Thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TW, ngày 12/3/2014; Kết luận 82-KL/TW, ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị; Chương trình hành động 53-Ctr/TU, ngày 26/5/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp. Theo đó, cấp ủy, chính quyền các cấp đã quán triệt, giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức và tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo về chủ trương của Đảng đối với việc sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động công ty nông nghiệp trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo chuyển biến căn bản về phương thức tổ chức quản lý và quản trị doanh nghiệp; chuyển các công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp thực hiện nhiệm vụ kinh doanh sang công ty cổ phần theo quy định của pháp luật. Sau sắp xếp (chuyển thành công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên), các doanh nghiệp do nhà nước sở hữu 100% vốn, thực hiện khá tốt nhiệm vụ cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân trên địa bàn tỉnh. Trong quá trình sản xuất kinh doanh, các công ty sử dụng có hiệu quả các nguồn lực nhà nước đầu tư cho doanh nghiệp (vốn và tài sản nhà nước, đất đai, tài nguyên) để thu lợi nhuận, nâng cao thu nhập người lao động, cải tiến ứng dụng khoa học kỹ thuật vào hoạt động quản lý, sản xuất... và thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị do địa phương giao. Toàn tỉnh hiện có 194 Hợp tác xã nông nghiệp với 47.330 thành viên, trong đó có 05 hợp tác xã thí điểm thực hiện Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả tại tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định 167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Thời gian qua, tỉnh Tiền Giang luôn quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện các nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh về các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, cụ thể gồm:
- Về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị định 98/2018/NĐ-CP, ngày 05/7/2018 của Chính phủ: Đến nay có 31 dự án/kế hoạch liên kết được phê duyệt hỗ trợ về chi phí tư vấn lập dự án/kế hoạch, xây dựng mô hình khuyến nông, hỗ trợ giống, vật tư bao bì nhãn mác sản phẩm với tổng kinh phí thực hiện trên 127,7 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn từ ngân sách nhà nước hỗ trợ gần 21 tỷ đồng. Kết quả đã huy động 31 hợp tác xã nông nghiệp, 60 doanh nghiệp (đầu vào, đầu ra), với 1.345 hộ nông dân tham gia liên kết chuỗi giá trị nông sản. Qua liên kết giúp doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia có được nguồn cung ứng nguyên liệu ổn định, chất lượng và giải quyết đầu ra sản phẩm cho nông dân thông qua các hợp đồng liên kết, tạo công ăn việc làm cho người dân.
- Về thực hiện thành lập mới hợp tác xã, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực: Hàng năm ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp địa phương tổ chức 11 cuộc tuyên truyền Luật, hướng dẫn thành lập mới hợp tác xã cho người dân nông thôn và tổ chức các lớp đào tạo tập huấn, bồi dưỡng kiến thức nâng cao chất lượng cho cán bộ quản lý hợp tác xã nông nghiệp.
- Chính sách hỗ trợ nguồn nhân lực trẻ về làm việc tại hợp tác xã: Giai đoạn 2017 - 2020, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ kinh phí chi trả lương cho 09 cán bộ trẻ về làm việc cho 09 hợp tác xã để hỗ trợ về kỹ thuật (05 người), kế toán (04 người) với kinh phí thực hiện hỗ trợ 606,6 triệu đồng; phê duyệt danh mục cho 24 lao động trẻ về làm việc cho 18 Hợp tác xã giai đoạn 2023 -2025, với kinh phí 1,14 tỷ đồng.
- Chính sách đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và chế biến sản phẩm cho hợp tác xã: giai đoạn 2018-2020, tỉnh đã hỗ trợ 42 công trình (nhà kho, nhà sơ chế, trụ sở làm việc, nước sinh hoạt, điện, cửa hàng vật tư nông nghiệp, ...) cho 35 hợp tác xã với tổng kinh phí thực hiện là 32 tỷ đồng; năm 2024 dự kiến hỗ trợ đầu tư 09 hạng mục công trình nhà kho, xưởng sơ chế, kho lạnh và 10 máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất cho 09 hợp tác xã nông nghiệp, với kinh phí là 10,72 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, thông qua các dự án khác, cũng đã hỗ trợ cho hợp tác xã phát triển. Cụ thể gồm: Thực hiện dự án Cạnh tranh nông nghiệp, tỉnh đã hỗ trợ cho 03 hợp tác xã xây dựng 02 nhà kho chứa lúa, 03 máy sấy, 03 máy gặt đập liên hợp với tổng giá trị 11,5 tỷ đồng; Thực hiện dự án QSEAP, tỉnh đã hỗ trợ cho 03 hợp tác xã xây dựng nhà sơ chế đóng gói và hệ thống thiết bị với tổng giá trị hỗ trợ 24,7 tỷ đồng; Dự án Chuyển đổi Nông nghiệp bền vững VnSAT cũng hỗ trợ các hợp tác xã trong vùng dự án xây dựng 07 nhà kho sơ chế, 04 nhà bao che lò sấy và máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất...
Qua công tác tuyên truyền và thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp đã giúp hợp tác xã từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động, thêm nguồn lực, động lực để đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh, giá trị sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ.