Hội Cựu Chiến binh thị xã Gò Công: Phong trào “giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”

Thứ ba - 27/04/2021 22:32
Thật rất may mắn,vừa rồi tôi được tháp tùng cùng đoàn cán bộ của Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh Tiền Giang về thị xã Gò Công dự hội nghị tổng kết 5 năm (2016-2021) thực hiện phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”.

Thú thật, hơn 5 năm qua tôi mới có dịp trở về quê hương thị xã Gò Công. Có đi thực tế mới thấy sự đổi thay đến đổi ngạc nhiên của đô thị xứ Gò, từ đời sống kinh tế, cảnh quan đô thị, đến đường xá, giao thông nông thôn chuyễn biến khá tích cực. Đặc biệt, là cuộc sống của hội viên CCB thị xã Gò Công càng ngày càng sung túc…

Hội viên CCB TXGC nhận Bằng công nhận hội viên sản xuất kinh doanh giỏi.
Hội viên CCB TXGC nhận Bằng công nhận hội viên sản xuất kinh doanh giỏi.
* Biết bám sát nội dung phong trào… hiệu quả sẽ được “dâng tặng”

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, tình hình hạn, mặn, dịch bệnh Covid-19 phức tạp kéo dài, song các hội viên CCB thị xã Gò Công (TXGC) luôn tích cực tham gia hoạt động các phong trào khi được triển khai, như thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đặc biệt là phong trào thi đua“CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, qua 5 năm triển khai thực hiện, phong trào này đã được các hội viên CCB thị xã tích cực hưởng ứng và đạt nhiều kết quả đáng học tập, nêu gương.

Hiện nay, Hội CCB TXGC có hơn một ngàn hội viên, trong đó có 340 đảng viên (gần 25% hội viên CCB làm Bí thư, phó bí thư Chi bộ ấp, khu phố). Từ Nghị quyết 09 của Ban Chấp hành Trung ương Hội CCB Việt Nam về “Chăm lo đời sống hội viên và tổ chức động viên CCB tham gia phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”, phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” được  Ban Thường vụ Hội CCB Thị xã triển khai rộng khắp, thường xuyên, góp phần tạo sự đồng thuận, đoàn kết giữa các hội viên CCB, sự gắn bó mật thiết giữa tổ chức hội và hội viên. Từ đó, đã xuất hiện nhiều tấm gương CCB tiêu biểu về giúp nhau giảm nghèo, vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng.

Phong trào giúp nhau giảm nghèo của Hội CCB TXGC đã góp phần quan trọng việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, hạn chế tái nghèo, xóa nhà dột nát, nhà tạm, nhà chưa đạt ba cứng cho hội viên CCB. Cụ thể trong 5 năm qua (2016-2021) đã xóa 34 hộ nghèo, 30 hộ cận nghèo (hiện còn 3 hộ); xóa 23 nhà dột nát, nhà tạm. Hộ CCB giàu 422 hộ (so với năm 2016 chỉ có 235 hộ giàu).

Ngoài ra, Hội CCB TXGC còn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể thị xã vận động tiền hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 81 căn nhà theo Quyết định 22, gồm: xây mới 44 căn trị giá 1,895 tỷ đồng, sửa chữa 37 căn nhà với kinh phí 840 triệu đồng; xây 25 căn nhà tình thương, 4 mái ấm tình thương, 11 căn nhà đồng đội và xây 4 căn nhà diện 167…

Để giúp nhau giảm nghèo làm kinh tế giỏi, Hội CCB thị xã còn vận động thành lập 22 tổ giúp nhau thoát nghèo, 62/62 chi hội CCB góp vốn xoay vòng (mỗi hội viên góp từ 200 ngàn đến 1 triệu đồng), góp phần tăng thu nhập cải thiện đời sống gia đình. Hội CCB thị xã còn có mô hình sản xuất kinh doanh do hội viên CCB làm chủ có 11 doanh nghiệp vừa và và nhỏ, thu hút gần 200 lao động; 8 tổ hợp tác xã, 1 trang trại nuôi dê với trên 200 lao động.

Hội CCB TXGC đã phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội thị xã giải ngân cho hội viên CCB vay vốn phát triển kinh tế gia đình, với tổng dư nợ Hội đang quản lý trên 40 tỷ đồng. Hội đã thành lập 42 tổ tiết kiệm, 278 hộ hội viên được vay vốn, giải quyết việc làm cho gần 900 lao động. Hội CCB thị xã còn được vay vốn của Qũy tín dụng xã Long Hòa, Qũy tín dụng Mùa Xuân, Ngân hàng Bản Việt, góp phần giải quyết việc làm cho gần 300 lao động, không có nợ xấu… Đặc biệt, Hội CCB thị xã còn mạnh dạng thành lập Chi hội Doanh nghiệp CCB cấp thị xã có 38 thành viên (trực thuộc Hội Doanh nghiệp CCB tỉnh Tiền Giang), bước đầu hoạt động rất hiệu quả, xây dựng 7 tổ hợp tác xã, 8 Câu lạc bộ sản xuất kinh doanh giỏi…

Khi hỏi về bí quyết thành công - Đại tá Đỗ Văn Riều, Chủ tịch Hội CCB TXGC vui vẻ cho biết: “Từ xưa tới nay đời sống kinh tế người dân Gò Công (trong đó có hội viên CCB) vốn khó khăn, vất vả. Cho nên, hể có Chỉ thị, Nghị quyết, hướng dẫn nào của cấp trên, của các cấp Hội CCB có liên quan đến làm kinh tế, cải thiện đời sống CCB là chúng tôi tiếp cận ngay, nghiên cứu kỹ lưỡng, nhanh chóng áp dụng vào hoàn cảnh thực tế của địa phương. Vấn đề thứ hai là chúng tôi có ưu thế là đội ngũ cán bộ, đảng viên CCB ở các cấp hội của thị xã rất tâm huyết, dám nghĩ, dám làm, chịu cực, chịu khó… Ngoài ra, chúng tôi còn chịu khó học hỏi kinh nghiệm, những mô hình sản xuất kinh doanh hay, hiệu quả trong, ngoài tỉnh. Học thực tế, học trên các báo, kể cả Báo CCB Việt Nam rất nhiều mô hình sản xuất kinh doanh giỏi đã được đăng tải trong thời gian vừa qua. Chính những yếu tố trên giúp chúng tôi thành công bước đầu…”.

* “Những CCB đã truyền cảm hứng cho tôi…”

Có thể nói, từ khi thực hiện phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, 5 năm qua, hoạt động của các cấp Hội CCB thị xã đã có những bước phát triển mạnh mẽ cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Chính những thành tích nổi bật đó, cho nên trong 5 năm qua, Hội CCB thị xã được Hội cấp trên đã công nhận Chi hội Doanh nghiệp CCB thị xã và 111 hội viên CCB sản xuất giỏi, tiêu biểu.
 
Đó là CCB Võ Hồng Hiệu ngụ ở ấp Việt Hùng, xã Long Hòa. Năm 1977, anh nhập ngũ vào đơn vị Trung đoàn 2, Sư đoàn 8, Quân khu 9, chiến đấu trên chiến trường biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế Campuchia. Đến năm 1981, xuất ngũ về địa phương anh Hiệu mang trong mình vết thương, được Hội đồng giám định công nhận mức độ thương tật 2/4 (61%).

Năm 1984, lập gia đình, vốn gia đình nghèo khó lại càng khó khăn hơn, anh Hiệu tìm làm hết nghề này đến nghề khác mà cũng không khá hơn chút nào. Bản thân có chút ít năng khiếu về nghề đục đẽo, nên anh Hiệu quyết định đi học nghề thợ mộc Gò Công. Sau khi lành nghề, được tổ chức Hội CCB TXGC giúp đở vay vốn ngân hàng mở trại mộc và dạy nghề. Lúc đầu có 5 - 6 người theo học, dần dần trại mộc của anh thu hút khá đông người tham gia, từ đó trại mộc của anh Hiệu làm ra nhiều sản phẩm có uy tín bán ra thị trường.

Đến nay thu nhập trại mộc của anh Hiệu bình quân hàng năm đạt 2,5 tỷ đồng. Lực lượng thợ mộc làm thường xuyên ở trại từ 30 đến 35 thợ, chủ yếu là hội viên CCB và Cựu quân nhân, lương bình quân từ 7 - 9 triệu/tháng/người.

CCB Nguyễn Văn Tươi cũng là hội viên sản xuất, kinh doanh giỏi ở cùng xã với anh Hiệu cho biết: “Ngoài nghề mộc, anh Hiệu còn tham gia mua, bán gổ và xẻ gổ gia công. Ảnh còn bỏ tiền ra mua trên 30 ngàn mét vuông đất cạnh tỉnh lộ 862 đào ao nuôi cá, trồng trên 700 gốc bưởi da xanh tăng thêm thu nhập, đồng thời anh Hiệu còn giúp con giống cho hàng chục CCB trong xã trồng tỉa, chăn nuôi cải thiên đời sống gia đình. Anh Hiệu được bà con hàng xóm và hội viên CCB quý mến!”.
 
Còn đối với CCB Phan Văn Tiện ngụ ấp Hòa Thân, xã Bình Đông, cũng tham gia chiến đấu chiến trường Tây Nam, sau khi xuất ngũ về địa phương anh cũng diện hộ nghèo, nhưng nhờ có vốn kiến thức kỷ thuật chăn nuôi nên CCB Phan Văn Tiện tìm cách kinh doanh khá thuận lợi hơn các CCB khác, anh mạnh dạng đầu tư chăn nuôi gà ta Gò Công (gà thả vườn). Từ làm ăn nhỏ lẻ, dần dần có hiệu quả, trại gà của anh phát triển lên đến 7 ngàn con. Chăn nuôi gà anh Tiện còn kết hợp mở đại lý thức ăn gà, vịt cung cấp cho các hộ chăn nuôi, lợi nhuận mỗi năm trên 500 triệu đồng, riêng nuôi gà ta lợi nhuận hàng năm gần 1 tỷ đồng.

Không dừng lại ở đó, CCB Tiện cùng với Hội CCB xã thành lập Tổ hợp tác chăn nuôi dê do Phạm Văn Tiện làm Chủ nhiệm với 5 thành viên. Lúc đầu đàn dê chỉ có 12 con (4 con dê sinh sản), đến nay đàn dê của Tổ hợp tác phát triển lên 178 con (trong đó có 62 con dê sinh sản). Tổ hợp tác phát triển lên đến 19 thành viên, tạo việc làm cho 42 lao động (chủ yếu là hội viên và con em CCB). Thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng cho mỗi thành viên. Tổ hợp tác còn trích quỹ 20 triệu đồng và 4 con dê cho mỗi hội viên CCB nghèo. Hiên nay thương hiệu gà ta Gò Công và Tổ hợp tác dê của anh Phạm Văn Tiện ai cũng biết đến… Mô hình “giúp nhau giảm nghèo, kinh doanh sản xuất giỏi”; ngoài ra, còn nhiều tập thể, cá nhân diển hình tiêu biểu khác như: CCB Lê Văn Rem, Nguyễn Văn Măng (xã Bình Đông), Huỳnh Văn Mười (Phường 2), Đoàn Hữu Hạnh (xã Long Hưng), Phạm Đăng Sơn (xã Tân Trung)…
 
Đồng chí Phạm Thanh Nguyên - Trưởng ban Dân Vận, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc thị xã Gò Công, bày tỏ: “…Tôi không phải là hội viên CCB, nhưng những hội viên CCB ở đây đã truyền cho tôi cảm hứng, thông qua cách nghĩ, cách làm và nhũng gì các đồng chí đã làm được, đạt hiệu quả cao” giúp nhau giảm nghèo, sản xuất kinh doanh giỏi”trong thời gian qua với bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”giúp cho tôi thêm động lực để cùng với Ban Thường vụ Thị xã chỉ đạo thực hiện hoàn thành xây dựng TXGC nông thôn mới nâng cao và xây dựng TXGC sẽ trở thành Thành phố Gò Công trong tương lai. Tôi thật ngưỡng mộ đội ngũ cán bộ, hội viên CCB TXGC”.

Lê Hồng Lâm

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập478
  • Máy chủ tìm kiếm73
  • Khách viếng thăm405
  • Hôm nay49,363
  • Tháng hiện tại1,689,112
  • Tổng lượt truy cập40,058,488
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây