữa tầng lớp trí thức, đồng chí luôn hòa mình cùng với quần chúng, học hỏi và tổ chức, động viên quần chúng tham gia cách mạng. Đồng chí luôn giữ nghiêm chế độ sinh hoạt và kỷ luật của Đảng; tìm mọi cách bảo vệ Đảng, bảo vệ sự đoàn kết thống nhất trong Đảng; thực hiện tự phê bình và phê bình thường xuyên, nghiêm túc để làm trong sạch tổ chức Đảng và đảng viên, bảo đảm cho Đảng thống nhất về tư tưởng, chính trị, tổ chức, bằng uy tín, đạo đức, lối sống để giữ vai trò tiên phong; không ngừng hoàn thiện về nhân cách, xứng đáng với niềm tin yêu của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Phan Văn Khỏe luôn nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên hôm nay nêu cao ý chí cách mạng, tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, kiên trì học tập nâng cao trình độ mọi mặt, tích cực hoạt động thực tiễn, đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng và của nhân dân lên trên lợi ích cá nhân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp vẻ vang của Đảng, của dân tộc.
4. Các phẩm chất đạo đức cách mạng của đồng chí Phan Văn Khỏe được hình thành, hoàn thiện và phát huy thông qua thực tiễn cách mạng. Thực tiễn hoạt động của đồng chí thực sự phong phú, đa dạng, bao quát nhiều lĩnh vực: Học tập văn hóa, làm nông, làm lính, tổ chức tranh đấu, bị tù đày, tham gia kháng chiến, các chức vụ quan trọng trong bộ máy Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị; thực tiễn hoạt động tại nhiều tỉnh, thành ở Nam kỳ... Chính thực tiễn cách mạng phong phú, đa dạng đã tôi luyện đồng chí thành một chiến sĩ cộng sản đầy bản lĩnh: kiên cường, bất khuất nhưng cũng đầy lòng nhân ái, khoan dung.
Một nhân tố quan trọng để hình thành phẩm chất đạo đức của đồng chí là năng lực cá nhân. Ngay từ nhỏ, đồng chí tỏ ra thông minh, vượt trội bạn bè cùng cùng trang lứa về nhận thức, tư duy và hành động. Các năng lực bẩm sinh này cho phép đồng chí nhìn nhận hiện thực đất nước, thời đại theo một nhãn quan, lăng kính phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. Việc chọn trường học vấn, tổ chức yêu nước, học hỏi kinh nghiệm tổ chức đấu tranh, nhận thức cảm tính về ý nghĩa các sự kiện đang dồn dập diễn ra... đều bắt nguồn từ năng lực chủ quan của bản thân.
Điều kiện lịch sử, xã hội và các phẩm chất vốn có đã xác lập tiền đề vững chắc để đồng chí Phan Văn Khỏe làm người, làm việc, cống hiến để cuối cùng có một nhân cách đạo đức cách mạng sáng ngời: phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân./.