Xác định thương mại, dịch vụ, du lịch có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển chung của địa phương, huyện Tân Phước đã thể hiện quyết tâm xây dựng một nền móng vững chắc bằng việc cụ thể hóa thành mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết với các chương trình, kế hoạch, phương án cụ thể, từng bước đưa lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch trở thành lĩnh vực kinh tế phát triển mạnh của huyện.
Theo đó, định hướng du lịch của huyện là phát triển loại hình du lịch sinh thái kết hợp với du lịch tâm linh, trọng tâm là khai thác du lịch tại Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười gắn với Thiền viện Trúc lâm Chánh Giác.
Trong giai đoạn 2017 - 2020, huyện Tân Phước đề ra mục tiêu: Hoàn thành quy hoạch, mời gọi đầu tư, cơ bản hình thành chuỗi du lịch sinh thái, lịch sử, tâm linh, làng nghề; khai thác có hiệu quả các tiềm năng du lịch hiện có, khuyến khích đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ phục vụ du lịch như cơ sở lưu trú, điểm dừng chân, điểm vui chơi, giải trí, ăn uống, bán hàng lưu niệm… Đến năm 2020, số lượt khách đến tham quan trên địa bàn đạt 100.000 lượt người/năm, tăng bình quân 20%/năm.
Định hướng đến năm 2025, cơ bản tạo thương hiệu Khu du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười trên thị trường du lịch của tỉnh; số lượt khách đến tham quan, du lịch trên địa bàn đạt 200.000 lượt người/năm. Chỉ sau thời gian ngắn triển khai thực hiện, huyện Tân Phước đã đạt được mục tiêu Nghị quyết, số lượng khách đến huyện tăng nhanh. Cụ thể, năm 2020 là 207.940 lượt khách.
Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 kéo dài nên ngành dịch vụ, du lịch chịu tác động nghiêm trọng, lượng du khách du lịch đến huyện giảm đáng kể (chỉ khoảng 32.210 lượt người). Khách chủ yếu đến Thiền Viện Trúc Lâm Chánh Giác để viếng Chùa, lễ Phật. Do không có dịch vụ du lịch đa dạng như: du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, ẩm thực,... Các dịch vụ vui chơi giải trí, dịch vụ ăn uống, nghỉ dưỡng chưa hình thành nên không giữ chân được khách du lịch.
Năm 2022 và những năm tới được dự báo với tình hình kinh tế trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, tiềm ẩn rủi ro do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, nhất là đại dịch COVID-19. Do đó, nhiệm vụ đặt ra cho công tác phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch của huyện rất nặng nề, đòi hỏi sự quyết tâm cao của các cấp, các ngành trong chỉ đạo tổ chức thực hiện.
Để tạo đà cho phát triển du lịch, Huyện ủy, UBND huyện Tân Phước cũng đã chủ động phối hợp cùng các đơn vị, doanh nghiệp lữ hành TP.Hồ Chí Minh tổ chức các cuộc khảo sát thực tế tại một số điểm đến du lịch tiềm năng của huyện như: Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười, Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác, tại xã Thạnh Tân; Khu du lịch sinh thái Trung Kiên, khu du lịch nghĩ dưỡng TinTin, xã Thạnh Mỹ; chùa Phật Đá, thị trấn Mỹ Phước, làng nghề kẹo khóm Tân Phước, làng nguồn nón bàng buôn xã Tân Hòa Thành...
Kết quả khảo sát cho thấy, hầu hết các đơn vị, doanh nghiệp lữ hành đều đánh giá cao tiềm năng du lịch của huyện, nhất là khả năng kết hợp giữa du lịch tâm linh và du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, ẩm thực đặc trưng của vùng sông nước Đồng Tháp Mười.
Hiện tại, huyện đang tập trung cho công tác tuyên truyền quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh du lịch của huyện bằng nhiều hình thức như: thông qua tuyên truyền miệng, xây dựng videoclip quảng bá du lịch trên các phương tiện truyền thông, thực hiện sổ tay du lịch, tuyên truyền trực quang bằng pano trên các trục đường chính...
Bên cạnh đó, huyện triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, thu hút, mời gọi đầu tư phát triển du lịch, từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, phối hợp với các Công ty lữ hành trong và ngoài tỉnh liên kết phát triển du lịch. Xây dựng các tour với các sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn hơn, mới lạ hơn, đảm bảo sau khi trãi nghiệm du khách đều muốn quay lại nhiều lần sau. Và trong bối cảnh thực hiện mục tiêu kép “vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch vừa phục hồi phát triển kinh tế”, trong định hướng phát triển du lịch, huyện Tân Phước đặt lên hành đầu nhiệm vụ đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch để du lịch Tân Phước luôn là điểm đến an toàn, hấp dẫn đối với mỗi du khách.