Với những thắng lợi đã giành được trong hơn 90 năm qua, nước ta từ một xứ thuộc địa nửa phong kiến đã trở thành quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa; Nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội; đất nước ta đã ra khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, có quan hệ quốc tế rộng rãi, có vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới.
Đại hội XIII của Đảng (2021) đánh giá: “Nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam ngày càng hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa. Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống Nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Kinh tế vĩ mô ổn định, tốc độ tăng trưởng khá cao; chất lượng được cải thiện. Quy mô nền kinh tế tăng lên: Năm 1955: 6,3 tỷ USD, 1986: 26,88 tỷ USD, 2020: 343,6 tỷ USD (Theo đánh giá lại quy mô nền kinh tế của Tổng Cục Thống kê, năm 2020).
Hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế. Tháng 7/1995: Việt Nam chính thức trở thành thành viên ASEAN. Tháng 11/1998: Việt Nam chính thức trở thành thành viên APEC. Tháng 01/2007: Việt Nam chính thức trở thành thành viên WTO. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ kinh tế, thương mại với hơn 230 quốc gia và vùng lãnh thổ, ký kết gần 100 hiệp định thương mại song phương.
Quy mô giáo dục và mạng lưới cơ sở giáo dục ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Việt Nam đã đạt kết quả tích cực trong công tác giáo dục phổ cập và xóa mù chữ. Tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi 15-60 là 97,65%. Chất lượng nguồn nhân lực được cải thiện, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 40% (năm 2015) lên khoảng 65% (năm 2020); tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ tăng từ 20,3% (2015) lên 24% (2019).
Khoa học và công nghệ tiếp tục có những bước tiến quan trọng, đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việt Nam đã có quan hệ hợp tác về khoa học và công nghệ với hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ; là thành viên của hơn 100 tổ chức quốc tế và khu vực về khoa học - công nghệ.
An sinh xã hội và phúc lợi xã hội được bảo đảm tốt hơn. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, từ 70% (1990) xuống còn 3% (2020). Thu nhập bình quân đầu người: 1985: 159 USD, 1990: 182 USD, 2020: 3.521 USD (Theo đánh giá lại của Tổng Cục Thống kê).
Lĩnh vực y tế đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao sức khỏe cho Nhân dân cả về vật chất, tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống.
Tỷ lệ bác sĩ trên 1 vạn dân tăng từ 3,5 người (1990) lên 9 người (2020). Số giường bệnh trên 1 vạn dân từ 21,9 giường bệnh (2010) lên 28 (2020). Tuổi thọ trung bình từ 72,9 tuổi (2010) lên 73,7 (2020). Chỉ số phát triển con người (HDI) hiện xếp 110/189 nước (2019).
Tiềm lực quốc phòng, an ninh ngày càng được củng cố và tăng cường; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh Nhân dân được củng cố vững chắc.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ, quyết liệt, tạo nhiều chuyển biến tích cực, củng cố được niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Ngăn chặn, đẩy lùi một bước tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí có bước đột phá, đạt nhiều kết quả nổi bật, đã trở thành phong trào, ngày càng đi vào chiều sâu; tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, được cán bộ, đảng viên, Nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao và được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có nhiều tiến bộ, sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp ngày càng hợp lý hơn; tổ chức bộ máy được sắp xếp lại tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn.
Thực tiễn Cách mạng Việt Nam cho thấy, nếu xa rời, vận dụng không sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn Việt Nam, không có đường lối đúng đắn, khoa học của Đảng thì ý chí, khát vọng phát triển không được phát huy đầy đủ, trọn vẹn. Ngày nay, ý chí, khát vọng phát triển của dân tộc Việt Nam còn phải được dựa trên đường lối đổi mới toàn diện, đúng đắn của Đảng. Thực tế gần 35 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng lòng, nhất trí của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn về tất cả các mặt kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng, bảo vệ môi trường,... rất đáng tự hào. Cơ hội, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế của dân tộc ta ngày càng được nâng cao, củng cố. Phương châm Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế được nhân dân thế giới đồng tình ủng hộ. Tất cả những điều đó cho thấy đường lối đổi mới toàn diện của Đảng là hoàn toàn đúng đắn. Đường lối đổi mới đó cũng là sự thể hiện sinh động cho việc hiện thực hóa có hiệu quả ý chí, khát vọng phát triển của dân tộc trong tình hình mới.
Trong bối cảnh phức tạp của tình hình thế giới và trong nước hiện nay, việc phát huy ý chí, khát vọng phát triển, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại có ý nghĩa vô cùng quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dân tộc ta vốn có truyền thống đoàn kết, yêu nước nồng nàn, ý chí vươn lên. Vì vậy, hơn bao giờ hết, chúng ta phải phát huy cao độ truyền thống yêu nước và cách mạng, tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để xây dựng, phát triển đất nước trở thành một quốc gia giàu mạnh. Một nước Việt Nam “độc lập, tự do, hạnh phúc” và phát triển.