Gò Công Đông tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng

Chủ nhật - 18/08/2013 22:49
Thực hiện Chỉ thị 15-CT/TW ngày 28/8/2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) về tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, huyện Gò Công Đông đã đạt được những kết quả tích cực trong việc nâng cao nhận thức và giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng của quê hương đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện.
UBND huyện Gò Công Đông khen thưởng các tập thể. Ảnh: tiengiang.gov.vn
UBND huyện Gò Công Đông khen thưởng các tập thể. Ảnh: tiengiang.gov.vn
Trước đây, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành quyết định thành lập Tổ biên tập lịch sử truyền thống huyện Gò Công Đông, do đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy làm tổ trưởng; đồng thời thành lập Ban Chỉ đạo công tác nghiên cứu biên soạn lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng do đồng chí Phó Bí thư Huyện ủy làm Trưởng ban để tiếp tục tăng cường lãnh đạo công tác này. Tuy nhiên, từ năm 2002 đến năm 2008 do tính đặc thù của công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, trong điều kiện của huyện còn nhiều khó khăn như: cán bộ phụ trách chuyên môn lĩnh vực này không có, người biên tập công trình có chuyên môn và kinh nghiệm rất hiếm; do chưa định hướng được đề cương công trình để biên tập, chưa có quy định và hướng dẫn thống nhất về nguồn kinh phí; Tổ biên tập còn lúng túng trong việc tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy để chỉ đạo thực hiện. Tư liệu lưu trữ qua các thời kỳ rất hiếm, nhân chứng lịch sử thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ mai một dần theo thời gian nên công việc sưu tầm tài liệu và đi tìm nhân chứng lịch sử, những nhân vật đương thời phải mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của các công trình...

Được sự quan tâm lãnh đạo, hướng dẫn, hỗ trợ và tạo điều kiện của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Huyện ủy phân công đồng chí Phó trưởng ban phụ trách công tác khoa giáo và lịch sử Đảng đi sâu nghiên cứu học tập về chuyên môn, phương pháp biên soạn, biên tập lịch sử đảng bộ và tham mưu Ban Chỉ đạo huyện để lãnh đạo, điều hành công tác này. Sau đó đồng chí Phó Trưởng ban và một cán bộ phụ trách công tác lịch sử Đảng trực tiếp xuống cơ sở để hướng dẫn thực hiện việc nghiên cứu, biên soạn nội dung công trình như: lập kế hoạch, dự toán kinh phí, giới thiệu những người có năng lực và kinh nghiệm để tham gia biên tập nội dung công trình.

Sau Đại hội Đảng bộ huyện Gò Công Đông lần thứ X (nhiệm kỳ 2010 - 2015), ngày 18/8/2010 Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Quyết định số 33-QĐ/HU về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng của huyện do đồng chí Bí thư Huyện ủy làm trưởng ban và chỉ định Ban Tuyên giáo Huyện ủy là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo. Đối với các xã - thị trấn, đồng chí Bí thư và Phó Bí thư Đảng ủy cùng đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo trực tiếp phụ trách. Hàng năm, ngoài tham gia lớp tập huấn nghiệp vụ do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức, Ban Tuyên giáo Huyện ủy mở lớp tập huấn chuyên đề công tác sưu tầm tài liệu, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng cấp cơ sở cho các ban, ngành, đoàn thể huyện và cán bộ phụ trách tuyên giáo xã - thị trấn; kinh phí dự toán cho mỗi công trình cấp xã - thị trấn là 45 triệu đồng được trích từ nguồn kinh phí huyện.

Để đảm bảo chất lượng nội dung của các công trình, Ban Tuyên giáo Huyện ủy kết hợp với Hội Khoa học lịch sử huyện hướng dẫn cụ thể cho Ban Chỉ đạo các xã - thị trấn về hình thức, nội dung, phương pháp tổ chức hội thảo, lấy ý kiến cấp cơ sở đối với bản dự thảo nội dung công trình. Sau khi đã hoàn chỉnh cơ bản, đạt yêu cầu về nội dung dự thảo công trình, Ban Tuyên giáo Huyện ủy tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy ra quyết định thẩm định công trình (Hội đồng thẩm định do đồng chí Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy làm Chủ tịch hội đồng), sau đó mới tiến hành xin giấy phép xuất bản và in ấn.

Qua 10 năm, huyện Gò Công Đông đã biên tập và xuất bản một số công trình như: Lịch sử Đảng bộ Gò Công (1930 - 2005) (Tập 1); Đặc san chào mừng kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước; Kỷ yếu Ban Chấp hành Đảng bộ huyện qua các thời kỳ (1977 - 2010); Đặc san Gò Công Đông vững bước trên đường phát triển; Lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Tân Thành (1930 - 2005); Lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Tân Thành (1930 - 2005); Lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Tăng Hòa - thị trấn Tân Hòa (1930 - 2005); Lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân xã Tân Điền (1930 - 2005); Lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Kiểng Phước (1930 - 2005); Lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Bình Nghị (1930 - 2005); Lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Bình Ân (1930 - 2005); Lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Tân Đông (1930 - 2005); Lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Phước Trung (1930 - 2005). Ngoài ra, huyện còn một số công trình đang trong quá trình hội thảo, thẩm định và chuẩn bị in ấn.

Qua quá trình triển khai, nghiên cứu, tổ chức thực hiện công tác biên soạn lịch sử Đảng ở huyện và cơ sở, có thể nêu lên một vài kinh nghiệm sau:

Một là, Ban Tuyên giáo Huyện ủy là bộ phận phụ trách nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, thường trực của Ban Chỉ đạo huyện phải làm tham mưu tốt cho cấp ủy trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thúc đẩy tiến độ thực hiện đối với tất cả các công trình nghiên cứu, biên soạn, biên tập lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng của địa phương cũng như lịch sử truyền thống của các ban, ngành, đoàn thể của huyện. Ban Tuyên giáo Huyện ủy phải trực tiếp sâu sát, giúp đỡ về chuyên môn, hướng dẫn sưu tầm tư liệu, giới thiệu người biên tập, xây dựng kế hoạch bảo đảm kịp thời kinh phí phục vụ công trình, theo dõi, kiểm tra, giám sát đối với Ban biên soạn, biên tập và đảm bảo chế độ giao ban định kỳ hàng quý và năm đối với công tác này.

Hai là, nơi nào có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên sâu sát của cấp ủy, chính quyền địa phương nhất là người đứng đầu các cấp, các ngành thì nơi đó tiến độ và chất lượng công trình đảm bảo.

Trong thời gian tới, Huyện ủy Gò Công Đông tiến hành nghiên cứu biên soạn đề cương tuyên truyền giảng dạy lịch sử Đảng và lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng của huyện và của các xã - thị trấn trong nhân dân, nhất là thế hệ trẻ của huyện; tiếp tục biên soạn lịch sử truyền thống của các ban, ngành.

Nguyễn Văn Bon

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập205
  • Máy chủ tìm kiếm50
  • Khách viếng thăm155
  • Hôm nay92,976
  • Tháng hiện tại1,648,162
  • Tổng lượt truy cập40,017,538
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây