Chẳng hạn chế độ thai sản đối với lao động nam có vợ sinh con: Chồng được nghỉ 5 đến 14 ngày tùy trường hợp. Trong trường hợp chỉ có người chồng tham gia BHXH thì khi vợ sinh con cũng được nhận trợ cấp một lần bằng 2 tháng tiền lương cơ sở (hiện nay là 1.150.000 đồng).
Chế độ thai sản cũng mở rộng cho người mang thai hộ và người nhờ mang thai hộ. Mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cũng sẽ tăng thêm. Từ 2016 sẽ cộng thêm các khoản phụ cấp khác và đến 2018 sẽ tính trên tổng thu nhập gồm lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
Ngoài ra, các hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến BHXH cũng được quy định cụ thể hơn trong luật. Thay vì chỉ là nợ BHXH thì cụ thể các hành vi nợ, trốn đóng, gian lận BHXH. Điều này góp phần bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHXH. Bên cạnh đó cũng có nhiều quy định điều chỉnh về tỉ lệ đóng - hưởng BHXH. Theo quy định cũ, nam đóng BHXH 15 năm thì mức lương hưu bằng 45% mức lương trung bình làm căn cứ đóng lương hưu. Nhưng từ 2018, để hưởng mức 45% thì thời gian tham gia BHXH phải đủ 16 năm, tăng dần đến 2022 thì nam giới phải tham gia 22 năm để hưởng mức 45%.
Đối với người tham gia BHXH từ 01/01/2016 thuộc cơ quan Nhà nước thì lấy mức lương bình quân 15 năm cuối để tính hưởng lương hưu thay vì bình quân 5 năm cuối như trước kia. Đây là một trong những quy định bảo đảm tính công bằng giữa những người tham gia BHXH.
Về mức tiền lương tính đóng BHXH sắp tới sẽ gồm lương và phụ cấp lương thay vì lương cơ bản. Hiện nay ở phần lớn các doanh nghiệp, bảng lương làm căn cứ đóng thuế và bảng lương để tính đóng BHXH là hai bảng lương khác nhau. Thường thì mức lương cơ bản để tính đóng BHXH thấp hơn nhiều so với thu nhập thực tế, chỉ ngang bằng hoặc cao hơn rất ít so với mức lương tối thiểu. Điều này kéo theo các chế độ tai nạn lao động, thai sản, thất nghiệp và lương hưu của người lao động tính theo mức lương làm căn cứ tính đóng BHXH không đảm bảo, nhiều người hưởng lương hưu dưới mức thu nhập hộ nghèo.
Việc quy định tiền lương làm căn cứ tính đóng BHXH phải dựa trên lương và phụ cấp tất nhiên sẽ làm tăng chi phí của doanh nghiệp nhưng giúp cho người lao động hưởng mức lương hưu cao hơn, đủ đảm bảo đời sống của người lao động khi về già, hết tuổi lao động. Ngoài ra, các chế độ trợ cấp rủi ro khác như tai nạn, ốm đau, thất nghiệp và chế độ thai sản sẽ cao hơn đáng kể, cho nên đây là quy định hoàn toàn có lợi cho người lao động, thể hiện tính nhân văn của luật đối với cộng đồng.
Tuy nhiên, người lao động cũng không khỏi băn khoăn vì phải đóng BHXH cao hơn khi quy định này có hiệu lực, tiền lương thực nhận giảm đi do phải đóng thêm tiền BHXH. Vấn đề này, người lao động cần thấy rằng mình chỉ đóng góp thêm một phần nhỏ so với phần đóng góp của doanh nghiệp. Người lao động đóng 10,5% lương vào BHXH, còn doanh nghiệp phải chi thêm 22% để đóng góp vào quỹ BHXH cho người lao động. Do đó, người lao động cần nắm và hiểu luật để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho mình.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn