Trong bộ 19 tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, tiêu chí 15 về y tế quy định tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế đạt 70% và trạm y tế xã phải đạt 10 tiêu chuẩn quốc gia về y tế. Chính vì những tiêu chí đã được “đóng khung”, nên mỗi địa phương khi tiến hành xây dựng NTM thì tiêu chí này cũng dần dần được hoàn thiện. Theo đó, cơ sở hạ tầng và trang thiết bị được đầu tư khá đồng bộ, cơ sở vật chất của nhiều trạm y tế xã được xây dựng theo đúng diện tích và quy mô, đội ngũ cán bộ ngành y tế thường xuyên được bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Song song với việc đầu tư về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, các nguyên tắc ứng xử với người bệnh, với người nhà bệnh nhân cũng được các trạm y tế chú trọng thực hiện đúng với tinh thần “lương y như từ mẫu”; không phân biệt bệnh nhân đóng bảo hiểm y tế và bệnh nhân thường; các loại thuốc trong danh mục bảo hiểm y tế luôn đảm bảo đầy đủ. Việc khám và điều trị cho đối tượng chính sách, người cao tuổi, người nghèo, người khuyết tật... được các trạm y tế đặt lên trên hết, bước đầu đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân, giải quyết được một lượng lớn bệnh nhân đến khám tại các trạm, góp phần giảm tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến trên. Nói về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Chen - Trưởng trạm y tế xã Tân Phú (TX. Cai Lậy) cho biết: “Khi xã tiến hành xây dựng NTM thì trạm y tế cũng được quan tâm đầu tư về mọi mặt. Bệnh nhân đến ngày càng đông và tin tưởng nhiều hơn vào đội ngũ y, bác sỹ cũng như chất lượng khám chữa bệnh. Từ đó, nhân viên trạm y tế cũng tự tin hơn và giảm được áp lực khi bị bệnh nhân phàn nàn về chất lượng thuốc, cơ sở vật chất tại các trạm y tế như trước đây”.
Trạm y tế xã Tân Thanh, huyện Cái Bè được xây dựng khang trang Nhờ sự đầu tư về cơ sở vật chất cũng như trình độ đội ngũ y, bác sỹ nên các trạm y tế cũng dần dần được khẳng định, phát huy đúng vai trò khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân ở tuyến cơ sở. Nhiều trạm y tế đã khám, chữa được nhiều bệnh phức tạp, không cần phải chuyển lên tuyến trên như những năm trước đây. Người dân càng tin tưởng, đến khám và điều trị ngày càng nhiều hơn. Bà Nguyễn Thị Lùng xã Thanh Bình (Chợ Gạo) cho biết: “Tôi bị nhức lưng, thoái hóa cột sống hàng tháng tới đây 2 - 3 lần. Trước đây, lâu lắm tôi mới tới đây 1 lần vì cơ sở vật chất xuống cấp, thuốc men không đủ để uống, nhưng từ khi xã tiến hành xây dựng NTM thì trạm y tế có sự thay đổi hẳn, muốn khám bệnh gì ở đây bác sỹ cũng làm được, thuốc uống thuyên giảm hẳn. Giờ có bảo hiểm y tế, cứ hết thuốc là tôi đến đây khám, lấy thuốc về uống khỏi phải đi xuống huyện hay lên tỉnh như trước đây nữa”.
Còn ông Nguyễn Văn Tính xã Tân Thanh (Cái Bè) cũng vui mừng không kém. Ông Tính nói: “Trạm y tế xã bây giờ không còn ọp ẹp như trước nữa mà được đầu tư xây mới, có máy đo điện tim, máy siêu âm và cả xe cấp cứu nữa. Bây giờ, người dân nơi đây tin tưởng trạm y tế này dữ lắm. Thái độ y, bác sỹ cũng thay đổi hẳn, niềm nở, vui vẻ, khám bệnh nhiệt tình, hướng dẫn cặn kẽ. Đúng là xây dựng NTM thì bà con nhân dân chúng tôi được hưởng lợi từ chương trình này rất nhiều”.
Với chỉ tiêu đến năm 2020 Tiền Giang có 50% số xã đạt chuẩn NTM, đây là một tín hiệu đáng mừng, bởi khi tiến hành xây dựng NTM ngoài các thiết chế văn hóa thì trạm y tế cũng được quan tâm đầu tư đúng mức, đầy đủ trang thiết bị cùng với đội ngũ nhân viên y tế tận tụy, chất lượng khám chữa bệnh ngày càng được nâng cao. Từ đó, các trạm y tế tại các địa phương sẽ phát huy đúng vai trò, trách nhiệm của mình trong việc khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.