Đẩy mạnh công khai quy trình sử dụng quyền lực theo pháp luật để nhân dân giám sát, đảm bảo việc sử dụng đúng đắn quyền lực. Mọi cán bộ, đảng viên cần ghi nhớ tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và các cơ quan khác của Nhà nước. Do đó tuyệt đối không được lạm dụng, lợi dụng quyền lực, không được cậy có quyền, uốn thẳng thành cong, bất cứ ai sử dụng quyền lực đều phải phục vụ nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân và tự giác chịu sự giám sát của Nhân dân.
Trong thời gian qua, công tác cán bộ đã có nhiều đổi mới theo hướng ngày càng dân chủ, công tâm, khách quan, công khai, minh bạch hơn; đúng nguyên tắc, đúng quy trình, bảo đảm sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng. Nhiều quy định được ban hành đồng bộ, khả thi, đã giải quyết được không ít vấn đề tồn tại trước đây trong công tác cán bộ; tình trạng chạy chức, chạy quyền, cục bộ, địa phương, “thân quen”, “cánh hẩu”, “lợi ích nhóm” đã giảm hẳn.
Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, tăng cường tính công khai, minh bạch, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Công tác tiếp nhận, xử lý, giải đáp, phản hồi những ý kiến phản ánh, kiến nghị của người dân, coi trọng thực hiện dân chủ ở cơ sở và đối thoại với các tầng lớp nhân dân cũng được quan tâm. Tăng cường việc kiểm soát tài sản, thu nhập, chuyển đổi vị trí công tác, xử lý trách nhiệm người đứng đầu; thanh toán không dùng tiền mặt; sửa đổi, ban hành chế độ, định mức, tiêu chuẩn; cải cách chính sách tiền lương, thu nhập; nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức,... đã góp phần tích cực vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được tăng cường và có nhiều đổi mới; sự giám sát của các cơ quan dân cử; vai trò của Mặt trận Tổ quốc, của nhân dân và báo chí, truyền thông trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được phát huy tốt hơn. Cấp ủy, tổ chức đảng ở Trung ương và địa phương đã chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng tại các cơ sở giáo dục, đào tạo. Qua đó, nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được nâng lên. Việc công khai kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực; chủ động cung cấp thông tin việc xử lý đối với những vấn đề nhạy cảm, dư luận quan tâm đã góp phần định hướng tốt dư luận xã hội và thể hiện sự công khai, minh bạch trong xử lý tham nhũng, tiêu cực.
Các cơ quan thông tấn, báo chí đã tích cực vào cuộc, đồng hành cùng Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vừa tuyên truyền, vừa tích cực đấu tranh, phát hiện tham nhũng, tiêu cực, vừa tích cực đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc của các thế lực xấu, thù địch về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp tăng cường giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; không chỉ giám sát thường xuyên tại các kỳ họp, mà tần suất giám sát chuyên đề cũng được tăng lên. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên tập trung giám sát các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, gây nhiều bức xúc trong nhân dân; giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức của cán bộ, đảng viên; yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý các thông tin do báo chí phản ánh về tham nhũng, tiêu cực; tích cực tham gia phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và toàn xã hội; xây dựng ý thức tự giác chấp hành nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước; chủ động xử lý khi có xung đột lợi ích; xây dựng và thực hiện các quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp; phê phán, lên án, tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; trọng liêm sỉ, danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân tham nhũng, tiêu cực. Quan tâm xây dựng, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức cách mạng của đảng viên, đạo đức công vụ, chuẩn mực, giá trị con người Việt Nam phù hợp với truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức sâu sắc hơn trách nhiệm của mình trước Đảng và nhân dân. Chỉ đạo tổng kết việc đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, làm cơ sở để đề xuất các giải pháp đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và toàn xã hội.
Trích nguồn cuốn sách: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật.