Đường Hồ Chí Minh: biểu tượng sinh động của tình đoàn kết đặc biệt Việt - Lào

Thứ năm - 06/12/2012 23:22
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đường Trường Sơn là biểu tượng của tình đoàn kết, lòng dũng cảm, ý chí kiên cường và tinh thần "giúp bạn là tự giúp mình" của nhân dân ba nước Đông Dương, đặc biệt là sự sẻ chia, cùng sát cánh bên nhau của quân dân Việt Nam và Lào.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 1. Vào những năm 1959-1960, trong khi đế quốc Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm ngày càng ra sức đàn áp phong trào cách mạng ở miền Nam Việt Nam, thì tại Lào, chính phủ phản động Phủi Xananicon do Mỹ nặn ra công khai đàn áp và quyết “thanh toán dứt điểm Neo Lào Hắcxạt bằng bạo lực”(1). Trước yêu cầu và nhiệm vụ mới của sự nghiệp giải phóng dân tộc, nhằm chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam, phối hợp chiến đấu với nhân dân Lào và nhân dân Campuchia chống đế quốc Mỹ xâm lược, Đảng ta quyết định thành lập tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn.

Ngày 19-5-1959, “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” - Đoàn 559 ra đời, với nhiệm vụ mở đường, đưa đón cán bộ, bộ đội, vũ khí, đạn được, lương thực… từ miền Bắc vào miền Nam và vận chuyển vật chất giúp nước bạn Lào. Được khai sinh vào ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5), đường mang tên "Đường Hồ Chí Minh".

Khởi nguồn từ Khe Hó vào những ngày cuối tháng 6-1959, “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” do Thượng tá Võ Bẩm chỉ huy đã tiến hành bí mật mở đường, theo nguyên tắc “ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”. Nhận rõ tầm quan trọng của tuyến vận tải chiến lược này, nên ngay sau khi tuyến đường đi vào hoạt động, đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã huy động lực lượng lớn càn quét ở phía Tây Quảng Trị, tăng cường củng cố “phòng tuyến chống thâm nhập” hòng ngăn chặn và cắt đứt con đường vận tải này. Do vậy, đã có nhiều đơn vị gùi thồ của Đoàn 559 hàng tuần, hàng tháng không thể vượt qua được đường 9, nên đã phải ẩn náu trong rừng sâu, trong hang đá…

Khắc phục khó khăn và để đảm bảo cho tuyến vận tải chiến lược luôn được thông suốt, cuối năm 1960, đại diện Trung ương Đảng ta và Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã gặp nhau bàn bạc, nhất trí mở đường Trường Sơn sang phía Tây. Trên tinh thần: "Đông - Tây Trường Sơn là địa bàn chiến lược vững chắc nối liền hậu phương của cách mạng ba nước Việt Nam- Lào - Campuchia, một biểu hiện cụ thể của liên minh chiến đấu giữa ba nước, trở thành một phương hướng chiến lược quan trọng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước"(2), lãnh đạo hai Đảng đã quyết định sử dụng một bộ phận đất đai phía Tây Trường Sơn thuộc vùng giải phóng Lào (từ đường số 8 phía Tây Hà Tĩnh qua tỉnh Bôlykhămxay đến tỉnh Attôpư) để xây dựng tuyến đường chi viện chiến lược và xây dựng căn cứ chiến lược cho các chiến trường Nam Đông Dương. Bộ Chính trị hai Đảng giao cho Bộ Tư lệnh Trường Sơn thống nhất chỉ huy toàn bộ lực lượng trên tuyến đường Hồ Chí Minh. Bộ đội tình nguyện, Đoàn chuyên gia cố vấn Việt Nam dưới sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã thường xuyên phối hợp với quân khu Trung - Hạ Lào, Đảng bộ và chính quyền 7 tỉnh có đường Hồ Chí Minh xuyên qua, tổ chức khảo sát địa hình, phối hợp mở đường Tây Trường Sơn…

Từ chỗ chỉ là những con đường nhỏ hẹp con đường giao liên Bắc - Nam, được triển khai chủ yếu ở phía Đông Trường Sơn, cùng với tiến trình phát triển cách mạng của nhân dân ba nước Đông Dương "cùng chung chiến hào đánh Mỹ", đường Trường Sơn đã được củng cố, mở rộng, bảo vệ và xây dựng thành tuyến đường vận tải chiến lược, gồm nhiều con đường lớn, dọc, ngang, chạy dài theo cả Đông và Tây Trường Sơn. Quá trình “lật cánh” sang Tây Trường Sơn được sự đồng thuận cao và sự ủng hộ chí tình của Đảng, Chính phủ và nhân dân các bộ tộc Lào, trong đó, chiến dịch “Chọc thủng Trường Sơn mở đường thắng lợi”, mở đường 20 - Quyết thắng dài trên 65km thực sự là một kỳ công của quân dân ta cùng sự ủng hộ và tham gia tích cực của quân và dân Lào.

Đồng thời với việc mở đường Tây Trường Sơn, từ tháng 4-1961, dưới sự giúp đỡ của các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam, quân dân Lào đã giải phóng một vùng rộng lớn từ Căm Cớt, Lắc Xao cho đến Mường Phin, Sêpôn, Bản Đông, nối đường 12 với đường 9, nhanh chóng tạo thành một hành lang dài và rộng theo chiều Đông-Tây. Năm 1963, đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn tiếp tục cho quân đội bao vây, đánh phá tuyến vận tải phía Đông Trường Sơn, ngăn chặn sự chi viện của hậu phương miền Bắc cho quân dân ta ở miền Nam. Để đảm bảo và kịp thời đáp ứng nhu cầu của chiến trường, Đảng ta và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào quyết định mở Chiến dịch 128, giải phóng toàn bộ vùng cao nguyên Trung Lào (có biên giới chung với Việt Nam, dài trên 700km), tạo điều kiện cho Việt Nam chuyển toàn bộ đường vận tải sang hướng Tây trên đất Lào. Tiếp đó, trong những năm 1963 - 1965, tuyến vận tải quân sự chiến lược này ngày càng tiến sâu xuống Hạ Lào và mở rộng về miền Tây Trị Thiên, Quảng Nam và khu V…

Được nối dài xuống tận phía Nam, được tạo thành bởi một hệ thống đường mắt xích trọng yếu, đến trước cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của Việt Nam, Trường Sơn Đông nối với Trường Sơn Tây đã được xây dựng với tổng chiều dài gần 20.000 km, bao gồm 5 hệ thống đường trục dọc dài 6.810km, 21 hệ thống đường trục ngang dài 4.980km, 5 hệ thống đường vượt khẩu dài 700km, 3.000km đường giao liên, 1.300km đường thông tin tải ba, 14.000km đường thông tin hữu tuyến, 1.300 km đường vòng tránh các trọng điểm (3). Con đường và tuyến vận tải Trường Sơn đã đảm bảo cung cấp sức người và của cải, đảm bảo phục vụ thắng lợi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 của nhân dân Việt Nam, Lào và Campuchia, hoàn thành sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ba nước Đông Dương.

Đối với cách mạng và nhân dân Lào, từ khi mới hình thành cho đến khi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ năm 1975, đường Trường Sơn Tây đã đi qua 17 mường (huyện) ở Trung và Nam Lào, với tổng chiều dài hàng nghìn km. Có gần 1.400km/4.990km tuyến đường ống xăng dầu quốc gia, (bao gồm cả làm mới và khôi phục tuyến cũ) chạy trên đường Hồ Chí Minh, trong đó có hàng ngàn kilômét đường (riêng trục dọc) và hàng trăm kilômét đường ống xăng dầu đã đi qua trên đất bạn Lào; và còn có cả mạng thông tin dây bọc và dây trần tải ba trải dài từ Đông sang Tây Trường Sơn, tới Đông Nam bộ (Bù Đăng) với chiều dài 1.350km…

2. Qua tuyến huyết mạch cả Đông và Tây Trường Sơn, quân và dân ta đã chuyển được trên một triệu tấn vật chất và vũ khí ra chiến trường, đảm bảo chỉ huy hành quân cho hơn hai triệu lượt người di chuyển vào chiến trường hoặc trở ra miền Bắc. Đã có 10 lượt sư đoàn cơ động, 3 quân đoàn, 90 đoàn binh khí kỹ thuật cùng 1.349.000 tấn hàng hoá, vũ khí, trong đó giao cho các chiến trường và cách mạng Lào, Campuchia hơn 583.000 tấn, 515 triệu mét khối xăng dầu... được vận chuyển qua tuyến đường này để tham gia các chiến dịch, góp sức cho nhân dân miền Nam, nhân dân Trung - Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia từng bước giành thắng lợi trên chiến trường, tiến đến giành thắng lợi hoàn toàn vào mùa Xuân năm 1975. Riêng 4 tháng trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, tuyến vận tải qua đường Hồ Chí Minh đã chuyển vào miền Nam Việt Nam hơn 110.000 cán bộ, chiến sĩ, 230.000 tấn vật chất các loại, đưa sang Lào (1973-1975) được trên 108.000 tấn hàng các loại (4), cổ vũ mạnh mẽ và tạo điều kiện cho quân và dân Lào liên tiếp nổi dậy, giành chính quyền trong cả nước và thành lập nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào ngày 2-12-1975.

Để phá hủy và ngăn chặn con đường đặc biệt quan trọng này, đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai đã mở nhiều cuộc càn quét, đẩy mạnh hoạt động biệt kích, thám báo thâm độc, nham hiểm trong những vùng giải phóng của Lào, nhằm ngăn chặn và phá hoại những hoạt động chi viện của Đoàn 559 trên tuyến hành lang ở cả Đông và Tây Trường Sơn. Trong những năm tháng gian khổ đó, quân dân hai nước Việt - Lào đã phải đương đầu với “chiến trường điện tử”, “chiến trường tự động hóa”, “chiến tranh hủy diệt”, “chiến tranh ngăn chặn” cùng những âm mưu thâm độc, tàn bạo để hủy diệt "huyết mạch" quan trọng này.

Từ năm 1965, khi đế quốc Mỹ mở rộng đánh phá, nhân dân 17 mường (huyện) thuộc các tỉnh Nam Lào nằm trên tuyến đường Tây Trường Sơn đã tự nguyện rời bỏ bản làng, nương rẫy của mình để sơ tán vào rừng sâu. Trên tinh thần: “Vận mệnh hai nước chúng ta đã gắn bó mật thiết với nhau. Nhân dân Lào sẽ làm hết sức mình để góp phần vào thắng lợi của nhân dân Việt Nam anh em” (5), bao bà mẹ, gia đình Lào dù cuộc sống còn khó khăn, nhưng đã mang "bát cơm sẻ nửa" để nuôi dưỡng thương binh; đã vượt qua bom đạn của kẻ thù, tiếp tế rau, gạo, thuốc men… đến các binh trạm trên các tuyến đường để trao tận tay các chiến sĩ Việt Nam. Ngoài ra, nhân dân các bộ tộc Lào còn góp hàng triệu ngày công cùng bộ đội và thanh niên xung phong Việt Nam làm mới, sửa chữa đường, vận chuyển hàng hóa và thương bệnh binh, góp phần giữ thông suốt "con đường ra tiền tuyến" này.

Trong 16 năm (1959-1975), đế quốc Mỹ đã rải xuống các cánh rừng dọc tuyến đường Hồ Chí Minh hàng triệu tấn bom các loại, hàng nghìn tấn chất độc hoá học và nhiều thiết bị điện tử… nhằm phát hiện, ngăn chặn sự chi viện của hậu phương miền Bắc. Chỉ riêng năm 1969, máy bay Mỹ đã đánh phá hàng nghìn trận vào 180 bản làng của đồng bào các dân tộc Lào dọc theo tuyến đường Hồ Chí Minh, thiêu huỷ 845 nóc nhà, giết hại 482 người, làm bị thương 344 người, tàn phá 337 nương rẫy (6)… Cũng trong 16 năm ấy, vượt qua mọi gian truân và thử thách, dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chính phủ và nhân dân các bộ tộc Lào đã hết lòng giúp đỡ bộ đội Việt Nam mở đường, bảo vệ tuyến đường, đảm bảo vận chuyển nhân lực, hàng hoá phục vụ chiến trường. Bộ đội, du kích và nhân dân các bộ tộc Lào đã thực sự chia lửa, cùng gánh chịu tổn thất với Việt Nam, phối hợp cùng bộ đội Việt Nam đánh trả máy bay địch, ngăn chặn các cuộc hành quân lấn chiếm và tập kích của địch.

Để xây dựng và bảo vệ tuyến hành lang vận tải chiến lược cùng các căn cứ chiến lược của nhân dân Việt Nam và Lào, quân dân hai nước không chỉ vừa chiến đấu, đoàn kết tổ chức đánh địch tại chỗ, giải phóng đất đai, mở rộng vùng giải phóng, tạo điều kiện để tuyến đường chiến lược được mở rộng và phát triển, mà còn vừa sản xuất để tự cung, tự cấp một phần lương thực, thực phẩm…

3. Ra đời từ yêu cầu khách quan của lịch sử, đáp ứng đòi hỏi bức thiết, có ý nghĩa sống còn của cách mạng Việt Nam, Lào và Campuchia, đường Hồ Chí Minh bao gồm cả Đông và Tây Trường Sơn phản ánh mối liên minh, đoàn kết chiến đấu của nhân dân ba nước Đông Dương, đặc biệt là mối quan hệ “môi hở, răng lạnh” giữa Việt Nam và Lào. Đường Đông và Tây Trường Sơn trở thành một huyền thoại, một biểu tượng của tình hữu nghị, đoàn kết, thủy chung, trong sáng, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, cùng có lợi, thực sự tin cậy, gắn bó với nhau, chân thành hợp tác, giúp đỡ nhau vì lợi ích chung của mỗi nước.

Cùng với tuyến đường phía Đông, quá trình mở đường Tây Trường Sơn trên đất Lào là một sáng tạo, một quyết tâm của Đảng và quân dân ta, đồng thời là "sự giúp đỡ cao cả", chí tình của Đảng và quân dân các bộ tộc Lào. Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nhấn mạnh: “Quyết định xây dựng tuyến chi viện chiến lược đường Hồ Chí Minh và thực hiện thắng lợi quyết định này là một thành công kiệt xuất trong lãnh đạo chiến tranh của Đảng Cộng sản Việt Nam; là biểu hiện tình đoàn kết quốc tế đặc biệt: Việt Nam, Lào, Campuchia. Lịch sử đường Hồ Chí Minh vận dụng sáng tạo khoa học và nghệ thuật quân sự của bộ đội Trường Sơn; là một trong những yếu tố chiến lược có ý nghĩa quyết định, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi cuối cùng” (7).

Trong 16 năm xây dựng, cùng với sự phát triển của cuộc chiến tranh, tuyến vận tải chiến lược đã trở thành một mạng giao thông không thể bị chặn cắt, bao gồm hệ thống trục dọc và ngang, ngày càng vươn xa vào chiến trường, toả ra các hướng chiến lược, để chuyển vận toàn bộ sức mạnh từ hậu phương miền Bắc XHCN chi viện cho cách mạng miền Nam, cách mạng Lào và Campuchia. Tuyến đường đã trở thành tài sản vô cùng quý giá của nhân dân hai nước, vừa trở thành một chiến trường thu hút và tiêu diệt một lực lượng lớn sinh lực địch, vừa thành chỗ "đứng chân" và là "bàn đạp" xuất phát của các binh đoàn chủ lực hùng mạnh tiến xuống giải phóng các tỉnh ven biển miền Trung, tham gia chiến đấu, giải phóng Sài Gòn, góp phần xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại mùa Xuân 1975. Nguyên Tư lệnh Đoàn 559 - Đồng Sĩ Nguyên khẳng định: "Trong cuộc chiến này, khi mà đối phương huy động tối đa sức mạnh tổng lực hòng xoá con đường Trường Sơn; khi mà biết bao đồng chí, đồng bào ngã xuống, nằm lại vĩnh viễn với những đồi lau xơ xác, những bìa rừng khuất nẻo... vì sự sống của con đường, vì sự toàn thắng của chiến dịch, nếu như ai đó thi vị hoá hết thảy sẽ là tội lỗi. Nhưng nếu không tìm thấy cội nguồn chiến thắng từ những bước chân nhún nhảy của những chàng trai, cô gái Pa Cô trên đường tải đạn trong âm vang réo rắt tiếng đàn ta lư, hay điệu lăm vông của những nam nữ chiến sĩ quân giải phóng Lào sau từng trận đánh..., thì cũng khó lý giải hết tầm thế của chiến công này..., và vì sao ta chiến thắng!" (8).

Nhìn lại chặng đường hào hùng lịch sử đã qua và quá trình hình thành, phát triển của mối quan hệ đặc biệt, hiếm có giữa hai dân tộc Việt Nam và Lào, có thể khẳng định rằng: Đường Hồ Chí Minh - Đường Trường Sơn thực sự là một thành quả vĩ đại, sức mạnh tổng hợp trong sự nghiệp cách mạng của quân dân hai nước, được thử thách, rèn luyện, hun đúc qua nhiều năm chiến đấu gian khổ và quyết liệt. Đồng chí Cayxỏn Phômvihẳn đã nhấn mạnh trong Diễn văn khi dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Lào sang thăm Việt Nam, ngày 7-2-1976, tại Hà Nội: "Chúng tôi vui mừng và rất tự hào là trên vùng phía Đông của đất nước chúng tôi có con đường quan trọng được mang tên "Hồ Chí Minh" đã góp phần tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho việc giải phóng miền Nam Việt Nam. Chúng tôi vui mừng và rất tự hào đã được góp phần làm cho bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Người sáng lập Đảng Cộng sản Đông Dương, tiền thân của Đảng Lao động Việt Nam và cũng là tiền thân của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, càng đượm thêm ý nghĩa sâu sắc:

Việt - Lào, hai nước chúng ta;

Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long".

Tầm vóc, ý nghĩa lịch sử và những bài học kinh nghiệm của đường Hồ Chí Minh không chỉ có giá trị với cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, mà còn được phát huy, tiếp thêm sức mạnh cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong hành trình xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Với ý nghĩa đó, đường Hồ Chí Minh, con đường huyền thoại năm xưa đã được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, đầu tư xây dựng, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp cách mạng mới.

Dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1 (2000- 2007) từ Hòa Lạc đến Tân Cảnh đã hoàn thành năm 2008. Giai đoạn 2 (2007- 2015), đường Hồ Chí Minh nối thông 2 làn xe từ Pác Bó đến Đất Mũi theo dự kiến sẽ cơ bản hoàn thành vào 2015 (trừ một số cầu lớn hoàn thành trong giai đoạn đến 2020). Hiện tại có 17 dự án đã có vốn để triển khai, còn lại 10 dự án khác chưa được bố trí vốn. Giai đoạn 3 sẽ đầu tư xây dựng tuyến đường theo tiêu chuẩn cao tốc, trong đó từ 2012 đến 2020 đầu tư khoảng 313km: Cam Lộ-La Sơn-Túy Loan, Đoan Hùng- Chợ Bến bằng nguồn vốn ngân sách kết hợp BT, BOT. Trong đó, tuyến Cam Lộ-La Sơn-Túy Loan đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai theo hình thức BT. Sau 2020 sẽ xây dựng các đoạn tuyến còn lại và hoàn chỉnh toàn tuyến theo quy hoạch được duyệt… (9).

Để phát huy vai trò tuyến hành lang Đông - Tây thuở trước, đường Hồ Chí Minh ngày nay được quy hoạch lại, nâng cấp, xây dựng và ngày càng hoàn thiện, sẽ là huyết mạch quan trọng, thiết thực phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của hai quốc gia. Dọc theo con đường huyết mạch đó, nhân dân Việt Nam và Lào đã, đang và sẽ tiếp tục hợp tác, xây dựng, nâng cấp các cửa khẩu quốc tế; thực hiện cải cách hành chính, mở rộng giao thương, buôn bán… Và để tri ân các anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh máu xương trên con đường chiến lược này, nhân dân hai nước dọc tuyến biên giới đã, đang và sẽ luôn tạo điều kiện và giúp đỡ nhau về nhiều mặt để tìm kiếm, cất bốc mộ của các liệt sĩ. Đồng thời nhân dân hai nước cũng sẽ tiếp tục sát cánh bên nhau, cùng nhau viết tiếp trang sử mới trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam và Lào trên con đường đổi mới và hội nhập.

-----------------------

(1) (5) Quan hệ Việt Lào, Lào - Việt, Nxb. CTQG,H, 1993, tr. 291 và 295.

(2) Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước: Thắng lợi và bài học, Nxb. CTQG, H, 1995, tr. 227.

(3) (4) Đường Hồ Chí Minh - Con đường huyền thoại. Nxb. QĐND, H, 2004, tr.195, 213.

(6) Tạp chí Việt Nam và Đông Nam Á ngày nay, tháng 5-1999, tr.47.

(7) Tạp chí Lịch sử quân sự, tháng 5-2009, tr.14.

(8) Đồng Sĩ Nguyên: Đường xuyên Trường Sơn, Nxb. QĐND, H,1999, tr.224.

(9) Nguồn: Lưu trữ Quốc hội, Chính phủ.

TS.Văn Thanh Mai

Nguồn tin: Tuyengiao.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập324
  • Máy chủ tìm kiếm10
  • Khách viếng thăm314
  • Hôm nay95,755
  • Tháng hiện tại1,174,323
  • Tổng lượt truy cập34,759,968
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây