Nhà vườn làm du lịch
Với diện tích 0,4ha, khu du lịch Mekong Rustic (ấp Tân Thiện, xã Tân Phong) hấp dẫn khách thăm quan với không gian đậm chất miền Tây. Đến đây, du khách được thư giãn trong bầu không khí trong lành, sông nước thơ mộng, trải nghiệm hoạt động tát mương bắt cá, làm bánh dân gian, đạp xe dạo quanh cù lao... Bà Nguyễn Thị Mỹ Sáu, chủ điểm du lịch sinh thái Mekong Rustic cho biết: "Với mong muốn giới thiệu nét đẹp vùng sông nước, gia đình đã cải tạo vườn cây ăn trái thành điểm kinh doanh du lịch. Mekong Rusticcung cấp dịch vụ lưu trú, ẩm thực. Chúng tôi cũng liên kết với các nhà vườn lân cận mở thêm không gian cho du khách đi đò chèo, đạp xe tham quan cù lao, khám phá các nghề truyền thống của địa phương …".
Tận dụng lợi thế ven sông Tiền, gần 10 năm qua, ông Đặng Văn Ca (ấp Tân Thiện) khai thác 1ha vườn cây ăn trái của gia đình phục vụ hoạt động du lịch. Mỗi tuần, điểm du lịch sinh thái Sáu Ca đón hơn 200 lượt khách quốc tế tham quan. Đến đây, du khách có thể tự tay hái các loại trái cây trong vườn, làm bánh xèo, thưởng thức các món ăn vùng sông nước dưới tán cây rợp mát. Điều du khách thích nhất khi đến đây là cảnh quan thiên nhiên mát mẻ, trong lành. Đặc biệt, các nhà vườn làm du lịch vẫn giữ được sự chất phác, thân thiện, nếp sinh hoạt của người dân miền Tây. Đó là điều du khách thật sự ấn tượng và muốn quay trở lại cù lao Tân Phong, anh Lê Công Hiển, hướng dẫn viên du lịch cho biết.
Huyện Cai Lậy có 14 điểm kinh doanh du lịch, tập trung tại xã Tân Phong, Cẩm Sơn, Phú An và Tam Bình. Những năm gần đây, mô hình du lịch sinh thái được địa phương khuyến khích phát triển, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần quảng bá hình ảnh địa phương. Sau hai năm ảnh hưởng do dịch Covid-19, các điểm du lịch ở huyện Cai Lậy có bước khởi động khả quan trong năm 2022. Từ đầu năm đến nay, huyện Cai Lậy đón gần 14.000 lượt du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Hướng đến những sản phẩm đặc trưng
Để du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Cai Lậy đã ban hành Nghị quyết 06-NQ/HU về lãnh đạo phát triển du lịch xã Cù lao Tân Phong, huyện Cai Lậy giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Trong đó, lấy du lịch sinh thái sông nước cù lao Tân Phong làm điểm đột phá phát triển các loại hình du lịch cộng đồng, mở rộng liên kết với các xã lân cận và huyện Cái Bè, huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre), cù lao An Bình (tỉnh Vĩnh Long)… Mục tiêu huyện Cai Lậy sẽ đón khoảng 80.000 lượt khách tham quan mỗi năm (trong đó có 75% khách quốc tế), lượng khách du lịch tăng bình quân hàng năm từ 8% - 10%.
Trong thời gian tới, huyện Cai Lậy phát triển du lịch trên cơ sở bảo tồn, giữ gìn cảnh quan môi trường tự nhiên và bản sắc văn hóa của địa phương, tập trung phát triển du lịch sinh thái cộng đồng. Du khách sẽ tìm hiểu phong tục, tập quán, các di tích lịch sử văn hóa, nghề truyền thống của địa phương, trải nghiệm cuộc sống của người dân miền Tây, các mô hình sản xuất nông nghiệp, khám phá ẩm thực ... Giai đoạn 2021 - 2025, huyện Cai Lậy huy động các nguồn lực xây dựng các hạng mục du lịch kết nối các điểm du lịch hiện có, khuyến khích nông dân phát triển vườn cây ăn trái theo chuẩn VietGap, Global Gap, tái tạo khu vực nuôi ốc gạo ở khu vực cồn Tre (xã Tân Phong)… Đồng thời, tăng cường quảng bá du lịch qua các kênh thông tin, chú trọng liên kết giữa nhà quản lý, các doanh nghiệp du lịch và các khu, điểm du lịch để đa dạng sản phẩm, kiểm tra, chấn chỉnh, khắc phục hạn chế và hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở kinh doanh du lịch hoạt động đúng quy định.
Với quyết tâm chính trị cao, giải pháp cụ thể (du lịch) huyện Cai Lậy sẽ phát triển đúng tiềm năng, Cai Lậy sẽ là điểm đến thân thiện, an toàn, hấp dẫn du khách trên hành trình khám phá miền Tây.