Liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ trái cây vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Thứ ba - 16/08/2016 04:52
Nhằm tìm giải pháp nâng chất lượng trái cây tham gia thị trường, đồng thời giải quyết đầu ra cho nông sản hàng hóa, ngày 12-8, tại TP Mỹ Tho, Tiền Giang, Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ với chủ đề “Liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ trái cây vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.
Thương lái thu mua thanh long ở huyện Chợ Gạo. Ảnh: baoapbac.vn
Thương lái thu mua thanh long ở huyện Chợ Gạo. Ảnh: baoapbac.vn
Toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện có trên 307.000 ha cây ăn quả, chiếm tỉ lệ 37,5% diện tích cây ăn quả cả nước với sản lượng hàng năm khoảng 3,5 triệu tấn quả các loại. Những tỉnh có diện tích cây ăn quả lớn: Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bến Tre,… với các cây ăn quả chủ lực có giá trị kinh tế cao: chuối, xoài, cam, dứa (khóm), bưởi, thanh long,…
 
Thời gian qua, để phát huy tiềm năng và thế mạnh kinh tế vườn, các tỉnh, thành trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều giải pháp quan trọng trong đó chú trọng ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trên nhiều lĩnh vực: chọn giống tốt, thâm canh theo hướng GAP, xử lý cho trái rải vụ,… Chỉ riêng về sản xuất theo hướng GAP, toàn vùng có gần 9.400 ha thanh long, trên 150 ha xoài, gần 50 ha sầu riêng, trên 120 ha nhãn đã được cấp chứng nhận VietGAP hoặc GlobalGAP.
 
Trái cây Việt Nam cũng đã xuất khẩu sang nhiều nước trên khắp thế giới, kim ngạch ngày càng tăng. Năm 2015, nước ta xuất khẩu trái cây đến 60 nước và vùng lãnh thổ, kim ngạch đạt trên 1,8 tỉ USD, tăng gần 8 lần so với năm 2005. Chỉ riêng 7 tháng đầu năm 2016, Việt Nam xuất được gần 1,4 tỉ USD trái cây, tăng 135,5% so cùng kỳ.
 
Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy, khâu yếu nhất hiện nay là sự liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ còn lỏng lẻo, kém bền vững; nông dân có tình trạng “chạy theo phong trào” trong đầu tư trồng cây ăn quả, công tác giống và quản lý chất lượng nhiều bất cập. Ông Lê Hoàng Anh, nông dân trồng xoài ấp Mỹ Hưng Hòa, xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp canh tác 1,2 ha xoài cát chu, mỗi năm sản lượng 15 tấn quả. Theo ông Lê Hoàng Anh, băn khoăn lớn nhất của nhà vườn là giải quyết đầu ra của trái xoài. Việc tiêu thụ chủ yếu lệ thuộc vào thương lái, giá cả do vậy bấp bênh, không ổn định và nông dân vùng chuyên canh luôn thua thiệt.
 
Nông dân Vu Suổi, xã Hỏa Tiến, TP Vị Thanh có 6 ha khóm Cầu Đúc - một thương hiệu trái cây nổi tiếng của tỉnh Hậu Giang, mỗi năm đạt sản lượng từ 90 đến 120 tấn quả, trừ chi phí còn lãi khoảng 100 triệu đồng. Ông Suổi cho biết, bà con vùng chuyên canh “tự sản, tự tiêu” là chính. Vào lúc thu hoạch rộ, nông dân còn phải chạy tìm thương lái thậm chí đem sản phẩm bán lẻ tại các chợ nông thôn, phần khác cung cấp cho các nhà máy chế biến nhưng không nhiều lắm. Đó là những nguyên nhân tác động giá khóm có lúc xuống rất thấp. Ông Suổi kiến nghị: Nhà nước đầu tư thêm nhà máy chế biến sản phẩm, tăng cường mối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, chuyển giao kỹ thuật thâm canh… nhằm bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản, bà con hưởng lợi, an tâm sản xuất.
 
Ông Dương Cảnh Dân, Tổ hợp tác kinh tế vườn Hòa Lợi, xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long chia sẻ cùng đại biểu diễn đàn kinh nghiệm thực tế trong liên kết sản xuất và tiêu thụ nhãn IDO thành công. Đó là về phía tổ hợp tác cần mở rộng quy mô sản xuất theo hướng VietGAP, GlobalGAP… tạo ra sản phẩm có chất lượng và sản lượng đủ lớn cung ứng theo nhu cầu doanh nghiệp. Về phía nhà nước và doanh nghiệp, cần hỗ trợ tổ hợp tác các vấn đề quan trọng và cần thiết: xúc tiến thương mại, thông tin quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu, hợp đồng bao tiêu chặt chẽ trên cơ sở các đối tác cùng có lợi…
 
Chia sẻ cùng nông dân, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đạt, Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết, để phát triển trái cây tươi Việt Nam theo hướng bền vững trong bối cảnh Hiệp định TPP, những việc cần làm trước mắt là: Đẩy mạnh hợp tác hóa trên lĩnh vực sản xuất cây ăn quả, áp dụng tiến bộ kỹ thuật xử lý rải vụ, thâm canh theo hướng GAP đồng thời phát huy vai trò doanh nghiệp trong liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ. Có vậy mới giúp ngành cây ăn quả nói chung phát triển mạnh, bền vững, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội.
 
Theo Cục Trồng trọt, từ khảo sát tiềm năng cây ăn quả cũng như thực tế những vướng mắc, khó khăn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong thời gian tới, nhiều giải pháp quan trọng được đưa ra trên cơ sở định hướng xây dựng vùng chuyên canh, tăng cường đầu tư kiến thiết hạ tầng gắn với xây dựng nông thôn mới, hình thành quan hệ liên kết theo chuỗi. Trong đó, Cục quan tâm tham mưu cùng bộ, ngành Trung ương có liên quan tăng cường liên kết sản xuất, điều hành hiệu quả rải vụ thu hoạch, quản lý tốt qui hoạch phát triển cây ăn quả vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, tăng cường công tác nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và xúc tiến thương mại, nghiên cứu về giống và cung ứng giống tốt cũng như đưa các chính sách phát triển cây ăn quả thực sự đi vào đời sống.                                                                             

Minh Trí

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập408
  • Thành viên online1
  • Máy chủ tìm kiếm16
  • Khách viếng thăm391
  • Hôm nay95,755
  • Tháng hiện tại1,174,737
  • Tổng lượt truy cập34,760,382
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây