Theo Ban tổ chức, hội thảo lần này thu hút đông đảo các nhà khoa học và các đại biểu trên cả nước nhằm vào các mục tiêu trao đổi, góp ý để làm rõ thêm những nội dung: hiểu thế nào về dạy chữ, dạy người; hiểu thế nào về mối quan hệ giữa dạy chữ và dạy người; các giải pháp để khắc phục hạn chế, phát huy ưu điểm nhằm đưa nền giáo dục nước nhà tiến lên.
Theo Giáo sư Phạm Minh Hạc, dạy chữ, dạy người, cộng với dạy nghề chính là nhằm nâng cao giá trị bản thân từng cá nhân trong cộng đồng xã hội. Đó cũng nhằm vào mục tiêu giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tương lai như Nghị quyết Trung ương 8, khóa XI của Đảng vừa thông qua vào ngày 4/11/2013. Giáo sư Phạm Minh Hạc cũng trao đổi các vấn đề thiết thực liên quan hiện trạng giáo dục, chất lượng giáo dục, những hạn chế cần khắc phục và những khó khăn cần tháo gỡ trong năm 2014 và những năm tiếp theo.
Cô Phạm Thị Tuyết Vân, giáo viên Trường THCS Trịnh Hoài Đức (Tiền Giang) bàn về thực trạng và đề xuất giải pháp đổi mới “dạy chữ”, “dạy người”, “dạy nghề” ở trường trung học cơ sở, trong đó chú trọng đổi mới về nội dung, hình thức giảng dạy góp phần đào tạo những thế hệ trẻ vừa hồng vừa chuyên, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Ông Trần Quang Kiểm, Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục thành phố Hải Phòng nêu thực trạng và đề xuất giải pháp khả thi để nâng cao chất lượng “dạy người - dạy chữ - dạy nghề” trong giáo dục phổ thông. Ông Kiểm nhấn mạnh việc chống xuống cấp về đạo đức trong học sinh các trường phổ thông, xây dựng lối sống lành mạnh, nêu cao vai trò “mỗi thầy cô giáo là một tấm gương sáng cho các em học sinh noi theo”.
Ông Nguyễn Văn Tường, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học tâm lý giáo dục thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị các ngành, các cấp hữu quan cần nâng cao chất lượng dạy chữ, dạy nghề, dạy người thông qua những giải pháp hợp lý và khả thi.
Tổng cộng có trên 500 tham luận được gởi đến Ban tổ chức đã nêu bật được tầm quan trọng và vai trò gắn kết giữa dạy chữ - dạy người - dạy nghề thời kỳ đổi mới và hội nhập, là bước ngoặt, nấc thang để đưa sự nghiệp giáo dục và đào tạo lên một bước mới, đưa đất nước tiến nhanh trên con đường công nghiệp hóa - hiện đại hóa; thể hiện sự quan tâm của các nhà khoa học giáo dục, các cấp, các ngành và nhân dân nhằm giáo dục, rèn luyện và đào tạo nguồn nhân lực trẻ trong thời gian tới, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm lâu nay.
Hội thảo này nằm trong kế hoạch tuyên truyền, vận động, giáo dục, đưa Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về giáo dục vào đời sống, tạo những hiệu ứng tốt để ngành giáo dục vươn lên, góp phần đưa sự nghiệp cách mạng đi lên vững chắc.