- Cấp 1: Nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh.
- Cấp 2: Nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng.
- Cấp 3: Nguy cơ cao tương ứng với màu cam.
- Cấp 4: Nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ.
Thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”; Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 của Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ. Ngày 17/10/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch số 295/KH-UBND trong đó xác định tỉnh Tiền Giang thuộc cấp độ 2 - nguy cơ trung bình.
2. Người dân cần thực hiện biện pháp gì trong phòng, chống dịch COVID-19?
- Luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động, linh hoạt, động viên người thân, gia đình tự bảo vệ, chăm sóc sức khỏe và sống an toàn phòng, chống dịch COVID-19.
- Thực hiện nghiêm 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Khai báo y tế - Không tụ tập đông người), đặc biệt là khi tham gia các hoạt động tập trung đông người.
- Sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin (như: ứng dụng PC-Covid, ứng dụng VNEID, ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử…) để khai báo y tế quét mã QR khi đến các điểm có dán mã, đăng ký tiêm chủng vắc-xin, khám, chữa bệnh (nếu có điện thoại thông minh).
- Tuân thủ điều kiện về tiêm chủng, xét nghiệm, cách ly theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
- Điều trị tại nhà đối với người nhiễm COVID-19: theo hướng dẫn của ngành Y tế và quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã, phù hợp với điều kiện thu dung, điều trị tại địa phương và điều kiện ăn, ở, sinh hoạt, nguyện vọng của người nhiễm COVID-19.
3. Việc đi lại của người dân trong tỉnh được thực hiện như thế nào?
- Người dân đi/về từ địa bàn cấp độ 1, cấp độ 2: không hạn chế.
- Người dân từ địa bàn cấp độ 3 đến các địa bàn khác:
+ Đối với người đã tiêm vắc xin (ít nhất 01 liều, có chứng nhận tiêm chủng) đã qua 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 (có giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19 hoặc giấy ra viện không quá 6 tháng): Được phép đi lại, không yêu cầu kết quả xét nghiệm.
+ Đối với người chưa tiêm vắc xin: Được đi đến các vùng khác nhưng phải có kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh âm tính còn giá trị trong vòng 48 giờ kể từ khi lấy mẫu hoặc có kết quả xét nghiệm Realtime RT-PCR âm tính còn giá trị trong vòng 72 giờ kể từ khi lấy mẫu; khi đến nơi phải tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày.
- Người dân từ địa bàn cấp độ 4 đến các địa bàn khác:
+ Đối với người đã tiêm đủ 02 liều vắc xin (có chứng nhận tiêm chủng đủ liều) đã qua 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 (có giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19 hoặc giấy ra viện không quá 6 tháng): Được đi đến các vùng khác nhưng phải có kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh âm tính còn giá trị trong vòng 48 giờ kể từ khi lấy mẫu hoặc có kết quả xét nghiệm Realtime RT-PCR âm tính còn giá trị trong vòng 72 giờ kể từ khi lấy mẫu; khi đến nơi phải tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày.
+ Đối với người đã tiêm 01 liều vắc xin hoặc chưa tiêm vắc xin: không được di chuyển khỏi nơi cư trú, trừ trường hợp cấp thiết (như: cấp cứu, đi khám, chữa bệnh theo giấy chuyển viện của bệnh viện, đưa đón người bệnh hiểm nghèo, con nhỏ, phụ nữ mang thai, một số trường hợp cấp bách khác…) và phải có giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã.
4. Người dân có được di chuyển ra khỏi tỉnh Tiền Giang không?
- Khuyến khích người dân hạn chế việc di chuyển ra khỏi địa bàn tỉnh đến các tỉnh, thành phố khác. Trường hợp di chuyển phải chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của các tỉnh, thành phố nơi đến và phải thực hiện nghiêm 5K.
- Trường hợp địa phương nơi đến yêu cầu phải có văn bản xác nhận của chính quyền địa phương nơi đi thì người dân liên hệ với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đang sinh sống, lưu trú hoặc cơ quan có thẩm quyền theo yêu cầu của địa phương nơi đến để được xác nhận theo quy định.
5. Người đến/về tỉnh Tiền Giang cần thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như thế nào?
- Đối với người từ địa bàn đang có dịch đến/về tỉnh Tiền Giang để lưu trú thì thực hiện việc cách ly, xét nghiệm, giám sát, theo dõi như sau:
+ Đối với người đã tiêm đủ 02 liều vắc xin (có chứng nhận tiêm chủng đủ liều) đã qua 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 (có giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19 hoặc giấy ra viện không quá 6 tháng tính đến thời điểm đến/về địa phương): Khi đến nơi, thực hiện cách ly, tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày và thực hiện nghiêm 5K; nếu có biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó thở… thì phải thông báo ngay cho cơ quan y tế hoặc chính quyền địa phương và xét nghiệm theo quy định.
+ Đối với người tiêm 01 liều vắc xin: Khi đến nơi, thực hiện cách ly tại nhà 7 ngày, nếu xét thấy việc cách ly tại nhà không đảm bảo điều kiện, yêu cầu cách ly và công tác phòng, chống dịch theo quy định thì thực hiện cách ly tập trung 7 ngày; xét nghiệm ngày 1 bằng xét nghiệm kháng nguyên nhanh mẫu đơn hoặc gộp, ngày 7 bằng RT-PCR mẫu đơn hoặc RT-PCR gộp. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính thì xử lý như người nhiễm. Nếu ngày 7 xét nghiệm RT-PCR âm tính thì kết thúc việc cách ly và tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà thêm 7 ngày. Đối với các trường hợp có triệu chứng sẽ được lấy mẫu RT-PCR đơn.
+ Đối với người chưa tiêm vắc xin: Khi đến nơi, thực hiện cách ly tập trung 14 ngày; xét nghiệm ngày 1, ngày 3 bằng xét nghiệm kháng nguyên nhanh mẫu đơn hoặc gộp, ngày 7 bằng RT-PCR mẫu gộp, ngày 14 bằng RT-PCR mẫu đơn hoặc RT-PCR gộp. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính thì xử lý như người nhiễm. Nếu âm tính thì kết thúc cách ly tập trung, tiếp tục tự theo dõi sức khỏe tại nhà thêm 14 ngày. Đối với các trường hợp có triệu chứng sẽ được lấy mẫu RT-PCR đơn.
Toàn bộ chi phí trong quá trình cách ly tập trung và chi phí xét nghiệm (đối với cách ly tại nhà) do cá nhân tự chi trả.
- Trường hợp người ngoài tỉnh từ địa bàn đang có dịch đến/về tỉnh Tiền Giang trong ngày hoặc người Tiền Giang đi ra khỏi tỉnh đến các địa bàn đang có dịch và quay về tỉnh trong ngày thì phải khai báo với chính quyền địa phương nơi đến/về (Ủy ban nhân dân cấp xã) hoặc cơ quan, đơn vị nơi người đó làm việc, thực hiện nghiêm yêu cầu 5K và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định.
6. Việc tổ chức hoạt động tập trung được quy định như thế nào?
- Hội họp, tập huấn, hội thảo; hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao; hội chợ, triển lãm; đám cưới…: Được phép hoạt động, nhưng không quá 30 người trong cùng một thời điểm. Người tham gia phải tuân thủ nghiêm 5K.
- Riêng tổ chức tang lễ thực hiện theo Quyết định số 2232/QĐ-BCĐQG ngày 29/5/2021 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về việc hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 tại lễ tang. Số lượng người tham dự cùng thời điểm không quá 30 người, những người tham dự lễ tang phải tuân thủ nghiêm 5K. Thời gian tổ chức lễ tang không quá 48 giờ kể từ khi tử vong. Địa điểm tổ chức lễ tang đảm bảo thông thoáng, tăng cường thông khí, hạn chế sử dụng điều hòa.
7. Nhà hàng, quán ăn, quán giải khát được hoạt động không?
- Được hoạt động, nhưng người bán hàng, nhân viên phục vụ, người đến ăn, uống tại nhà hàng, quán ăn, quán giải khát phải đảm bảo được tiêm đủ 02 mũi vắc xin phòng COVID-19.
- Qua 14 ngày hoặc F0 đã điều trị khỏi bệnh không quá 6 tháng; thực hiện giãn cách và phòng, chống dịch, bố trí chỗ ngồi phù hợp đảm bảo giãn cách; khoảng cách giữa bàn với bàn tối thiểu 02m hoặc có vách ngăn; tối đa phục vụ không quá 50% công suất đối với nhà hàng và không quá 20 người đối với quán ăn, quán giải khát; khuyến khích bán hàng mang đi. Người tham gia phải tuân thủ nghiêm 5K.
8. Các cơ sở kinh doanh các dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao có được hoạt động không?
- Đối với vũ trường, karaoke, mát xa, quán bar, xông hơi, Internet, trò chơi điện tử, câu lạc bộ khiêu vũ, các tụ điểm hát với nhau, câu lạc bộ bida: Tiếp tục tạm dừng các hoạt động này cho đến khi có thông báo mới.
- Đối với phòng tập thể hình, yoga, hồ bơi, bóng đá, bóng chuyền…: Được hoạt động, người tham gia phải được tiêm đủ 02 mũi vắc xin phòng Covid-19 đã qua 14 ngày hoặc F0 đã điều trị khỏi bệnh không quá 6 tháng, cùng thời điểm hoạt động không quá 50% công suất. Người tham gia phải tuân thủ 5K. Chủ cơ sở phải có kế hoạch và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định.
- Làm tóc, cắt tóc, làm đẹp, phẫu thuật thẩm mỹ, vật lý trị liệu…: Được hoạt động, nhưng cùng thời điểm không quá 50% công suất. Người tham gia phải tuân thủ 5K. Chủ cơ sở phải có kế hoạch và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định.
9. Việc bán hàng rong, vé số dạo có được hoạt động hay không?
Được hoạt động, người tham gia phải đáp ứng một trong các điều kiện sau: (1) Đã tiêm đủ liều vắc-xin phòng COVID-19, (2) Đã khỏi bệnh COVID-19 không quá 6 tháng. Người hoạt động phải tuân thủ nghiêm 5K.
10. Các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự có được hoạt động không?
Được hoạt động, nhưng phải đảm bảo không quá 20 người trong cùng một thời điểm. Người tham gia phải tuân thủ nghiêm 5K, giữ khoảng cách tối thiểu 01m.
II. MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19
1. Hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng thì bị xử phạt hành chính như thế nào?
Điểm a khoản 1, Điều 12 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 01 triệu đến 03 triệu đồng đối với cá nhân (từ 02 triệu đến 06 triệu đồng đối với tổ chức) khi có hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
2. Hành vi không khai báo về dịch bệnh thì bị xử phạt hành chính như thế nào?
Khoản 3 Điều 7 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng đối với cá nhân (từ 20 triệu đến 40 triệu đồng đối với tổ chức) khi có một trong các hành vi sau:
- Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh của bản thân hoặc của người khác;
- Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh.
3. Hành vi từ chối hoặc trốn tránh cách ly y tế bị xử phạt hành chính như thế nào?
Điểm b khoản 2 Điều 11 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 15 triệu đến 20 triệu đồng đối với cá nhân (từ 30 triệu đến 40 triệu đồng đối với tổ chức) khi có hành vi từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ngoài ra, còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là bị buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế.
4. Hành vi đưa thông tin sai sự thật về dịch bệnh thì xử phạt hành chính như thế nào?
- Đưa thông tin trên mạng xã hội: điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 05 triệu đến 10 triệu đồng đối với cá nhân (từ 10 triệu đến 20 triệu đồng đối với tổ chức) khi có hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Ngoài ra, hành vi này còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật.
- Đưa thông tin trên trang thông tin điện tử: điểm a khoản 3 Điều 99 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 10 triệu đến 15 triệu đồng đối với cá nhân (từ 20 triệu đến 30 triệu đồng đối với tổ chức) khi có hành vi đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân. Ngoài ra, hành vi này còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ đường dẫn đến thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn, thông tin vi phạm pháp luật; buộc thu hồi hoặc buộc hoàn trả tên miền do thực hiện hành vi vi phạm.
5. Mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về hạn chế, cấm tập trung đông người?
- Điểm c khoản 3 Điều 12 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng đối với cá nhân (từ 20 triệu đến 40 triệu đồng đối với tổ chức) khi có hành vi không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người.
- Điểm b khoản 5 Điều 12 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 30 triệu đến 40 triệu đồng đối với cá nhân (từ 60 triệu đến 80 triệu đồng đối với tổ chức) khi có hành vi không thực hiện quyết định cấm tập trung đông người tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch.
6. Mức xử phạt đối với hành vi vi phạm về đình chỉ cở sở kinh doanh dịch vụ ăn uống?
Điểm a, điểm c khoản 3 Điều 12 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng đối với cá nhân (từ 20 triệu đến 40 triệu đồng đối với tổ chức) khi có một trong các hành vi sau đây:
- Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch;
- Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng./.