Sau cuộc Nhật đảo chính Pháp, tình hình ở Mỹ Tho, Gò Công diễn ra ngày càng có lợi cho phong trào cách mạng. Lữ đoàn quân phiệt Nhật đóng ở Mỹ Tho rã rời, hoang mang. Quân Nhật ở các nơi kéo về thị xã Mỹ Tho, thị xã Gò Công để phòng thủ. “Ủy trưởng” Song Thu, tỉnh trưởng Nguyễn Văn Quý bỏ trốn, chủ quận Chợ Gạo bỏ chạy. Hầu hết bọn tay sai, quan lại đều bỏ trốn. Đó là thời cơ vô cùng thuận lợi để nhân dân ta nổi dậy giành chính quyền.
Đêm 17-8-1945, đồng chí Dương Khuy, Bí thư Tỉnh ủy triệu tập hội nghị bàn về khởi nghĩa giành chính quyền. Hội nghị quyết định phát lệnh khởi nghĩa giành chính quyền ngay trong đêm với phương châm nơi nào lực lượng ta mạnh thì khởi nghĩa trước, kiên quyết giành bằng được chính quyền về tay nhân dân, nơi nào lực lượng ta còn yếu thì khởi nghĩa sau.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, 4 giờ ngày 18-8-1945, học viên Trường huấn luyện Quân sự tại xã Long An, quận Châu Thành do đồng chí Phan Lương Trực chỉ huy, tiến vào thị xã Mỹ Tho phối hợp với lực lượng bên trong chiếm các mục tiêu trong thị xã. 7 giờ, lực lượng cách mạng làm chủ các mục tiêu quan trọng. 9 giờ cùng ngày, lực lượng cách mạng giành quyền làm chủ các công sở bên chợ Cũ. Việc tiến chiếm các công sở địch diễn ra nhanh chóng và bất ngờ làm cho nhân dân, lúc đầu, còn bỡ ngỡ nhưng sau đó, đổ ra đường tham gia tuần hành thị uy. Tỉnh ủy Mỹ Tho tiến hành thành lập Ủy ban nhân dân tỉnh và chuẩn bị tổ chức mít-tinh chào mừng cách mạng thành công.
Ở quận Châu Thành, ngày 21-8, khi được tin tên chủ quận bỏ chạy, Quận ủy lãnh đạo quần chúng khởi nghĩa giành chính quyền ở các xã và đến ngày 23-8 nhân dân làm chủ hoàn toàn quận Châu Thành.
Ở quận Chợ Gạo, ngày 23-8, quần chúng ở tất cả các xã tiến hành đánh trống mõ, kéo vào nhà việc khống chế những tên tề làng ác ôn và giành quyền làm chủ. Tại thị trấn, quần chúng ở các xã Tân Thuận Bình, Xuân Đông... kéo đến dinh quận gây áp lực và tiến vào làm chủ toàn bộ khu vực. Trong một ngày, chính quyền quận Chợ Gạo về tay nhân dân.
Ở Cai Lậy, ngày 23-8, Quận ủy lãnh đạo cuộc biểu tình có lực lượng vũ trang làm nòng cốt tại quận lỵ làm áp lực buộc tên chủ quận giao chính quyền lại cho Mặt trận Việt Minh. Trước áp lực mạnh của quần chúng, tên chủ quận phải đầu hàng. Chỉ trong một ngày, chính quyền quận Cai Lậy về tay nhân dân.
Ở quận Cái Bè, ngày 24-8, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và Mặt trận Việt Minh, quần chúng có lực lượng vũ trang làm nòng cốt, kéo về quận lỵ biểu tình làm áp lực, buộc tên chủ quận đầu hàng và giao chính quyền lại cho Mặt trận Việt Minh. Chỉ trong một ngày, chính quyền toàn quận thuộc về nhân dân.
Tại quận An Hóa, đêm 24 rạng 25-8, lực lượng vũ trang bố trí canh phòng nghiêm ngặt xung quanh dinh quận, đồn lính, nhà bưu điện..., ngày 25-8, hàng ngàn quần chúng kéo về quận lỵ làm áp lực, buộc tên chủ quận đầu hàng. Cùng ngày 25-8, cách mạng thành công trên toàn quận An Hóa.
Như vậy từ ngày 18 đến 25-8-1945, chính quyền trong toàn tỉnh Mỹ Tho đã về tay nhân dân. Sáng ngày 25-8, quần chúng từ các quận kéo về thị xã Mỹ Tho dự cuộc mít-tinh, chào mừng chính quyền thuộc về nhân dân tại sân vận động. Với niềm vui chiến thắng, hơn 30.000 người hô vang khẩu hiệu: Việt Nam độc lập muôn năm! Tại cuộc mít-tinh, Ủy ban nhân dân tỉnh Mỹ Tho ra mắt đồng bào trong toàn tỉnh. Đến 12 giờ cùng ngày, cuộc mít-tinh chuyển thành cuộc biểu tình, biểu dương lực lượng. Sau đó quần chúng kéo về địa phương xây dựng chính quyền cách mạng cơ sở.
Ngày 19-8 ở tỉnh Gò Công, tỉnh trưởng Trần Hưng Ký yêu cầu ông Lê Văn Philip - thủ lãnh Thanh niên Tiền phong tỉnh Gò Công giữ gìn an ninh trong tỉnh. Ông Lê Văn Philip yêu cầu tỉnh trưởng mời ông Trần Hữu Liêm, nguyên sĩ quan thủy quân, là đảng viên, chịu trách nhiệm chỉ huy lính Gard ở và đi kiểm tra, chỉ huy bố phòng trong toàn tỉnh. Hai cán bộ của Đảng trở thành những người chỉ huy lực lượng binh lính và giữ gìn an ninh trong toàn tỉnh.
Ngày 21-8-1945, nông dân làng An Thạnh Thủy (Chợ Gạo) biểu tình, kéo xuống làng Thạnh Nhựt, lấy mộc, tước súng hương quản. Cai tổng chạy về tỉnh báo. Tỉnh trưởng Gò Công hoang mang, lo sợ và buộc lòng mời đại diện Việt Minh tham gia giữ gìn an ninh trật tự toàn tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Văn Côn đánh giá, đây là thời cơ, nên chính thức tiếp xúc với tỉnh trưởng và đồng ý đi giải quyết sự việc. Ông Nguyễn Văn Côn, ông Lê Văn Philip đi 2 xe ô-tô cắm cờ đỏ sao vàng lên Thạnh Nhựt. Gặp đoàn biểu tình, hai ông giải thích chủ trương đồng loạt khởi nghĩa trong tỉnh Gò Công và yêu cầu đoàn biểu tình quay lại địa phận Chợ Gạo (Mỹ Tho). Quay về Gò Công, đồng chí Nguyễn Văn Côn thay mặt Việt Minh báo cho tỉnh trưởng biết, quân Nhật đã đầu hàng, Việt Minh yêu cầu hạ cờ Nhật, cờ quẻ ly của chính quyền thân Nhật, yêu cầu toàn bộ chính quyền và nhân viên không được hành động gì khi quần chúng biểu thị nguyện vọng và sức mạnh. Tỉnh trưởng Trần Hưng Ký cam đoan làm theo yêu cầu của Việt Minh.
Trong đêm 21-8, đồng chí Nguyễn Văn Côn họp với các đảng viên chủ chốt nhận định tình hình và xem xét khả năng chuẩn bị giành chính quyền và giao ông Lê Văn Philip trách nhiệm thuyết phục tỉnh trưởng đầu hàng.
Ngày 22-8, ông Lê Văn Philip đến gặp và thuyết phục tỉnh trưởng Trần Hưng Ký đầu hàng Việt Minh. 14 giờ, tỉnh trưởng Trần Hưng Ký mời ông Nguyễn Văn Côn và ông Lê Văn Philip tới bàn giao chính quyền. Ông Nguyễn Văn Côn ra lệnh các công sở trong toàn tỉnh treo cờ đỏ sao vàng. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Gò Công giành thắng lợi hoàn toàn.
Từ 3 giờ sáng ngày 24-8, gần 30 ngàn người từ các xã kéo về tỉnh lỵ biểu dương lực lượng. Đồng chí Nguyễn Văn Côn thay mặt Ủy ban dân tộc giải phóng lâm thời tỉnh Gò Công tuyên bố lý do cuộc mít-tinh và đọc 10 chính sách của Mặt trận Việt Minh. Đồng chí tuyên bố chính quyền thuộc về nhân dân, cách mạng thành công.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám ở Mỹ Tho và Gò Công là kết quả của quá trình vận động cách mạng do Đảng bộ tổ chức và lãnh đạo. Quá trình đó diễn ra suốt 15 năm đấu tranh bền bỉ trong các cao trào cách mạng: 1930-1931, 1936-1939, cuộc khởi nghĩa tháng 11 năm 1940, cao trào chống Nhật, cứu nước năm 1945. Mười lăm năm đó, phong trào cách mạng có lúc phát triển, có lúc tạm thời lắng xuống, nhưng nắm được đường lối của Đảng, Đảng bộ kiên trì tiến hành vận động tuyên truyền, giác ngộ, tổ chức và lãnh đạo quần chúng đấu tranh, tìm mọi cách khôi phục lại cơ sở Đảng làm hạt nhân lãnh đạo phong trào. Chính vì vậy, sau ngày Nhật đảo chính Pháp, cao trào chống Nhật, cứu nước ở Mỹ Tho và Gò Công phát triển mạnh mẽ và tham gia khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám ở Mỹ Tho và Gò Công là thắng lợi của việc Đảng bộ vận dụng một cách sáng tạo đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; kết hợp đúng đắn hai nhiệm vụ chống đế quốc, chống phong kiến vào hoàn cảnh cụ thể của địa phương, tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân trên nền tảng liên minh công - nông. Đó là thắng lợi của tinh thần cách mạng tiến công, sử dụng bạo lực cách mạng với hai lực lượng chính trị, vũ trang và sự kết hợp chặt chẽ giữa hai hình thức đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, kết hợp nông thôn với thành thị chọn đúng thời cơ, phân hóa kẻ thù, làm tê liệt các âm mưu phản động của địch.
Thắng lợi Cách mạng Tháng Tám làm cho nhân dân Tiền Giang càng hiểu rõ và tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của Đảng, con đường tất yếu để xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Tinh thần Cách mạng Tháng Tám, những bài học của Cách mạng Tháng Tám vẫn còn nguyên ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.