Trong những năm qua, việc trùng tu, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích được chính quyền các cấp trong tỉnh luôn được quan tâm thực hiện và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Các địa phương đều có định hướng việc bảo tồn và phát huy giá trị các di tích nhằm giáo dục truyền thống tại địa phương. Đối với các di tích lịch sử - văn hóa có quy mô lớn được chính quyền địa phương quan tâm quản lý, bảo vệ, trùng tu, sửa chữa và thường xuyên mở cửa phục vụ khách tham quan. Trên cơ sở được phân công, UBND và các ban, ngành, đoàn thể cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh đều có sự phối hợp khá đồng bộ trong tổ chức quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động của các di tích lịch sử - văn hóa. Cấp huyện, cấp xã đều có Quyết định thành lập Ban Quản lý di tích.
Các di tích được tu bổ, tôn tạo, phục hồi như: di tích Chiến thắng Ấp Bắc (thị xã Cai Lậy), Lũy Pháo Đài (huyện Tân Phú Đông), Rạp hát thầy Năm Tú (TP. Mỹ Tho), mộ Ông Nguyễn Ngọc Chấn (huyện Gò Công Đông), Lăng Hoàng Gia, Nhà lưu niệm Ông Đỗ Trình Thoại, mộ Bà Trần Thị Sanh, Chiến thắng Ao Vông, mộ Trương Định, Đình Trung (thị xã Gò Công), Đình Đồng Thạnh, Đình Vĩnh Bình, Chùa Ông Lão (huyện Gò Công Tây), Bia tưởng niệm 02 nữ liệt sĩ Lê Thị Lệ Chi và Lê Thị Ngọc Tiến, khu căn cứ Huyện ủy ở xã Trung Hòa, đền Thờ Thủ Khoa Huân (huyện Chợ Gạo), bia tưởng niệm trận đánh Bờ Cộ (thành phố Mỹ Tho), di tích Miếu Bà Chúa Xứ Cống Tượng, Đình Dương Hòa (huyện Tân Phước), di tích Phủ thờ Bác Hồ, Đình An Hữu, Đình Hòa Khánh, Chùa Quan Thánh (huyện Cái Bè). Trong đó, có một số di tích được tu bổ, tôn tạo từ nguồn kinh phí vận động theo hình thức xã hội hóa. Điều này cho thấy cộng đồng xã hội ngày càng quan tâm đến việc giữ gìn, tôn tạo, bảo tồn các di tích, giá trị văn hóa trong tỉnh. Đặc biệt trong năm 2022, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập hồ sơ trình UBND tỉnh xếp hạng di tích Đình Phú Thuận Đông (xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy), hoàn chỉnh hồ sơ xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt đối với di tích quốc gia Chiến thắng Ấp Bắc.
Ngoài ra, công tác tổ chức, quản lý lễ hội ở các di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng, các lễ hội ở đình làng được chinh quyền và Nhân dân quan tâm, tổ chức đúng quy định của Nhà nước, góp phần giữ gìn phong tục, tập quán địa phương, giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tinh thần của Nhân dân, gắn kết với phát triển du lịch.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bảo tồn, phát huy các di tich lịch sử - văn hóa trong tỉnh trong thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục rà soát lại các di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng cấp tỉnh không đủ tiêu chuẩn hoặc bị hủy hoại không có khả năng phục hồi để đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương gắn “Biển ghi dấu di tích”. Phối hợp với các địa phương khảo sát thực tế tại một số di tích có đủ tiêu chuẩn để lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích cấp tỉnh. Tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý di sản văn hóa cho các đối tượng là công chức văn hóa - xã hội cấp xã, các tổ chức và các cá nhân trực tiếp quản lý tại các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh. Tăng cường tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về di sản văn hóa đến các ngành, các cấp và Nhân dân nhằm phát huy vai trò của cộng đồng trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Thường xuyên tổ chức kiểm tra công tác quản lý di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng; việc sửa chữa, nâng cấp các di tích trên địa bàn tỉnh.