Trọng tâm là tăng cường bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ, hội viên đông y theo các chương trình của Trung ương Hội Đông y Việt Nam, đẩy mạnh việc thừa kế và cho thừa kế các bài, phương thuốc, phương pháp chữa trị hiệu quả bằng y học cổ truyền kể cả dùng thuốc và không dùng thuốc, xây dựng và nhân rộng phong trào trồng và sử dụng thuốc nam trong nhân dân... Bên cạnh đó, khuyến khích các cơ sở sản xuất thuốc đông dược trong tỉnh tăng cường đầu tư cơ sở sản xuất, đảm bảo chất lượng và hiệu quả điều trị của thuốc thành phẩm phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh nhân dân.
Bác sĩ Trịnh Thị Mai cũng cho biết, cụ thể hóa chủ trương của Trung ương Hội về nâng chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân và phát huy vốn quí nền y học cổ truyền, Hội Đông y tỉnh Tiền Giang đã kiện toàn mạng lưới Hội từ tỉnh đến cơ sở, đang phát huy tốt vai trò và nhiệm vụ được giao. Hội Đông y cấp tỉnh, huyện đều có Phòng chẩn trị đầy đủ trang thiết bị, cán bộ chuyên môn, lương y giàu kinh nghiệm đảm bảo khám và chữa bệnh phục vụ bệnh nhân với hiệu quả cao. Ngoài ra, trong tỉnh cũng có 5 cơ sở sản xuất thuốc đông dược với 46 mặt hàng thuốc đông y và thực phẩm chức năng được Bộ Y tế cấp phép lưu hành toàn quốc và 28 mặt hàng thuốc thành phẩm được phép lưu hành trong tỉnh. Để đẩy mạnh phong trào “trồng và sử dụng thuốc nam” trong nhân dân, toàn tỉnh xây dựng được 343 vườn thuốc nam mẫu qui tụ từ 40 đến 60 loại cây thuốc/vườn, tổng diện tích trên 30.000 m2.
Trong năm qua, Hội Đông y tỉnh đã thừa kế được 25 đề tài nghiên cứu chữa bệnh hiệu quả bằng y học cổ truyền của các vị lương y trong tỉnh, đã tổ chức khám chữa bệnh bằng đông y cho trên 7,4 triệu lượt người trong đó điều trị bằng thuốc trên 4,7 triệu lượt người, còn lại điều trị bằng phương pháp không dùng thuốc; đã bốc trên 8 triệu thang thuốc trong đó có trên 2,5 triệu thang thuốc miễn phí phục vụ bệnh nhân nghèo. Nhờ đó, tỉnh đã nâng tỉ lệ khám chữa bệnh bằng đông y lên 7,5% tuyến tỉnh, 22% tuyến huyện và 35% tuyến xã, phường trong tổng số bệnh nhân khám điều trị tại các cơ sở y tế.
Việc nâng chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân bằng y học cổ truyền cũng góp phần giảm tải cho các cơ sở khám chữa bệnh và bệnh viện trong tỉnh cũng như giảm chi phí điều trị đối với bệnh nhân.