Các mục tiêu cụ thể là phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH; 35% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và trên 80% dân số tham gia BHYT. Quản lý, sử dụng đúng quy định và có hiệu quả quỹ BHYT nhằm bảo đảm quỹ BHXH cân đối trong dài hạn, quỹ BHYT cân đối hàng năm. Tiêu chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ và quản lý đối tượng, trong đó lưu ý đảm bảo chậm nhất đến năm 2015 phải hoàn thành việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động của các cơ quan BHXH trong toàn ngành. Mỗi người tham gia BHXH, BHYT được cấp một số định danh và thống nhất với số định danh công dân do Nhà nước quy định để phục vụ và quản lý quá trình thu, giải quyết chính sách, chi trả các chế độ BHXH, BHTN, BHYT một cách chính xác và thuận tiện. Kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy ngành BHXH Việt Nam, nâng cao năng lực quản lý và thực thi công vụ của đội ngũ CBCCVC để tổ chức thực hiện; góp phần đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững của chính sách BHXH, BHYT… Hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin để giải quyết các chính sách, chế độ BHXH, BHYT theo lộ trình chậm nhất đến năm 2015 đảm bảo liên thông, kết nối thông tin giữa các đơn vị BHXH trên địa bàn tỉnh, thành phố; chậm nhất đến năm 2017 liên thông, kết nối thông tin giữa các đơn vị trong toàn ngành BHXH trên phạm vi cả nước; chậm nhất đến năm 2020 liên thông, kết nối thông tin giữa các cơ quan thuộc ngành BHXH Việt Nam với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT thuộc ngành y tế và các đơn vị tổ chức thực hiện chế độ, chính sách BHTN thuộc ngành lao động.
Chiến lược phát triển ngành BHXH Việt Nam đến năm 2020 đưa ra các giải pháp chủ yếu để phát triển ngành như: Phát triển số người tham gia BHXH, BHYT; hoàn thiện quy trình nghiệp vụ quản lý và thủ tục giải quyết chế độ, chính sách BHXH, BHYT; đổi mới phương thức tổ chức thu BHXH, BHYT tự nguyện và chi trả chế độ lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp hàng tháng qua tổ chức dịch vụ công ích của nhà nước, đảm bảo tính chuyên nghiệp cao; củng cố và tăng cường quản lý quỹ BHXH, BHYT; đẩy mạnh đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin theo từng giai đoạn (giai đoạn 2013 - 2015 và 2016 - 2020) từng bước hiện đại hóa hệ thống quản lý BHXH, BHYT; đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống trụ sở làm việc đáp ứng nhu cầu phát triển và hiện đại hóa của ngành BHXH Việt Nam; kiện toàn, nâng cao hiệu quả hệ thống tổ chức bộ máy BHXH các cấp, phát triển nguồn nhân lực, ổn định chế độ thu nhập đối với CBCCVC và người lao động; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT; phát triển công tác nghiên cứu khoa học và mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực BHXH, BHYT.
Tại Tiền Giang, ngành BHXH tỉnh đã áp dụng thực hiện hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 và chi trả chế độ lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp hàng tháng qua hệ thống bưu điện từ tháng 7 năm 2013.