Nhờ có ô bao Đông - Tây Ba Rài, dân vùng lũ sống khỏe

Thứ sáu - 07/12/2012 00:29

Thu hoạch sầu riêng

Thu hoạch sầu riêng
Mùa lũ 2012, tỉnh Tiền Giang hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều công trình trọng điểm thuộc hai ô bao Đông - Tây Ba Rài phía nam huyện Cai Lậy tiếp giáp với sông Tiền từ nguồn vốn trung ương hỗ trợ: cống Vàm Tắc I, cống Vàm Tắc II, cống Đường Nước, cống Thanh Niên và cống Rạch Sâu. Sắp tới, tỉnh tiếp tục hoàn thành thêm các công trình mới còn lại trong khuôn khổ dự án: cống Miễu Chay, cống 868, cống Ông Tùng, kênh Ông Bảo - Bà Kén và kênh Ba Muồng.
Theo ông Trần Minh Hữu, Giám đốc Xí nghiệp Thủy lợi I (Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang), thực hiện dự án ô bao Đông - Tây Ba Rài, tỉnh Tiền Giang đã thi công trên 74 km đê bao, 75 tuyến kênh mương nội đồng có chiều dài hàng trăm ngàn km cùng với xây dựng khoảng 30 cống đập lớn nhỏ đóng vai trò lấy nước tưới tiêu, ngăn lũ, chống hạn cho đất canh tác. Với các công trình mới hoàn thành đưa vào sử dụng kể trên đã cơ bản khép kín bảo vệ trên 7.900 ha đất sản xuất, trong đó có gần 6.300 ha vườn trồng cây ăn trái đặc sản nổi tiếng của tỉnh, trên 1.600 ha lúa, màu với hàng trăm ngàn dân an tâm ổn định sản xuất và đời sống theo hướng “chung sống với lũ”. Trong đó, ô bao Tây Ba Rài có tổng diện tích tự nhiên 4.540 ha và 47.000 dân; ô bao Đông Ba Rài bảo vệ 5.680 ha và 45.900 dân.
Trước đây, trong trận lũ lớn năm 2000, do chưa có hệ thống cống đập và đê bao bảo vệ nên lũ lụt gây thiệt hại nặng nề đối với cư dân nơi đây. Gần như toàn bộ diện tích vườn chuyên canh đã bị nước lũ nhấn chìm, cây cối, hoa màu chết hết, nông dân trắng tay. Nhiều hộ lâm vào cảnh túng quẫn thậm chí thiếu đói sau khi lũ lụt rút đi. Trước tình hình trên, đồng thời đúc kết những kinh nghiệm thực tiễn quí trong phòng chống thiên tai theo hướng “chung sống với lũ”, Tiền Giang chủ trương triển khai hai dự án đồ sộ: Đông - Tây Ba Rài (huyện Cai Lậy) với các nội dung quan trọng: qui hoạch lại cây trồng vật nuôi, hình thành mạng lưới đê bao và cống đập vững chắc vừa chống lũ và triều cường vừa tiêu thoát nước kịp thời, tạo điều kiện để nhân dân trong địa bàn hưởng lợi tích cực chuyển đổi sản xuất một cách phù hợp và hiệu quả, đặc biệt khuyến khích bà con cải tạo và lập vườn trồng chuyên canh cây ăn quả đặc sản có giá trị kinh tế cao, tiến tới hình thành vùng sản xuất lớn.
Chủ động đón trước thời cơ và vận hội mới từ hai dự án trên mang lại, nông dân các xã nằm trong vùng qui hoạch: Cẩm Sơn, Long Tiên, Long Trung, Tam Bình, Hội Xuân... đã tích cực cải tạo vườn tạp, chuyển đổi đất lúa hiệu quả thấp sang trồng các cây ăn trái chủ lực đang cho hiệu quả kinh tế cao giúp thay đổi diện mạo nông thôn. Điển hình là cây sầu riêng đã tăng diện tích lên trên 5.000 ha, hàng ngàn ha mít Thái siêu sớm trồng dưới dạng xen canh hoặc chuyên canh.
Ông Hồ Văn Lập, mệnh danh “vua mít Thái siêu sớm” cư ngụ tại ấp 3, xã Cẩm Sơn mỗi năm thu nhập gần nửa tỉ đồng từ nguồn lợi mít và cây giống cung ứng thị trường, phấn khởi cho biết: từ khi có đê bao ngăn lũ và triều cường, tôi an tâm đầu tư mở rộng diện tích vườn mít chuyên canh. Mít Thái siêu sớm là cây trồng mới do ông du nhập đã phát triển nhanh trên địa bàn phía nam huyện Cai Lậy nhờ dễ trồng, năng suất cao, giá tiêu thụ hấp dẫn, có lúc lên đến 30.000 đ - 32.000 đ/kg, mỗi trái mít trọng lượng vài chục kg nông dân có thể bán 500.000 đ - 600.000 đ.
Ông Võ Văn Liền cư ngụ tại ấp 3, Cẩm Sơn; Lê Văn Bé Hai cư ngụ tại ấp Mỹ Thạnh A, xã Long Tiên; Nguyễn Lam Hồng cư ngụ tại xã Long Trung nổi tiếng là kiện tướng trồng sầu riêng chất lượng cao cũng chung một tâm trạng hân hoan như ông Ba Lập, bởi rút kinh nghiệm trắng tay từ trận lũ năm 2000, các ông đã mạnh dạn đầu tư vốn liếng, công sức, kỹ thuật khôi phục vườn chuyên canh sầu riêng Ri 6, sầu riêng Mong thong... Ông Lê Văn Bé Hai vui mừng cho biết: "Sau năm 2000, vườn cây rộng gần ha của tôi chết hết. Nay thì sau thời gian miệt mài, kiên trì chịu thương chịu khó, tôi rất an tâm với vườn sầu riêng chuyên canh cho thu nhập mỗi năm trên 200 triệu đồng. Nhờ sầu riêng, gia đình tôi đã tạo dựng nên cơ nghiệp vững vàng. Tất cả có được sau khi các ô bao ngăn lũ khép kín mở ra một tương lai mới cho dân vùng ngập lũ”.
Đáng mừng thời điểm hiện nay, khi nước lũ từ thượng nguồn tràn về kết hợp với triều cường đã đe dọa gây hại cho nhiều nơi, nhưng bà con sinh sống trong các ô đê bao Đông - Tây Ba Rài vẫn an tâm trước hệ thống cống đập - đê bao vững chãi. Hiện nay, các khu vườn sầu riêng 9 - 10 năm tuổi trong ô bao đang ở độ tuổi sung mãn, cho trái chất lượng ngon và năng suất cao; bình quân năng suất sầu riêng 18 - 20 tấn/ha. Mít Thái siêu sớm giá 18.000 - 22.000 đ/kg, sầu riêng giữ ở mức 23.000 đ - 25.000 đ/kg, mỗi ha bà con thu về vài ba trăm triệu tiền lãi ròng sau khi thu hoạch. Nhiều hộ nông dân trước đây nghèo khó chỉ sau vài mùa bội thu nông sản nghiễm nhiên trở thành triệu phú nông thôn. Có tiền của, bà con tái đầu tư chăm sóc vườn tược, góp công sức cùng nhà nước kiện toàn kiến thiết hạ tầng giao thông nông thôn, tạo diện mạo nông thôn mới theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Đó là trường hợp nông dân Cẩm Sơn - quê hương Chiến thắng Ba Rài lịch sử cách đây 45 năm, ngay trước mùa lũ 2012 đã góp hàng trăm triệu đồng sửa đường, bắc cầu dân sinh phục vụ đi lại, giao thương. Nông dân miệt vườn Hiệp Đức, Long Trung góp hàng ngàn ngày công lao động tu sửa, gia cố đê bao chống lũ và triều cường bảo vệ vườn chuyên canh... Nhìn chung, bà con đang tích cực phát huy vai trò hai ô đê bao trên để ổn định cuộc sống theo hướng “chung sống với lũ” và “ly nông bất ly hương”.
Ông Phạm Minh Tùng, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Cai Lậy - đơn vị hưởng lợi, đánh giá cao hiệu quả hai ô bao Đông - Tây Ba Rài. Nhờ đó, nhân dân địa phương an tâm phát huy các tiềm năng đất đai, lao động, hình thành các vùng sản xuất nông sản tập trung lớn có giá trị phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Với định hướng qui hoạch khu vực này thành vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản với các cây trồng chủ lực: sầu riêng, vú sữa lò rèn, nhãn, cây có múi khác... tỉnh đang thiết thực giúp bà con vùng lũ đổi đời từ sự chung sức, chung lòng của “ý Đảng, lòng dân”.

Minh Trí

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập545
  • Máy chủ tìm kiếm30
  • Khách viếng thăm515
  • Hôm nay45,715
  • Tháng hiện tại1,178,362
  • Tổng lượt truy cập34,764,007
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây