Mỹ Tho - cái nôi của nghệ thuật cải lương

Thứ sáu - 07/01/2022 04:06
Vào đầu thế kỷ XX, ở tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) đã xuất hiện một số ban đờn ca tài tử. Tiêu biểu là Ban đờn ca tài tử Nguyễn Tống Triều (Tư Triều). Năm 1906, Ban đã được mời sang nước Pháp trình diễn tại cuộc đấu xảo được tổ chức ở thành phố cảng Mạc xây (Marseille).

Khi sang Pháp trình diễn, Ban đờn ca tài tử có 16 người gồm một người phụ trách, tám tài tử nam, năm tài tử nữ và hai em nhỏ. Nhạc cụ gồm bảy đờn tranh, một đờn kìm, một đờn đoản, một đờn cò, một đờn bầu, một đờn tì bà, một đờn tam, một thanh la và một trống cái. Ban Tư Triều đi Pháp biểu diễn với các nhạc sĩ chính gồm: Tư Triều đờn kìm, Chín Hoán đờn độc huyền, Bảy Võ đờn cò, cô Hai Nhiễu (con ông Tư Triều) đờn tranh, còn cô Ba Đắc là tài tử ca. Điểm đặc biệt của ban nhạc tài tử Tư Triều trong thời gian ở Pháp là được nhà tổ chức đưa lên sân khấu biểu diễn cho khán giả xem chứ không phải ngồi dưới sân khấu đờn hát cho khán giả nghe như ở Việt Nam.

Sau khi về nước, nghệ nhân Tư Triều sáng tạo ra một loại hình diễn xướng mới là ca ra bộ với nghĩa là diễn viên vừa ca vừa ra điệu bộ phù hợp với lời ca. Theo nhiều nhà nghiên cứu nghệ thuật, ca ra bộ là tiền thân của nghệ thuật cải lương. Từ đó, Ban đờn ca tài tử Tư Triều trở thành Ba ca ra bộ Tư Triều, được mời đi biểu diễn khắp nơi ở Nam Bộ, nhất là Sài Gòn và Mỹ Tho.

Về nghệ thuật cải lương, phải nói đến gánh hát thầy Năm Tú (Châu Văn Tú hay Pierre Tú) được thành lập năm 1918. Đây là gánh cải lương chuyên nghiệp đầu tiên ở Việt Nam. Ngay tại chợ Mỹ Tho, ông Năm Tú cho xây dựng một rạp hát với đầy đủ phương tiện, trang thiết bị nhằm phục vụ cho những buổi biểu diễn chuyên nghiệp của gánh hát do mình làm chủ. Rạp hát này có tên là rạp hát Thầy Năm Tú và đây là rạp hát cải lương đầu tiên ở nước ta. Và tối 15/3/1918, cũng chính tại rạp hát này, công chúng lục tỉnh Nam kỳ đã được xem vở cải lương đầu tiên là vở Kim Vân Kiều (có tài liệu viết vở Lục Vân Tiên) do ông Trương Duy Toản viết kịch bản.

Đồng thời, với tư duy nhạy bén của một người kinh doanh trong lĩnh vực nghệ thuật, ông Năm Tú còn sản xuất đĩa hát cải lương và đây là những đĩa hát cải lương đầu tiên ở Việt Nam. Sau khi rạp hát cải lương ra đời và nghệ thuật cải lương được công chúng đón nhận nồng nhiệt, thầy Năm Tú đã nghĩ ra cách khuếch trương tên tuổi rạp hát, đồng thời quảng bá cải lương để bộ môn nghệ thuật này tiến xa hơn. Khi đại diện hãng đĩa hát Pathé Phono của người Pháp đến rạp thầy Năm Tú xem cải lương, họ đã hài lòng trước cách tổ chức biểu diễn của ông. Chủ hãng đĩa đã đồng ý ký hợp đồng với thầy Năm Tú sản xuất đĩa hát cải lương. Lúc đó, để có thể cho dân chúng nghe đĩa một cách phổ biến, ông liên kết với các chủ sản xuất máy hát đĩa.

Để phân biệt với máy hát của Pháp, ông cho in nhãn hiệu con chó trên máy, còn trên đĩa hát thì in hình con gà trống đỏ. Đây là loại đĩa hát tiếng Hoa và Việt. Dành cho người Hoa nghe thì ông làm đĩa nhạc Hoa hoặc hòa tấu, còn loại tiếng Việt ưu tiên cho cải lương. Do đĩa có dung lượng thấp nên mỗi tuồng cải lương phải in từ 6 đến 12 đĩa. Nghe thì phải canh hết đĩa rồi lại thay. Với đĩa hát con gà trống đỏ, ông thu âm gần như đầy đủ những tuồng tích của gánh hát. Ông đã có công gắn liền tên gánh hát của mình vào đĩa hát Pathé Phono và đã phổ biến lối hát cải lương đến những nơi hẻo lánh. Ông tạo điều kiện cho những đào, kép giỏi có chỗ thể hiện tài nghệ và gầy dựng tên tuổi. Đĩa hát “Con gà trống đỏ” nào cũng khởi sự bằng câu “Alô! Bạn hát cải lương của thầy Năm Tú tại Mỹ Tho, ca cho hãng Pathé Phono nghe chơi”. Nhờ được thu âm với chất giọng mùi mẫn của cô Tư Sạng, cô Năm Cần Thơ mà các bà, các cô thính giả mê mẩn, mủi lòng. Thế là máy hát và đĩa hát bán chạy như tôm tươi. Sau mùa lúa thời đó, bà con đem tiền đến mua về để ngày Tết quây quần bên trà, bánh mà nghe đĩa hát “Con gà trống đỏ” (Theo “Con gà trống đỏ” của thầy Năm Tú” của nhà báo Thanh Hiệp đăng trên báo Người Lao Động, số ra ngày 31/01/2017).

Việc làm này của ông Năm Tú, ngoài mục đích tăng doanh thu, còn nhằm phổ biến nghệ thuật cải lương ra cả nước. Ngoài ra, trong những năm 20 của thế kỷ XX, ở Mỹ Tho còn có nhiều gánh cải lương nổi tiếng khác nữa, như Nam Đồng Ban, Tái Đồng Ban, Đồng Bào Nam, Huỳnh Kỳ,…

Từ trong cái nôi của nghệ thuật đờn ca tài tử - ca ra bộ - cải lương, ở Mỹ Tho đã sản sinh ra những tài danh cải lương tiền bối, như cố đệ nhất tài hoa cải lương Năm Phỉ (Lê Thị Phỉ), cố Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Năm Châu (Nguyễn Thành Châu), cố NSND Tư Trang (Trần Hữu Trang), cố NSND Bảy Nam (Lê Thị Nam, em của cố nghệ sĩ Năm Phỉ), cố NSND Phùng Há (Trương Phụng Hảo),…

Mỹ Tho - Tiền Giang xứng danh là cái nôi của nghệ thuật đờn ca tài tử, ca ra bộ và cải lương.

Song Lan

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập814
  • Máy chủ tìm kiếm24
  • Khách viếng thăm790
  • Hôm nay46,680
  • Tháng hiện tại1,179,327
  • Tổng lượt truy cập34,764,972
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây