Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, công tác phòng, chống ma túy được các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện nhiều giải pháp. Kịp thời đấu tranh, ngăn chặn, điều tra, xử lý nghiêm nhiều đối tượng phạm tội về ma túy. Nhiều giải pháp cai nghiện ma túy, quản lý người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy, người sau cai nghiện ma túy được triển khai thực hiện hiệu quả, góp phần bảo đảm tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Để thực hiệt tốt phòng, chống ma túy trong thanh thiếu niên trên đại bàn tỉnh, ngày 11/4/2024 Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên trên địa bàn tỉnh, yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp sau:
(1) Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên. Trong đó, các cấp ủy, chính quyền thường xuyên quán triệt, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên, gắn với thực hiện quyết liệt, hiệu quả Chỉ thị 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị, Kế hoạch 100-KH/TU ngày 18/10/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị 36-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; Luật Phòng, chống ma túy năm 2021; Luật Thanh niên năm 2020; Chương trình phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên đến năm 2030. Kết hợp chặt chẽ giữa phòng và chống; lấy phòng ngừa là chính, chú trọng phòng ngừa ngay từ gia đình, cơ sở giáo dục, tổ dân phố, khu dân cư, xã, phường, thị trấn. Chủ động, kịp thời phát hiện sớm và can thiệp đối với thanh, thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy, góp phần tăng cường đấu tranh, ngăn chặn tội phạm, tệ nạn ma túy.
(2) Hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên. Trong đó, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định pháp luật về an toàn thực phẩm; phòng, chống tác hại của thuốc lá, nhất là quản lý chặt các loại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, thuốc lá thế hệ mới, shisha,... để phòng ngừa tình trạng ma túy “núp bóng”, pha trộn, tẩm ướp vào các loại thực phẩm, thuốc lá,... xâm nhập vào thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên.
(3) Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên. Trong đó, tập trung tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức pháp luật về phòng, chống ma túy, cảnh báo trực diện cho thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên về hậu quả, tác hại, hiểm họa của ma túy, nhất là ma túy tổng hợp, chất hướng thần, các loại ma túy “núp bóng”, pha trộn, tẩm ướp vào thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử, thuốc lá thế hệ mới, shisha; phương thức, thủ đoạn lôi kéo thanh, thiếu niên tham gia vào hoạt động phạm tội, tệ nạn ma túy; cách thức nhận biết, kỹ năng phòng ngừa, chủ động tham gia tố giác, cung cấp thông tin về tội phạm, tệ nạn ma túy cho cơ quan chức năng. Tuyên truyền cá biệt tập trung vào nhóm đối tượng có nguy cơ cao như thanh, thiếu niên sau cai nghiện ma túy, không có việc làm, có tiền án, tiền sự, hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn,...
(4) Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy; điều trị nghiện ma túy; quản lý chặt chẽ thanh, thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy và quản lý, hỗ trợ thanh, thiếu niên sau cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng. Nhất là chủ động phát hiện sớm và can thiệp kịp thời đối với thanh, thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy thông qua sàng lọc, kiểm tra đối với số thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên có nguy cơ cao tại các cơ sở giáo dục và trong cộng đồng, bảo đảm theo quy định Luật Phòng, chống ma túy. Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy, nhất là cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng.
(5) Đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về ma túy nhằm ngăn chặn ma túy tác động đến thanh, thiếu niên. Trong đó, lực lượng Công an thường xuyên nắm, phân tích, đánh giá, nhận diện, dự báo chính xác tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về ma túy, chủ động triển khai các kế hoạch, biện pháp nghiệp vụ phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả. Tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, kịp thời phát hiện, đấu tranh triệt phá các đường dây, tổ chức, băng nhóm, điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy liên quan đến thanh, thiếu niên, nhất là các hoạt động ma túy “núp bóng”; hoạt động mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy trong các cơ sở kinh doanh có điều kiện và dịch vụ nhạy cảm,...