Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 được Quốc hội khóa XV, Kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 27/11/2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024. Để triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành các Nghị định, Thông tư, Kế hoạch để tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật, các văn bản dưới luật đến các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân triển khai các văn bản đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
Về phạm vi điều chỉnh của Luật: Luật Tài nguyên nước năm 2023 quy định về quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nước dưới đất dưới đáy biển và nước biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nước khoáng, nước nóng thiên nhiên không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật.
Về bố cục, nội dung cơ bản của Luật: Luật Tài nguyên nước năm 2023 gồm 10 chương và 86 điều, cụ thể như sau:
Chương I. Quy định chung, gồm 08 điều (từ Điều 1 đến Điều 8) quy định về: phạm vi điều chỉnh của Luật; giải thích từ ngữ; nguyên tắc quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra; danh mục lưu vực sông, danh mục nguồn nước; chính sách của nhà nước về tài nguyên nước; phát triển khoa học, công nghệ trong quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra; hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia; những hành vi bị nghiêm cấm.
Chương II. Điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch về tài nguyên nước, gồm 12 điều (từ Điều 9 đến Điều 20), chia làm 02 Mục, quy định về: hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước; tổ chức thực hiện điều tra cơ bản tài nguyên nước; chiến lược tài nguyên nước quốc gia; quy hoạch về tài nguyên nước; căn cứ lập quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh; nguyên tắc lập quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh; nhiệm vụ lập quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh; nội dung của quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh; tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh; công bố, tổ chức thực hiện quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh; rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh; phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra trong quy hoạch tỉnh.
Chương III. Bảo vệ tài nguyên nước và phục hồi nguồn nước, gồm 14 điều (từ Điều 21 đến Điều 34), quy định về: bảo vệ nguồn nước mặt; chức năng nguồn nước; hành lang bảo vệ nguồn nước; dòng chảy tối thiểu; bảo đảm lưu thông của dòng chảy; bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt; bảo vệ chất lượng nguồn nước trong sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, khai thác khoáng sản và các hoạt động khác; bảo vệ nguồn nước có chức năng bảo vệ, bảo tồn hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, giá trị văn hóa, đa dạng sinh học và phát triển du lịch; bảo vệ và phát triển nguồn sinh thủy; ngưỡng khai thác nước dưới đất; bảo vệ nước dưới đất; phòng, chống suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước; phòng, chống ô nhiễm nước biển; phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm và ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước.
Chương IV. Điều hòa, phân phối và khai thác, sử dụng tài nguyên nước, gồm 26 điều (từ Điều 35 đến Điều 60), chia làm 04 Mục, quy định về: điều hòa, phân phối tài nguyên nước; điều hoà, phân phối tài nguyên nước khi xảy ra hạn hán, thiếu nước; chuyển nước lưu vực sông; quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa; bổ sung nhân tạo nước dưới đất; gây mưa nhân tạo; quy định chung về khai thác, sử dụng tài nguyên nước; quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước; khai thác tài nguyên nước cho sinh hoạt; khai thác tài nguyên nước cho sản xuất nông nghiệp; khai thác tài nguyên nước cho thủy điện; khai thác tài nguyên nước cho sản xuất muối và nuôi trồng thủy sản; khai thác tài nguyên nước cho sản xuất công nghiệp, khai thác, chế biến khoáng sản và mục đích khác; sử dụng nguồn nước cho giao thông thủy; sử dụng nguồn nước cho các mục đích khác; đập, hồ chứa và việc khai thác, sử dụng nước liên quan đến đập, hồ chứa; quan trắc, giám sát khai thác tài nguyên nước; quy định chung về việc kê khai, đăng ký, cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; thẩm quyền, trình tự, thủ tục kê khai, đăng ký, cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; thời hạn của giấy phép khai thác tài nguyên nước và giấy phép thăm dò nước dưới đất; nguyên tắc đăng ký, cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; căn cứ cấp giấy phép khai thác tài nguyên nước và giấy phép thăm dò nước dưới đất; điều kiện cấp giấy phép khai thác tài nguyên nước và giấy phép thăm dò nước dưới đất; sử dụng nước tuần hoàn, tiết kiệm, hiệu quả; sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước; ưu đãi đối với hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
Chương V. Phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra, gồm 06 điều (từ Điều 61 đến Điều 66), quy định về: trách nhiệm, nghĩa vụ phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra; phòng, chống và khắc phục tác hại của nước do thiên tai gây ra; phòng, chống hạn hán, thiếu nước, lũ, lụt, ngập úng nhân tạo; phòng, chống xâm nhập mặn; phòng, chống sụt, lún đất; phòng, chống sạt lở lòng, bờ, bãi sông, hồ.
Chương VI. Công cụ kinh tế, chính sách và nguồn lực cho tài nguyên nước, gồm 08 điều (từ Điều 67 đến Điều 74), quy định về: nguồn thu ngân sách nhà nước từ hoạt động tài nguyên nước; thuế, phí về tài nguyên nước; tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; dịch vụ về tài nguyên nước; hạch toán tài nguyên nước; nguồn lực cho quản lý bảo vệ, điều hòa, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra; ưu đãi, hỗ trợ đối với hoạt động quản lý, bảo vệ, điều hoà, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra; xã hội hóa đầu tư phát triển, tích trữ nước và phục hồi nguồn nước.
Chương VII. Hợp tác quốc tế về tài nguyên nước, gồm 04 điều (từ Điều 75 đến Điều 78), quy định về: nguyên tắc hợp tác quốc tế về tài nguyên nước; nội dung hợp tác quốc tế về tài nguyên nước; trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam đối với nguồn nước liên quốc gia; giải quyết tranh chấp, bất đồng về nguồn nước liên quốc gia.
Chương VIII. Trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước, gồm 03 điều (từ Điều 79 đến Điều 81), quy định về: trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước của Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ; trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước của Ủy ban nhân dân các cấp; điều phối, giám sát hoạt động bảo vệ, điều hoà, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra trên lưu vực sông.
Chương IX. Thanh tra, kiểm tra về tài nguyên nước, gồm 02 điều (Điều 82 và Điều 83), quy định về: thanh tra chuyên ngành về tài nguyên nước; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước.
Chương X. Điều khoản thi hành, gồm 03 điều (từ Điều 84 đến Điều 86), quy định về: sửa đổi, bổ sung một số luật có liên quan đến tài nguyên nước; hiệu lực thi hành; quy định chuyển tiếp.
Luật Tài nguyên nước năm 2023 giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan, tổ chức liên quan tổ chức hội nghị quán triệt, phổ biến Luật Tài nguyên nước và các văn bản quy định chi tiết một số điều của Luật. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, chính quyền địa phương, doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức hội nghị quán triệt, phổ biến Luật Tài nguyên nước và các văn bản quy định chi tiết một số điều của Luật tại các địa phương.