Ban tổ chức hội thảo nhận được 21 bài tham luận của các tác giả Trường Đại học Trà Vinh, Trường Đại học Đồng Tháp, Trường Đại học Tiền Giang. Các tham luận của hội thảo tập trung vào các nội dung chính như: Diện mạo văn hóa dân gian Tiền Giang (văn học dân gian, nghệ thuật tạo hình dân gian, tri thức dân gian, tín ngưỡng, phong tục dân gian, trò chơi dân gian); Những giá trị và giải pháp bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa dân gian Tiền Giang.
Tại hội thảo, có 9 báo cáo được trình bày và thảo luận sôi nổi như: Truyền thuyết và giai thoại - thành tố quan trọng của văn hóa dân gian Tiền Giang (TS. Nguyễn Phúc Châu); Những đặc tính của văn hóa dân gian Tiền Giang (ThS. Hà Danh Hùng); Tri thức dân gian ở Tiền Giang về trang phục, nhà ở và đi lại (ThS. Nguyễn Tấn Linh); Ca dao, dân ca Tiền Giang (ThS. Cao Thị Tuyết Loan); Ảnh hưởng của tín ngưỡng dân gian trong đời sống tâm linh người Việt ở Tiền Giang (ThS. Lê Thị Son); Tín ngưỡng thờ thần hộ mạng ở Tiền Giang (ThS. Lê Thị Thanh Thảo); Tìm hiểu về nghệ thuật kiến trúc dân gian ở Tiền Giang (ThS. Nguyễn Thị Thúy Hằng); Văn hóa chợ ở Tiền Giang (ThS. Võ Văn Sơn),…
Hội thảo cũng đã trao đổi, thảo luận về các vấn đề liên quan đến việc bảo tồn, phát huy văn hóa dân gian Tiền Giang (công tác sưu tầm, giải pháp bảo tồn giá trị văn hóa lễ hội, giá trị về tín ngưỡng, phong tục, nghệ thuật dân gian truyền thống).
TS. Nguyễn Phúc Nghiệp cho biết: Trong công cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm cũng như trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc, văn hóa dân gian Tiền Giang như là yếu tố cốt lõi nuôi dưỡng tâm hồn, tình cảm, sức sống và hoài vọng của con người Tiền Giang và cũng nhờ sức mạnh của văn hóa dân gian mà con người Tiền Giang có thể vững vàng, tồn tại trước thử thách khắc nghiệt của lịch sử. Do vậy, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân gian Tiền Giang là nhiệm vụ vừa mang tính cấp bách, vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài.