Tháng 8 - nhớ về người anh hùng Trương Định

Thứ tư - 10/07/2024 22:19
Trương Định - người con ưu tú của dân tộc, đã gắn cuộc đời mình với vùng đất Gò Công. Ông cùng nghĩa quân viết nên trang sử vẻ vang ở Nam kỳ trong những năm đầu chống quân Pháp xâm lược. Khởi nghĩa Trương Định ở Gò Công là cuộc đấu tranh tiêu biểu nhất, có ảnh hưởng và ý nghĩa to lớn trong công cuộc chống quân Pháp của nhân dân Nam kỳ ở nửa cuối thế kỷ XIX, là điểm son sáng ngời trong lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc ta.

Trương Định sinh năm 1820 tại xã Tư Cung, huyện Bình Sơn, phủ Tư Nghĩa, trấn Quảng Ngãi (nay là xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) trong một gia đình quan chức yêu nước.

Năm 1844, cha của ông là Trương Cầm vào tỉnh Gia Định nhận chức Lãnh binh. Ông đi theo, sau đó, kết hôn với Lê Thị Thưởng - con gái của một hào phú ở Tân Hòa (Gò Công). Năm 1854, ông mộ dân lập đồn điền Gia Thuận (nay là xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông) để khai hoang vùng đất này. Vì thế, ông được triều đình phong chức Phó quản cơ.

Năm 1859, quân Pháp đánh chiếm thành Gia Định. Với lòng yêu nước nồng nàn, ông chỉ huy dân quân đồn điền Gia Thuận phối hợp với quân triều đình tiến đánh quân địch ở vùng Thuận Kiều và lập nhiều chiến công, tiêu biểu là trận phục kích tiêu diệt tên đại úy thủy quân lục chiến Bạc-bê (Barbé) tại chùa Khải Tường ngày 07-12-1860 (nay là Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, số 28, đường Võ Văn Tần, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh).

Tháng 4-1861, quân Pháp đánh chiếm Mỹ Tho, Gò Công. Trương Định chiêu mộ hơn 6.000 nghĩa sĩ dựng cờ khởi nghĩa ông được triều đình phong chức Quản Cơ, sau đó là Phó Lãnh binh tỉnh Gia Định. Dưới sự chỉ huy của ông, nghĩa quân tiến công quân Pháp ở nhiều nơi, buộc quân lính pháp và tay sai phải rút khỏi đồn Gò Công ngày 01-3-1862:
Trong Nam tên họ nổi như cồn,
Mấy trận Gò Công để tiếng đồn.
Dấu đạn hỡi rêm tàu bạch quỷ,
Hơi gươm thêm rạng thể hoàng môn”.
(Thơ điếu Trương Định - Nguyễn Đình Chiểu)

Để thực thi hiệp ước ký với Pháp ngày 05-6-1862, vua Tự Đức ra lệnh giải binh ở ba tỉnh miền đông Nam kỳ (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường); trong đó có điều khoản buộc Trương Định phải giải tán nghĩa quân và đi An Giang nhận chức Lãnh binh. Tuy nhiên, ông quyết định ở lại Gò Công, lãnh đạo nhân dân tiếp tục cuộc kháng chiến. Ông là vị võ quan đầu tiên dám công khai chống lệnh bãi binh của triều đình và ở lại cùng với nhân dân đánh giặc. Vào cuối năm 1862, Trương Định ra lệnh cho nghĩa quân đồng loạt mở cuộc tổng công kích vào các vị trí chiếm đóng của quân Pháp ở ba tỉnh miền đông Nam Kỳ. Trước tình hình đó, ngày 16-02-1863, đô đốc Bô-na (Bonard), tổng chỉ huy quân Pháp ở Nam Kỳ đến Gò Công trực tiếp chỉ huy cuộc tấn công vào căn cứ Tân Hòa. Do thế giặc quá mạnh nên Trương Định vừa cho nghĩa quân mật phục đánh địch, vừa ra lệnh cho đại bộ phận nghĩa quân rút đi nơi khác để bảo toàn lực lượng cho cuộc chiến đấu lâu dài.

Sau đó, Trương Định di chuyển về khu vực “Đám lá tối trời” ở Gia Thuận để gầy dựng lại lực lượng. Thực dân Pháp tung bọn mật thám, bọn phản bội chỉ điểm ráo riết theo dõi mọi hoạt động của nghĩa quân. Theo đó, Huỳnh Văn Tấn (Đội Tấn) được lệnh truy lùng nơi ở của Trương Định. Ngày 20-8-1864, Đội Tấn chỉ huy bọn thuộc hạ bất ngờ đột kích vào nơi trú ngụ của ông. Trận chiến không cân sức diễn ra; cuối cùng, Trương Định anh dũng hy sinh vì đại nghĩa cứu nước, cứu dân để lại bao niềm tiếc thương trong lòng người dân Gò Công và Nam Kỳ:
 
“Trời Bến Nghé mây mưa sùi sụt, thương đấng anh hùng gặp bước gian  truân;
Đất Gò Công cây cỏ ủ ê, cám niềm thần tử hết lòng trung ái.
Xưa còn làm tướng, dốc rạng dồi hai chữ Bình Tây
Nay thác theo thần, xin dâng hộ một câu  phục thái”
(Văn tế Trương Định - Nguyễn Đình Chiểu)
 
Với lòng yêu nước, thương dân nên trong hành động, ông kiên định con đường đánh giặc cứu nước. Dù con đường đó còn nhiều khó khăn, gian khổ, nhưng ông quyết vượt qua, sẵn sàng hy sinh bản thân, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng vì độc lập, tự do của dân tộc. Cuộc khởi nghĩa ở Gò Công trở thành trung tâm của phong trào kháng chiến của nhân dân ta ở miền lục tỉnh. Cuộc khởi nghĩa của Trương Định được lan truyền từ Nam ra Bắc như khúc dạo đầu bản trường ca chiến trận ngót trăm năm của dân tộc ta chống ách thực dân.

Tuy sự nghiệp cứu nước chưa thành, ước nguyện cứu dân chưa đạt, nhưng Trương Định đã để lại tấm gương về lòng yêu nước thương dân, về tinh thần kiên trung, bất khuất, về phẩm chất: thắng không kiêu, bại không nản, tiền tài, danh vọng, uy vũ không thể khuất phục; quyết chiến đấu đến cùng vì quyền lợi tối thượng của quốc gia, dân tộc.

Tinh thần Trương Định và cuộc khởi nghĩa do ông lãnh đạo được nhân dân Tiền Giang phát huy trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trong bảo vệ, xây dựng đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đó là: quân dân Tiền Giang lập nên chiến thắng Ấp Bắc lẫy lừng, chiến thắng Ba Rài vang dội, vành đai diệt Mỹ ở xã Bình Đức huyền thoại… Trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Tiền Giang đạt nhiều thành tựu đáng kể về mọi mặt; đang nỗ lực xây dựng quê hương giàu đẹp, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc và văn minh.

Sau năm 1975, khi đất nước thống nhất, với lòng tôn kính vị anh hùng Trương Định, Đảng bộ và nhân dân Tiền Giang đã trùng tu, tôn tạo các di tích từng gắn liền với cuộc đời và hoạt động của ông như: Lũy Pháo đài; đền thờ và lăng mộ Trương Định ở xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông và ở Phường 1, thị xã Gò công (nay là thành phố Gò Công),… Tượng đài Trương Định được lập lên giữa trung tâm thành phố Gò Công trở thành biểu tượng hào hoa, khí phách quật khởi của nhân dân Gò Công, uy nghiêm, hùng dũng mà gần gũi, thân thương. Ngoài ra, còn rất nhiều miếu do nhân dân lập ra khắp vùng Gò Công để tri ơn và thờ phụng các tướng lĩnh và nghĩa quân.

Trong nhân dân, lễ giỗ Trương Định được tổ chức hằng năm vào ngày 19 và 20 tháng 8 dương lịch. Dịp này, Nhân dân trong vùng tự giác lập bàn thờ Ông đặt trước cửa nhà dọc suốt các tuyến đường dẫn đến đền thờ Ông ở Gia Thuận, huyện Gò Công Đông.

 Tinh thần bất khuất và sự hy sinh oanh liệt của Trương Định trở thành biểu tượng sáng ngời cho ngọn cờ đoàn kết, yêu nước, quyết tử cho tổ quốc quyết sinh của người dân Nam Bộ. 160 năm trôi qua, tên tuổi Người anh hùng dân tộc Trương Định được bao thế hệ sử gia trân trọng ghi chép vào sử sách. Nhưng thiêng liêng hơn cả là toàn bộ tiến trình cuộc khởi nghĩa Trương Định được lưu giữ trong ký ức của nhân dân. Nguồn tư liệu ấy, theo thời gian sẽ thành một pho truyền thuyết dân gian sống động. Qua truyền thuyết dân gian, người dân biết ơn vị Bình Tây Đại Nguyên soái và các vị tướng của ông, cùng những người vô danh tay lấm chân bùn “tuy là mất mà tiếng vang như mõ” (Nguyễn Đình Chiểu). Chính tài năng và đức độ của ông thu phục được nhân tâm. Ngược lại, ông cũng “là người nhờ dân mà giữ vẹn nghĩa trung với nước, kiên trì cùng dân kháng chiến”.

Song Lan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập344
  • Máy chủ tìm kiếm72
  • Khách viếng thăm272
  • Hôm nay65,024
  • Tháng hiện tại1,808,213
  • Tổng lượt truy cập40,177,589
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây