Hiệu quả từ mô hình trồng rau an toàn ở Gò Công

Thứ năm - 05/12/2013 20:05
Gần 5 năm nay, nhờ chuyên canh các loại rau, màu theo hướng an toàn, chất lượng đã giúp xã viên và nông dân xã Long Hòa (thị xã Gò Công - Tiền Giang) cải thiện cuộc sống đáng kể, vươn lên khá, giàu. Kết quả đạt được này xuất phát từ “thương hiệu” rau an toàn Gò Công từng bước được người tiêu dùng chấp nhận thông qua hệ thống các siêu thị lớn.
Anh Lê Công Thanh chăm sóc diện tích cải ngọt, chuẩn bị thu hoạch
Anh Lê Công Thanh chăm sóc diện tích cải ngọt, chuẩn bị thu hoạch
Theo Phòng Kinh tế thị xã Gò Công, xã Long Hòa là xã có truyền thống trồng rau, màu lâu đời. Tuy nhiên, sản xuất rời rạc, giá cả bấp bênh mà nguyên nhân là do thiếu sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ. Từ thực tế trên, UBND thị xã, các ngành có liên quan đã huy động, vận động, hỗ trợ bà con nông dân tự nguyện thành lập hợp tác xã (HTX). Theo đó, tháng 6-2008, HTX Rau an toàn Gò Công (RAT) chính thức thành lập, đi vào hoạt động.

Chủ nhiệm HTX RAT Gò Công Nguyễn Văn An cho biết, lúc mới thành lập thu hút xã viên ít, vốn ít do nông dân chưa tin mô hình hợp tác mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ, tạo điều kiện tích cực của Phòng Kinh tế thị xã, chính quyền địa phương và Trung tâm Khuyến nông tỉnh nên mô hình chuyên canh RAT gồm các loại từ rau, cải đến bầu, bí… đã thành công ngoài ý muốn, xã viên tham gia ngày càng nhiều. Hiện nay, HTX có 44 xã viên, vốn góp trên 300 triệu đồng. “Ngoài trụ sở giao dịch, HTX còn có nhà sơ chế, kho lạnh, xe tải vận chuyển tiêu thụ rau cho bà con, thật mừng” - Ông An tâm sự.

Nhưng cũng theo ông An, điều đáng mừng hơn là 15,3 ha RAT xã viên, nông dân đều tuân thủ sản xuất nghiêm ngặt theo qui trình kỹ thuật an toàn - chất lượng mà cơ quan chức năng khuyến cáo đạt hiệu quả cao. Cụ thể, mô hình RAT nông dân đều trang bị hệ thống tưới phun, tưới bán tự động, giàn lưới và chủ yếu sử dụng phân bón vi sinh. Đồng thời, trước ngày thu hoạch từ 10 đến 15 ngày hoàn toàn không sử dụng phân, thuốc để rau thương phẩm thật sự an toàn, chất lượng đối với người tiêu dùng.

Với cách làm trên đã nâng uy tín HTX trên thị trường. RAT của HTX đã được vào các siêu thị lớn. Hiện tại HTX cung ứng thường xuyên cho siêu thị Co.op Mart 4 tấn/tháng, Metro 30 tấn/tháng, các công ty, xí nghiệp trong tỉnh Tiền Giang hơn 10 tấn/tháng.

Theo tính toán của nông dân Huỳnh Văn Nghĩa, ấp Tân Xã (Long Hòa), phương thức thu mua của HTX hoàn toàn có lợi cho nông dân. Nghĩa là HTX tiêu thụ RAT cho bà con theo giá trị thị trường từng thời điểm, nhưng mức giá sàn thấp nhất mà HTX đưa ra và tồn tại đến thời điểm hiện nay là bảo đảm xã viên, nông dân trừ chi phí sản xuất, lợi nhuận ít nhất 20 triệu đồng/công (1.000 m2)/năm. “Gia đình tôi chuyên canh 0,5 ha các loại RAT, mỗi năm sản xuất từ 9 đến 10 vụ. Các năm qua giá rau ổn định, nên thực lãi bình quân hàng năm trên 200 triệu đồng. Không riêng gia đình tôi mà bà con ở đây nhờ trồng RAT đều khá giả hết” - ông Nghĩa cho biết.

Còn anh Lê Công Thanh, ấp Việt Hùng, gia đình có truyền thống canh tác rau, màu nhiều đời nay cho biết: “Từ khi tham gia sản xuất rau theo hướng an toàn, được HTX bao tiêu, nông dân ở đây yên tâm lắm về mặt giá cả và lợi nhuận. Hộ tôi chỉ có 1.700 m2 đất chuyên canh RAT, mỗi năm thực lãi bình quân hơn 50 triệu đồng, ba đứa con của tôi đều học hành đến nơi, đến chốn, có công việc làm ổn định”.

Để tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ rau, màu, cũng như tăng diện tích trồng RAT nhằm tạo điều kiện tăng thu nhập cho người nông dân, xã viên, năm 2013 HTX đã ký hợp đồng với Satrafoods TP. Hồ Chí Minh. Theo Chủ nhiệm An, Satrafoods có chuỗi hơn 50 cửa hàng tại TP. Hồ Chí Minh, nhưng do năng lực sản xuất RAT của HTX đang tiếp tục mở rộng diện tích, nên bước đầu chỉ nhận cung ứng RAT mỗi ngày 1,5 tấn cho 15 cửa hàng của Satrafoods. Hiện tại, HTX đã đầu tư kho lạnh rộng 180 m2 tại TP. Hồ Chí Minh, đồng thời mở rộng sản xuất, tăng sản lượng nhằm đáp ứng thị trường tiêu thụ kịp thời cho các siêu thị lớn.

Từ sản xuất RAT đem lại hiệu quả cao cho xã viên, nông dân trong các năm qua, HTX RAT Gò Công cũng đã thí điểm và thành công mô hình sản xuất rau theo hướng VietGAP. “Được sự quan tâm, hỗ trợ của nhà nước, nhiệt tình tham gia của xã viên, nông dân, mô hình sản xuất rau, màu theo hướng VietGAP, HTX quyết tâm mở rộng, để sản lượng RAT của HTX ngày càng tăng, đáp ứng yêu cầu, sức khỏe của người tiêu dùng, tạo được mô hình sản xuất bền vững và mang lại thu nhập ổn định, bền vững cho nông dân”- ông An tâm sự.

Tấn Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập303
  • Máy chủ tìm kiếm74
  • Khách viếng thăm229
  • Hôm nay92,976
  • Tháng hiện tại1,668,640
  • Tổng lượt truy cập40,038,016
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây