Những cung bậc cảm xúc trong thơ xuân của các thi sĩ Tiền Giang

Chủ nhật - 24/02/2019 11:14
Mùa xuân là thời khắc giao hòa của đất trời cùng với bao cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, cây cối đâm chồi nảy lộc, là mùa của những khởi đầu. Mùa xuân cũng là lúc tâm hồn con người mở ra, mùa của tình yêu tuổi trẻ cùng bao ước mơ, hy vọng. Cũng chính vì thế mà mùa xuân từ lâu đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận của các nhà thơ. Đọc thơ xuân của các thi sĩ Tiền Giang, chúng ta bắt gặp rất nhiều cung bậc cảm xúc cùng những cảm nhận tinh tế và hết sức thi vị về mùa xuân.
Các nhà thơ Tiền Giang và các bạn sinh viên trong Ngày thơ Việt Nam 2019
Các nhà thơ Tiền Giang và các bạn sinh viên trong Ngày thơ Việt Nam 2019
Mùa xuân của thiên nhiên hòa quyện cùng xuân của lòng người làm nên mùa xuân bất diệt của đất nước. Có lẽ vì thế nên thơ xuân của nhiều thi sĩ hay được bắt đầu bằng tình yêu quê hương nồng nàn, chan chứa tình yêu cuộc sống. Viết về con đường Hùng Vương nối dài đang mở ra hướng phát triển mới cho đô thị Mỹ Tho trong tương lai, nhà thơ Lê Ái Siêm nghe rạo rực những niềm vui khấp khởi:

Con đường mới mở ra thôi
Mà như mở cả khoảng trời mùa xuân
Cho ta rạo rực bàn chân…

(Nơi con đường mới mở)

Thời khắc giao thừa thiêng liêng cũng là lúc nhà thơ lắng nghe mùa xuân đất trời, trải lòng mình với thiên nhiên và chiêm nghiệm về cuộc sống:

Giao thừa ta lắng nghe trời
Muôn ngàn thiên thể nói lời xa xăm
Giao thừa nghe đất tri âm
Kể bao nhiêu chuyện thăng trầm biển dâu.

(Giao thừa - Trần Công Tùng)

Không gian mùa xuân ở phương Nam được các nhà thơ khắc họa bằng những nét chấm phá độc đáo và sống động trong tiết sang mùa. Thời gian ấy báo hiệu mùa màng bội thu, con người tràn sức sống, vạn vật như vui cùng trời đất với những màu sắc rực rỡ nhất.

Cánh đồng lúa trổ đầy bông
Đọt khoai, đậu bắp lên giồng xanh xanh
Cho chùm khế ngọt đầu cành…
Giàn hoa thiên lý
Hương chanh
Tóc thề…

(Qua ngõ xuân giêng - Liên Phương)

Đường hoa Xuân Kỷ Hợi 2019 "nơi con đường mới mở" trong thơ của tác giả Lê Ái Siêm.

Tết là mùa đoàn viên, sum họp, ai cũng muốn được về bên cạnh người thân và gia đình. Thế nhưng vẫn có những người con xa quê, mỗi khi xuân về lại đau đáu nỗi mong nhớ quê nhà. Nhà thơ Phạm Chí nhìn thấu và sẻ chia nỗi lòng của cô gái xa quê trong chiều 30 Tết:

Quán vắng teo ngồi tựa nắng lưa thưa
Khói cà phê quẩn quanh mùa giáp tết
Em làm sao vá lòng nhớ thương da diết
Ngồi phương xa đau đáu phút giao thừa...

(Viết ở quán cà phê chiều)

Tết là mùa đoàn viên nên vì thế mà mỗi độ xuân về, chúng ta lại khao khát được trở về với những ký ức tuổi thơ, với những gì gần gũi, thân thương và yên bình nhất:

Trở về
Ngả đầu vào mùa xuân bình yên
Tay mẹ dịu dàng thơm lừng hương chuối mật
Mùi khói rơm căng đầy lồng ngực
Chiếc bánh phồng ngọt ngào giòn giã tiếng cười đêm.

(Trên dấu chân mùa xuân - Lá Me)

Mùa xuân cũng là mùa của tình yêu đôi lứa, khi mà khắp nơi muôn hoa bừng nở, thiên nhiên căng tràn sức sống, trời đất dường như cũng trở nên đa tình. Nhưng đâu đó vẫn có những trái tim khắc khoải chờ nhau với bao điều ước hẹn:

Tết này, người có về Mỹ Tho không?
Để đưa em thăm lại cồn Tân Long
Chuyến đò cuối năm chở đầy hoa trái
Chở những hẹn hò, lưu luyến, hoài mong…

(Tết này người có về? - Nguyễn Thị Ngọc Tiếp)

Tiền Giang tưng bừng pháo hoa chào năm mới là một trong những nguồn cảm hứng 
cho các nhà thơ.

Mới hay mùa xuân không chỉ có niềm vui, niềm hạnh phúc. Đôi khi tâm hồn nhạy cảm của nhà thơ lại cảm thấy bùi ngùi, lẻ loi, tiếc nuối trong thời khắc giao thừa:

Cuối đêm ba mươi,
Đám trẻ hí hửng đùa vui, quay cuồng bật nắp bia nghiêng ngả
Quên bẵng người mẹ già
Đón giao thừa cùng bóng đêm góa bụa
Da diết nhớ về ánh lửa bập bùng bên nồi bánh tét ngày xưa

(Mẹ và cuối đêm ba mươi - Trần Thị Ngọc Hồng)

Đọc thơ xuân của các thi sĩ ở Tiền Giang có thể thấy, mặc dù cùng khai thác và lấy cảm hứng từ mùa xuân, nhưng mùa xuân với mỗi nhà thơ có những cảm nhận rất riêng, được tái tạo từ những góc nhìn và những cung bậc tình cảm khác nhau. Chính những khác biệt này đã góp phần tạo nên những nét độc đáo riêng, thể hiện tài năng và cá tính sáng tạo của mỗi tác giả. Đọc thơ xuân của các thi sĩ để đồng cảm, sẻ chia và khám phá vẻ đẹp tâm hồn của mỗi nhà thơ.

Như Mai

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập680
  • Máy chủ tìm kiếm21
  • Khách viếng thăm659
  • Hôm nay67,273
  • Tháng hiện tại1,199,920
  • Tổng lượt truy cập34,785,565
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây