Những điểm mới trong Quy định 22-QĐ/TW của BCHTW Đảng về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng

Thứ năm - 25/11/2021 23:19
Ngày 28/7/2021, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Quy định 22-QĐ/TW về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng (Quy định 22), thay thế Quy định 30-QĐ/TW ngày 26/7/2016 về thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng (Quy định 30).

Quy định 22 có nhiều điểm mới, từ tên gọi, kết cấu và nội dung, mang tính đột phá, cải cách, thể hiện sự phát triển về lý luận, đồng thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Cụ thể:

I. TÊN GỌI

Quy định 22-QĐ/TW ngày 28/7/2021 về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng.

II. KẾT CẤU

Quy định 22 đã thay đổi hoàn toàn so với Quy định 30 để phù hợp với thể loại văn bản của Đảng. Quy định 22 gồm 7 chương, 36 điều, đã cụ thể hóa và có tính chuyên sâu hơn các nội dung về kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng theo từng nhóm chuyên đề có tính chuyên sâu hơn.
Chương I. QUY ĐỊNH CHUNG (Điều 1, 2, 3)

Chương II. CÔNG TÁC KIỂM TRA, GIÁM SÁT CỦA ĐẢNG (Điều 4, 5, 6, 7, 8)

Chương III. THI HÀNH KỶ LUẬT TRONG ĐẢNG (Điều 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18)

Chương IV.  GIẢI QUYẾT TỐ CÁO ĐỐI VỚI TỔ CHỨC ĐẢNG VÀ ĐẢNG VIÊN (Điều 19, 20, 21)

Chương V. GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI KỶ LUẬT ĐẢNG (Điều 22, 23, 24, 25, 26, 27)

Chương VI.  ĐÌNH CHỈ SINH HOẠT ĐẢNG (Điều 28, 29, 30, 31, 32,  33)

Chương VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN (Điều 34, 35, 36)

III. NỘI DUNG

1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

Bổ sung đối tượng áp dụng so với Quy định 30 là “Quy định này áp dụng đối với tổ chức đảng và đảng viên, bao gồm tổ chức đảng đã hết nhiệm kỳ hoạt động, đã giải thể hoặc thay đổi do chia tách, sáp nhập về mặt tổ chức; đảng viên đã chuyển công tác, nghỉ việc, nghỉ hưu”.

2.Nguyên tắc trong kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng

Quy định 22 đã bổ sung: “Công tác kiểm tra, giám sát phải kịp thời phát hiện nhân tố mới, tích cực để phát huy, phải bảo vệ cái đúng, bảo vệ người tốt, cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung; phải chủ động phát hiện sớm để phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên ngay từ khi còn mới manh nha, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, kéo dài và lan rộng.”.

3. Khái niệm kiểm tra, giám sát

- Về khái niệm kiểm tra của Đảng bổ sung việc chấp hành “quyết định, quy chế, kết luận” của Đảng.

- Về khái niệm giám sát của Đảng bổ sung “nắm bắt, kết luận”;nhắc nhở”; chấp hành “quyết định, quy chế, kết luậncủa Đảng; “khắc phục sửa chữa, hạn chế, khuyết điểm, vi phạm” và “giám sát chuyên đề khi cần thiết thì thực hiện thẩm tra, xác minh” => như vậy giám sát của Đảng cũng cần có thẩm tra, xác minh (khi cần thiết).

4. Về quyền và trách nhiệm của đối tượng kiểm tra, giám sát

Quy định 22 yêu cầu đối tượng kiểm tra, giám sát “không được sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình, thu phát sóng khi làm việc với chủ thể kiểm tra, giám sát”.

5. Về công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng

- Về lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, Quy định 22 đã bổ sung nội dung “Lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, đảng viên chấp hành pháp luật của Nhà nước”.

- Nội dung kiểm tra, giám sát đối với đảng viên, bổ sung thêm về “tiêu chuẩn đảng viên, tiêu chuẩn cấp ủy viên”.

- Quy định 22 bổ sung “ Nếu phát hiện đối tượng giám sát không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc ban hành các văn bản trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước thì quyết định bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc yêu cầu, kiến nghị tổ chức đảng, cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thu hồi các văn bản trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước”.

- Bổ sung thẩm quyền và trách nhiệm của cấp ủy và các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra chấp hành.

6.Về công tác kiểm tra, giám sát của ủy ban kiểm tra các cấp

- Về nội dung giám sát đối với tổ chức đảng, bổ sung thêm nội dung “Việc thực hiện các kết luận, quyết định kiểm tra, giám sát và kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm”.

- Về nội dung giám sát đối với đảng viên, bổ sung thêm giám sát việc “Thực hiện các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, quy chế làm việc, chế độ công tác”; “tư tưởng chính trị”, và “trách nhiệm nêu gương theo quy định của Đảng”.

- Về thẩm quyền và trách nhiệm của Ủy ban kiểm tra, Quy định 22 đã bổ sung:

+ Bổ sung quy định thẩm quyền của ủy ban kiểm tra trong “chỉ đạo” cấp ủy về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng.

+ Quy định 22 đã bổ sung về nhiệm vụ của Ủy ban kiểm tra trong công tác phòng, chống vi phạm pháp luật:

 “Trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, tuy tố, xét xử, thi hành án các vụ án, nếu phát hiện vi phạm liên quan đến đảng viên là cán bộ thuộc diện cấp ủy cùng cấp quản lý thì thủ trưởng cơ quan trên chuyển thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan đến ủy ban kiểm tra cùng cấp để kiểm tra, xử lý theo đúng quy định của Đảng”.

“Ủy ban kiểm tra kiểm tra xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên là cán bộ thuộc diện cấp ủy cùng cấp quản lý có dấu hiệu vi phạm trong các vụ việc, vụ án do các cơ quan chức năng thụ lý”.

+ Bổ sung thêm nội dung chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của Ủy ban kiểm tra cấp trên đối với ủy ban kiểm tra cấp dưới.

7. Về thi hành kỷ luật trong Đảng

- Thẩm quyền của tổ chức đảng cấp trên của các đảng bộ nơi quản lý trước đây và hiện nay khi xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên sau khi chuyển sinh hoạt đảng bị phát hiện hoặc có tố cáo có vi phạm ở nơi sinh hoạt trước đây, Quy định 22 đã bổ sung thêm “hoặc chỉ đạo tổ chức đảng cấp dưới xem xét, xử lý theo thẩm quyền”.

- Quy định 22 bổ sung “Đảng viên vi phạm đang trong thời gian mang thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, bị bệnh nặng thì chưa xem xét, xử lý kỷ luật. Trường hợp đảng viên vi phạm đã qua đời tổ chức đảng xem xét, không xử lý kỷ luật, trừ trường hợp có vi phạm đặc biệt nghiêm trọng”.

- Quy định 22 quy định rõ hơn về việc xét công nhận đảng viên chính thức đối với đảng viên bị xử lý kỷ luật. “Đảng viên dự bị vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo, khi hết thời hạn dự bị, chi bộ vẫn tiến hành xét công nhận đảng viên chính thức”.

- Quy định trách nhiệm của cá nhân liên quan khi kỷ luật tổ chức đảng “Khi kỷ luật một tổ chức đảng phải xem xét trách nhiệm, xử lý kỷ luật đối với những đảng viên vi phạm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu”.

-Quy định này còn bổ sung thêm thẩm quyền kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên của ban thường vụ đảng ủy, ủy ban kiểm tra cơ sở.

+ Đối với kỷ luật đảng viên:

Ban thường vụ đảng ủy cơ sở quyết định khiển trách, cảnh cáo đảng viên trong đảng bộ (kể cả đảng viên là cán bộ thuộc diện cấp ủy cùng cấp quản lý nhưng không phải cấp ủy viên cùng cấp hoặc cán bộ thuộc diện cấp ủy cấp trên quản lý).

Ủy ban kiểm tra đảng ủy cơ sở quyết định hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo đảng viên trong đảng bộ (kể cả cấp ủy viên chi bộ, cấp ủy viên đảng ủy bộ phận, cán bộ thuộc diện cấp ủy cùng cấp quản lý nhưng không phải cấp ủy viên cùng cấp)”.

Ủy ban kiểm tra các cấp xem xét, kết luận, đề xuất với cấp ủy hoặc ban thường vụ cấp ủy trong việc xử lý tổ chức đảng cấp dưới trực tiếp; quyết định hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo tổ chức đảng trực thuộc cấp ủy cấp dưới”.

- Quy định 22 cũng đã nêu “Trường hợp  quyết định thay đổi hình thức kỷ luật thì thời hạn chấp hành kỷ luật được tính từ ngày quyết định kỷ luật đầu tiên có hiệu lực”.

- Về thi hành kỷ luật đối với đảng viên vi phạm pháp luật, Quy định 22 nêu rõ “Đảng viên bị khởi tố, truy tố hoặc bị tạm giam hoặc do cơ quan thanh tra, kiểm toán cung cấp nội dung vi phạm pháp luật thì tổ chức đảng có thẩm quyền chủ động, kịp thời kiểm tra, kết luận và xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên có vi phạm đến mức phải xử lý, không chờ kết luận hoặc tuyên án của tòa án hoặc kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm toán; không cần quyết định cho đảng viên, cấp ủy viên trở lại sinh hoạt mới xem xét, xử lý kỷ luật. Sau khi có bản án hoặc quyết định của tòa án hoặc kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm toán, nếu thấy cần thiết, tổ chức đảng có thẩm quyền kỷ luật xem xét lại việc kỷ luật đảng đối với đảng viên đó”.

8. Về giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng và đảng viên

- Quy định 22 bổ sung thẩm quyền giải quyết tố cáo:

+“Cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, ủy ban kiểm tra có nhiệm vụ giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng và đảng viên thuộc phạm vi quản lý của cấp ủy cùng cấp”.

+ “Trường hợp đảng viên là cấp ủy viên các cấp hoặc cán bộ thuộc diện cấp ủy các cấp quản lý đã nghỉ hưu, nếu bị tố cáo vi phạm khi đang công tác thì thẩm quyền giải quyết tố cáo được thực hiện như đang đương chức”.

- Nguyên tắc giải quyết tố cáo so với Quy định 30, Quy định 22 bổ sung:

+ Trường hợp không giải quyết tố cáo “… hoặc đã có thông báo không xem xét, giải quyết; đơn tố cáo do người tố cáo đã tự nguyện rút đơn nay tiếp tục tố cáo lại…”.

+ “Nếu đơn tố cáo giấu tên, mạo tên nhưng rõ địa chỉ, đối tượng và nội dung tố cáo thì tổ chức đảng có thẩm quyền nắm tình hình để làm cơ sở kiểm tra, giám sát đối với tổ chức đảng, đảng viên bị tố cáo”.

9. Giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng

- Về thẩm quyền giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng, Quy định 22 đã bổ sung thẩm quyền giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng đối với ủy ban kiểm tra, ban thường vụ cấp ủy cơ sở “Việc giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng được tiến hành từ ủy ban kiểm tra, ban thường vụ cấp ủy hoặc cấp ủy từ cấp cơ sở trở lên”.

- Quy định 22 bổ sung trường hợp không giải quyết khiếu nại “từ chối nhận quyết định kỷ luật hoặc quyết định giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng”.

- Về thẩm quyền chuẩn y, thay đổi hoặc xóa kỷ luật, Quy định 22 bổ sung “Ủy ban kiểm tra đảng ủy, ban thường vụ đảng ủy hoặc đảng ủy từ cấp cơ sở trở lên có thẩm quyền chuẩn y, thay đổi hoặc xóa bỏ hình thức kỷ luật đối với đảng viên, tổ chức đảng do tổ chức đảng cấp dưới quyết định”.

Ngoài những nội dung trên, Quy định còn thống nhất, quy định cụ thể thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo, đình chỉ sinh hoạt đảng, thời gian gia hạn giải quyết khiếu nại để tránh tình trạng cấp ủy, tổ chức đảng kéo dài việc giải quyết như trước đây; trong tổ chức thực hiện Ban Bí thư hướng dẫn thực hiện Quy định 22…Quy định cũng được điều chỉnh, biên tập lại một số nội dung, câu từ để tránh trùng lặp và phù hợp với các quy định mới của Đảng; một số nội dung đi sâu vào chi tiết được Ban Bí thư đưa vào hướng dẫn để tổ chức thực hiện.
 
 
 
 
 

Lê Thị Thanh Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập325
  • Máy chủ tìm kiếm66
  • Khách viếng thăm259
  • Hôm nay92,976
  • Tháng hiện tại1,666,391
  • Tổng lượt truy cập40,035,767
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây