Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam. Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin” [1].
Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Đảng ta đã khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động” [2]. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh” [3].
Như vậy, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng ta. Đây cũng là đối tượng, mục tiêu chống phá của các thế lực thù địch, phản động. Do đó, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch có ý nghĩa sống còn trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay và nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế, chuyển đổi số.
Ngày 22/10/2018 với sự ra đời của Nghị quyết 35-NQ/TW về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, trong đó xác định phải kết hợp chặt chẽ giữa xây và chống trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Thực trạng công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, với sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, hệ thống chính trị, nhất là sự đóng góp quan trọng của Ban Chỉ đạo 35 các cấp giúp cho công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đạt được những kết quả, hiệu ứng tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên; từ đó, ngăn chặn vàlàm thất bại các âm mưu “diễn biến hòa bình”, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch nhất là trên không gian mạng.
Tuy nhiên, việc nhận diện, đấu tranh, phản bác thông tin xấu, độc trong thời gian qua có nơi, có lúc còn bị động, thiếu sắc bén; chưa kịp thời nắm bắt tư tưởng, dư luận xã hội trước những vấn đề, sự kiện, tình huống bất ngờ. Việc khai thác, ứng dụng các hình thức tuyên truyền, đấu tranh thông tin xấu, độc qua không gian mạng chưa mang lại hiệu quả. Tính nêu gương của một số ít cán bộ, đảng viên chưa cao; còn trường hợp vi phạm về đạo đức, lối sống, vi phạm những điều đảng viên không được làm, tham nhũng, tiêu cực bị xử lý kỷ luật… để phần nào ảnh hưởng đến công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Triển khai giải pháp chiến lược: Kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”
Trong bối cảnh hiện nay, tình hình khu vực, quốc tế tiếp tục diễn biến khó lường. Sự bùng nổ thông tin trên không gian mạng đưa đến nhiều thách thức; âm mưu chống phá của thế lực thù địch tinh vi hơn, việc nhận diện, phân biệt thông tin tốt, xấu ngày càng khó khăn hơn. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tham nhũng, tiêu cực vẫn chưa được ngăn chặn, xử lý triệt để. Do đó, cần kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa “bảo vệ” và “đấu tranh”, “xây” và “chống” trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; trong đó, “xây là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài, chống là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách” [4]. Tập trung các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:
Một là, đồng loạt triển khai các giải pháp kết hợp giữa “xây” và “chống” ngay từ bên trong nội bộ tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị với phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy cái tích cực đẩy lùi cái tiêu cực”, “hoa thơm lấn át cỏ dại”. Cấp ủy Đảng, chính quyền phải tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, nêu cao trách nhiệm nêu gương. Đổi mới công tác tuyên truyền; phát huy dân chủ, tự phê bình và phê bình; thực hiện có hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; giữ vững kỷ luật, kỷ cương, đoàn kết trong Đảng.
Chú trọng giáo dục chính trị tư tưởng, bồi dưỡng lý luận chính trị, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên. Chủ động nắm tình hình, diễn biến tư tưởng, kịp thời định hướng cho cán bộ, đảng viên; phát hiện, nhân rộng gương điển hình tiên tiến để tạo tính lan tỏa sâu rộng.
Mặt khác, phải xác định “chống” là việc làm quan trọng, thường xuyên. Tăng cường cơ chế tự kiểm tra, giám sát, tự phát hiện, tự phòng ngừa, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; hạn chế, ngăn chặn, đẩy lùi kịp thời tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với tinh thần “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”.
Hai là, “xây” và “chống” từ bên ngoài. “Xây” với hình thức đa dạng, linh hoạt, vận dụng, khai thác, sử dụng nền tảng số, tăng cường tuyên truyền về thành quả công tác xây dựng Đảng, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trên phương tiện truyền thông để định hướng dư luận. Biểu dương, lan tỏa những mô hình, cách làm hay, sáng tạo, điển hình. Mở rộng các hình thức tọa đàm, hội thảo khoa học, tập huấn, bồi dưỡng.
Về “chống”, cần đa dạng các bài viết, phân tích, bình luận, phê phán, phản bác thông tin xấu, độc, quan điểm sai trái của thế lực thù địch hội.Chủ động nhận diện, làm rõ luận điệu xuyên tạc; xác định đúng âm mưu, thủ đoạn, hoạt động chống phá. Phát huy hơn nữa vai trò định hướng của Ban Chỉ đạo 35 các cấp.
Ba là, nâng cao bản lĩnh chính trị của từng cán bộ, đảng viên. “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”[5], “muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”[6]. Đứng trước những thời cơ, thách thức hiện nay, đòi hỏimỗi cán bộ, đảng viên phải có bản lĩnh chính trị vững vàng; có đức, có tài, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; vì lợi ích chung và thực sự tiên phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết”.
Từng cán bộ, đảng viên phải không ngừng học tập, rèn luyện về lý luận chính trị, đạo đức, lối sống, nhiệt huyết, chủ động, linh hoạt, sáng tạo, bình tĩnh, nhận diện, tạo sức đề kháng, miễn dịch trước thông tin xấu, độc; đánh trúng, đánh mạnh vào các hoạt động chống phá của các đối tượng thù địch với phương thức phù hợp, hiệu quả.
Bốn là, nâng cao lòng yêu nước và khơi dậy ý chí, khát vọng về một đất nước phồn vinh, hạnh phúc cho Nhân dân, để mỗi người dân Việt Nam luôn phấn đấu, ra sức lao động, sản xuất, kinh doanh, làm việc vì sự phát triển của địa phương, đất nướcl chung sức chung long trong bảo vệ và xây dựng đất nước Việt Nam.
Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong thời gian tới vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Nhưng với sự quyết tâm, chung sức, đồng long của toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân thì nhiệm vụ nào cũng sẽ hoàn thành, khó khăn nào cũng sẽ vượt qua và kẻ thù nào cũng sẽ đánh thắng. Mỗi người Việt Nam luôn tinh tưởng vào đường lối và sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh:
“Có Đảng chỉ đường tâm mãi sáng
Lòng Dân một hướng trí luôn bày
Xây thành chiến lũy con người hãy
Hiệp sức công thành nắm chặt tay”.[7]
----------------------------------------
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 289.
[2] Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb. Sự Thật, Hà Nội 1991, tr. 21.
[3] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021.
[4] Nghị quyết Trung ương 4 khóa XIII.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Sự thật-Hà Nội, 1984, Tập 4, trang 452.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Sự thật-Hà Nội, 1984, Tập 4, trang 487.
[7] Bài thơ Ý Đảng - Lòng Dân (Chử Văn Hòa).