Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy định hướng, hướng dẫn công tác thông tin, tuyên truyền trong tháng 10/2021 như sau:
I. Tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới cụ thể là:
1. Tuyên truyền, quán triệt tư tưởng, quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước: “Chống dịch như chống giặc”, “kiên định thực hiện mục tiêu kép phòng, chống dịch hiệu quả đồng thời phát triển kinh tế, chăm lo đời sống, bảo vệ sức khỏe Nhân dân”; khẳng định những thành tựu đạt được của đất nước trên các lĩnh vực thời gian qua trong bối cảnh khó khăn, cả thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19; khẳng định công tác phòng, chống dịch của cả nước, của tỉnh Tiền Giang đang đi đúng hướng và đã đạt được một số kết quả bước đầu rất quan trọng.
2. Thông tin, tuyên truyền trên cơ sở 6 nguyên tắc vàng sống chung với Covid-19: Y tế là trụ cột, là trung tâm; Kinh tế là cơ sở, là nền tảng; Dữ liệu khoa học, công nghệ là then chốt; Ổn định chính trị xã hội là trọng yếu và thường xuyên; Vắc xin, thuốc chữa bệnh và ý thức người dân là điều kiện tiên quyết; An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn.
3. Các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp, của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân đối với công tác phòng, chống dịch bệnh, phát triển kinh tế - xã hội được nêu trong Kết luận 07-KL/TW, ngày 11/6/2021 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội; Lời kêu gọi phòng, chống đại dịch COVID-19 ngày 29/7/2021 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Nghị quyết 30/2021/QH15, ngày 28/7/2021 của Quốc hội về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; Nghị quyết 86/NQ-CP, ngày 06/8/2021 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15, ngày 28/7/2021 của Quốc hội khóa XV; Nghị quyết 105/NQ-CP, ngày 09/9/2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19,...
Tuyên truyền về Kế hoạch 08- KH/BCĐ của BCĐ phòng, chống dịch bệnh của tỉnh, Kế hoạch 267/ KH- UBND, ngày 25/9/2021 của UBND tỉnh về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang năm 2021,.. Chú trọng tuyên truyền, nhấn mạnh tạo sự thống nhất nhận thức “phòng dịch vẫn là chính, là cơ bản, chiến lược, lâu dài; tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác”; các cấp, các ngành, doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan, đơn vị cần chủ động các phương án, kịch bản chống dịch thích ứng, phù hợp, hiệu quả, với tinh thần “bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân là trên hết, trước hết”; “Trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, văn hóa, môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, vì mục tiêu cuối cùng là sức khỏe, tính mạng, hạnh phúc, ấm no của Nhân dân...”; công tác phòng, chống dịch phải “từ xa, từ sớm, từ cơ sở”, “người dân là trung tâm phục vụ, là chủ thể trong phòng, chống dịch; xã, phường, thị trấn thật sự là “pháo đài”, người dân thật sự là “chiến sỹ” trong phòng, chống dịch.
4. Tuyên truyền, phản ánh kịp thời công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 và cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp; đồng thời tuyên truyền, cập nhật các chính sách mới của Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân trong tháo gỡ khó khăn, giải quyết các vấn đề an sinh, an toàn xã hội, bảo đảm đời sống và sức khỏe Nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội đất nước sau những tác động tiêu cực của đại dịch.
5. Tăng cường tuyên truyền các chỉ dẫn của Bộ Y tế và kiến thức khoa học về phòng, chống dịch COVID-19, nhất là các kỹ năng cần thiết và ý thức, trách nhiệm với bản thân, cộng đồng, xã hội để người dân tự phòng tránh khi phải cách ly hoặc chữa trị tại nhà; động viên Nhân dân chủ động, tích cực, tự giác thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh. Tuyên truyền, giải thích “Tiêm vắc xin phòng COVID-19 là quyền lợi đối với cá nhân, là trách nhiệm đối với cộng đồng”; “vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất”; thực hiện bao phủ vắc xin COVID-19 cho toàn dân là mục tiêu, là biện pháp nhằm sớm đẩy lùi và hạn chế sự lây lan của đại dịch.
Tiếp tục tuyên truyền, cảnh báo về mức độ nguy hiểm và cơ chế lây lan dịch COVID-19 hiện nay. Đồng thời thông tin, tuyên truyền kịp thời, khách quan, minh bạch, cân bằng diễn biến tình hình dịch, công tác phòng, chống dịch, kết quả điều trị trong nước, tỉnh Tiền Giang. Phê phán tư tưởng chủ quan, lơ là mất cảnh giác, cố tình vi phạm quy định chống dịch của một bộ phận Nhân dân.
II. Tuyên truyền kết quả Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII
III. Tuyên truyền về đối ngoại
1. Tuyên truyền về các hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Thủ tướng Chính phủ Vương quốc Campuchia Hun Xen và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith đã có Cuộc gặp cấp cao Việt Nam - Campuchia - Lào (ngày 26/9/2021); Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc điện đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình (ngày 24/9/2021).
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Cuba, tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao Khóa 76 Đại hội đồng Liên Hợp quốc và thực hiện các hoạt động song phương tại New York, Hoa Kỳ;
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm chính thức Phần Lan; tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 tại Cộng hoà Áo; làm việc tại Bỉ, Liên minh châu Âu, từ ngày 5-11/9/2021.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Phó Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ Kamala Harris thăm Việt Nam từ ngày 24-26/8 theo lời mời của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân.
Tuyên truyền đậm nét kết quả quan trọng của các chuyến thăm và làm việc. Trong đó, nhấn mạnh các hoạt động đối ngoại trên đã góp phần tích cực thúc đẩy triển khai đường lối đối ngoại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phối hợp chặt chẽ và đồng bộ đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, truyền đi thông điệp mạnh mẽ ra thế giới về đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; đẩy mạnh và làm sâu sắc các mối quan hệ song phương và đa phương, các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và các đối tác quan trọng khác trên cơ sở hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; Việt Nam là bạn bè tin cậy, là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, góp phần tiếp tục nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đặc biệt là ngoại giao vaccine đã tranh thủ được sự ủng hộ thiết thực, hiệu quả của cộng đồng quốc tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
2. Tuyên truyền, giới thiệu về quê hương, đất nước
Đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu về đất nước và con người Việt Nam nói chung (trong đó có Nhân dân Tiền Giang); thể hiện sâu sắc bản chất tốt đẹp, nhân văn, tất cả vì Nhân dân của Nhà nước, của chế độ; thể hiện tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; lòng nhân ái, ý chí tự lực, tự cường, quyết tâm đẩy lùi đại dịch, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của con người Việt Nam; đồng thời thể hiện tình cảm trân quý đối với sự hợp tác, hỗ trợ tích cực của bạn bè quốc tế, của các địa phương bạn đối với công tác phòng, chống dịch COVID-19 của nước ta, của tỉnh.
IV. Tuyên truyền Kết luận số 14-KL/TW, ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung
Tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về các nội dung cơ bản Kết luận 14-KL/TW, ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Ðây là chủ trương, giải pháp “đúng, trúng và kịp thời” của Ðảng ta, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ “đủ tâm và tầm”, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tuyên truyền khẳng định, “năng động, sáng tạo vì lợi ích chung” là tiêu chuẩn quan trọng của cán bộ, đảng viên, phẩm chất cần có của người cách mạng, là bước cụ thể hoá của vấn đề đổi mới, sáng tạo đã được Ðại hội XIII của Ðảng đặt ra, qua đó thể hiện quyết tâm của Ðảng ta trong quá trình lãnh đạo triển khai, đưa nghị quyết của Ðảng sớm đi vào cuộc sống.
Tuyên truyền nhấn mạnh, nhiệm vụ hiện nay của cấp ủy, cơ quan liên quan các cấp là phải cụ thể hóa chủ trương này của Ðảng thành cơ chế, quy định cụ thể; có phương án tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả ở tất cả các cấp. Từ đó góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ trong thời kỳ phát triển mới dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung, như Ðại hội XIII của Ðảng đã đặc biệt nhấn mạnh. Ðó chính là nhân tố tạo động lực cho sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
V. Về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực
Tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên những nội dung cơ bản của Quy định 32-QĐ/TW, ngày 16/9/2021 của Bộ Chính trị “về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, mối quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”, thay thế Quy định 211-QĐ/TW ngày 25/12/2019. Tuyên truyền khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của Ðảng trong phòng, chống tham nhũng; phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Việc Bộ Chính trị ban hành Quy định số 32 là để tăng cường sự chỉ đạo toàn diện, tập trung, thống nhất, quyết liệt trong toàn Ðảng; thực hiện đồng bộ giữa phòng, chống tham nhũng và phòng, chống tiêu cực, nhằm ngăn chặn, tiến đến đẩy lùi căn bệnh tồn tại ở mọi chế độ, mọi thời đại.
Tuyên truyền về vị trí, vai trò quan trọng của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong việc tập hợp, khơi dậy và phát huy vai trò của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng để thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ, từ xây dựng, tổ chức thực hiện chủ trương, cơ chế, chính sách pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử thi hành án đối với những trường hợp vi phạm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ nào.
Tuyên truyền nhấn mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng, xây dựng, chỉnh đốn Ðảng nói chung là nhiệm vụ then chốt lâu dài, khó khăn, phức tạp, nhạy cảm. Ðó là một quá trình vươn lên, hoàn thiện bản thân để chiến thắng chính mình, để Ðảng ta mãi mãi là niềm tự hào, là chỗ dựa vững chắc của nhân dân trên tiến trình đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế; hoàn toàn không phải là đấu đá nội bộ như luận điệu xuyên tạc của kẻ xấu, của địch. Thành tích trong những năm phòng, chống tham nhũng gần đây là cơ sở để chúng ta tin rằng tham nhũng, tiêu cực nhất định sẽ bị đẩy lùi.
VI. Về tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng
Tuyên truyền kỷ niệm 104 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (7/11/1917 - 7/11/2021): Tuyên truyền khẳng định tầm vóc, ý nghĩa lịch sử và thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga đối với phong trào cách mạng thế giới và cách mạng Việt Nam. Khẳng định những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới đất nước ta là kết quả của sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam; Đảng, Nhà nước và nhân dân ta kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Cùng với đó, đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, phủ nhận ý nghĩa lịch sử của Cách Mạng Tháng Mười Nga đi tới xóa bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin; đồng thời vạch trần âm mưu, thủ đoạn lợi dụng các vấn đề trong nước, chống phá cách mạng Việt Nam, chia rẽ, gây mất đoàn kết nội bộ, làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Tuyên truyền kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Lê Đức Thọ (10/10/1911 - 10/10/2021), theo Hướng dẫn 21-HD/BTGTW ngày 11/8/2021 của Ban Tuyên giáo Trung ương.
Tuyên truyền kỷ niệm 60 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961 - 23/10/2021), theo Hướng dẫn17-HD/BTGTW ngày 29/7/2021 và Đề cương của Ban Tuyên giáo Trung ương.
VII. Tuyên truyền về gương người tốt, việc tốt, mô hình hay, cách làm hiệu quả theo tinh thần Chỉ thị 05-CT/TW
Tuyên truyền, khích lệ tinh thần chủ động, trách nhiệm, tận tụy hết mình của các cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị chức năng, đặc biệt là lực lượng y tế, quân đội, công an và đội ngũ cán bộ ở cơ sở nơi tuyến đầu chống dịch; biểu dương gương “người tốt”, “việc tốt”, những hành động và nghĩa cử nhân văn, cao đẹp trong xã hội.
Tuyên truyền, lan tỏa những tín hiệu lạc quan, điểm sáng trong tổ chức và khôi phục kinh tế, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, nhất là ở những vùng bị ảnh hường nặng của dịch COVID-19. Đề cao tinh thần tự lực, tự cường, hỗ trợ lẫn nhau, giải quyết khó khăn; khắc phục tâm lý ngồi chờ hay ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước, địa phương; phát hiện, nhân rộng kịp thời những mô hình vượt khó của địa phương, doanh nghiệp, tổ chức, những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả. Tăng cường tuyên truyền lan tỏa những hình ảnh đậm tính nhân văn, tương thân tương ái, tinh thần đoàn kết, sẻ chia của toàn xã hội trong bối cảnh cả nước chống dịch; động viên sức mạnh tinh thần, củng cố niềm tin cho Nhân dân, đội ngũ y tế và lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch.
Khích lệ, động viên các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giữ vững niềm tin vào nội lực, tiềm năng phát triển, khả năng khôi phục sản xuất, bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hóa của Việt Nam; tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam và tỉnh Tiền Giang vượt qua giai đoạn khó khăn, tích cực đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh thích ứng an toàn với dịch bệnh.
VIII. Công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
Chủ động đấu tranh, phản bác kịp thời với những thông tin giả, tin xấu độc ảnh hưởng tiêu cực đến công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội. Lên án mạnh mẽ những hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi cá nhân, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm khi chia sẻ, đưa tin, đăng tin sai sự thật về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước.