Theo kế hoạch, Thành ủy Mỹ Tho xác định chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu khách quan; là nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài; cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; hành động đồng bộ ở các cấp và toàn xã hội là yếu tố bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số, xem đây là giải pháp đột phá, cơ hội để bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Từng bước hoàn thiện chính quyền số TP. Mỹ Tho nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước; phát triển Chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số theo hướng chính quyền tương tác, minh bạch, hoạt động hiệu quả, góp phần hiện đại hóa nền hành chính, cung cấp các dịch vụ số dựa trên nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển các nền tảng công nghệ số, nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số tại thành phố Mỹ Tho. Thay đổi nhận thức của cộng đồng, tư duy và ý chí quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong tiếp cận, ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông, đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số tại thành phố Mỹ Tho. Chuyển đổi số hướng đến lợi ích của người dân, doanh nghiệp, lấy người dân là trung tâm của chuyển đổi số để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo của các cấp ủy đảng, hiệu lực quản lý của chính quyền các cấp gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và phát triển bền vững địa phương.
Kế hoạch xác định mục tiêu tổng quát là: Đổi mới căn bản, toàn diện công tác quản lý, điều hành của nhà nước tiến tới xây dựng Chính quyền số; phát triển kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ số, hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có sức cạnh tranh trên thị trường; phấn đấu đến năm 2025, thành phố Mỹ Tho trở thành địa phương dẫn đầu của tỉnh về các chỉ tiêu chuyển đổi số, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025; kế thừa kết quả đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang công nhận là thành phố đạt chuẩn văn minh đô thị, thành phố Mỹ Tho tiếp tục xây dựng thành phố trật tự, nề nếp, xanh, sạch, đẹp, tạo tiền đề đến năm 2030 công nghệ số được ứng dụng toàn diện trong mọi lĩnh vực, thay đổi tích cực đến phương thức sống, cách làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, bền vững.
Để thực hiện kế hoạch, Ban Thường vụ Thành ủy đưa ra 07 nhiệm vụ và giải pháp bao gồm: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số. Xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của thành phố Mỹ Tho; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực phục vụ quá trình chuyển đổi số. Quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Xây dựng Chính quyền số, hình thành đô thị thông minh. Phát triển kinh tế số. Phát triển xã hội số và ưu tiên chuyển đổi số trong một số ngành, lĩnh vực.
Trong các nhiệm vụ và giải pháp nêu trên, thành phố Mỹ Tho tập trung nguồn lực triển khai chuyển đổi số trên một số ngành, lĩnh vực như:
Giáo dục: Ứng dụng nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập (hình thức trực tiếp và trực tuyến); tài liệu, giáo trình số hóa, thích ứng với môi trường công nghệ liên tục thay đổi và phát triển; tận dụng công nghệ số để gia tăng khả năng tiếp cận giáo dục cho các đối tượng.
Y tế: Ứng dụng nền tảng hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa, xây dựng và từng bước hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh dựa trên các công nghệ số; ứng dụng công nghệ số tại các cơ sở khám, chữa bệnh, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử; xây dựng nền tảng quản trị y tế thông minh dựa trên công nghệ số, tích hợp thông tin, dữ liệu, hình thành cơ sở dữ liệu về y tế.
Nông nghiệp: Phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, chú trọng nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng tỷ trọng nông nghiệp công nghệ số của thành phố Mỹ Tho; ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, dự báo, cảnh báo thị trường, quản lý quy hoạch; hướng dẫn, khuyến khích nông dân thực hiện thương mại điện tử trong nông nghiệp, cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai để người dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng.
Tài nguyên và Môi trường: Chia sẻ cơ sở dữ liệu nhằm quản lý hiệu quả lĩnh vực tài nguyên và môi trường, cụ thể như: Cơ sở dữ liệu đất đai; các cơ sở dữ liệu về quan trắc tài nguyên và môi trường; đa dạng sinh học; nguồn thải; viễn thám; biến đổi khí hậu; khí tượng - thủy văn,... Triển khai các giải pháp thông minh trong quan trắc, giám sát, quản lý, xử lý sự cố môi trường, cảnh báo sớm thiên tai.
Giao thông: Phối hợp sở, ngành tỉnh triển khai hệ thống giám sát giao thông thông minh, tập trung vào các hệ thống giao thông đô thị, thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển, khai thác hệ thống kho, bến, bãi phục vụ vận tải và logistics.
Công nghiệp: Có ý kiến với sở, ngành tỉnh khuyến khích xây dựng nhà máy thông minh, sử dụng năng lượng hiệu quả, tạo ra các sản phẩm thông minh, xây dựng dịch vụ về dữ liệu và phát triển kỹ năng số cho người lao động.
Lao động, Thương binh và Xã hội: Chia sẻ hệ thống thông tin của ngành về nguồn nhân lực, cung, cầu lao động, thông tin các đối tượng xã hội, hệ thống chi trả chính sách cho các đối tượng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo vào quản lý, thống kê và dự báo tình hình cung, cầu lao động vào từng thời điểm; tình hình người nghiện ma túy trên địa bàn thành phố Mỹ Tho.
Văn hóa, du lịch: Triển khai số hóa dữ liệu các khu di tích lịch sử, văn hóa, du lịch trọng điểm để quảng bá hình ảnh thành phố Mỹ Tho. Chuẩn hóa các nội dung số kết hợp với công nghệ 3D, 4D để giới thiệu hình ảnh văn hóa, du lịch của thành phố Mỹ Tho và phát triển ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động thông minh.
Chỉnh trang và quản lý trật tự đô thị: Tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ trong chỉnh trang, phát triển đô thị; phát triển các hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ bằng hình ảnh; triển khai các ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các lĩnh vực thu thập, phân tích dữ liệu giao thông, nhận diện phương tiện vi phạm tự động, tối ưu mạng lưới giao thông thông qua điều khiển tính hiệu đèn... Chỉ đạo các trường học phối hợp cùng với ngành giao thông, điều tiết và phân bố thời gian hợp lý ra vào trước các cổng trường tránh ùn tắc giao thông cục bộ thường xuyên; rà soát, xử lý, nâng cấp kịp thời các hệ thống đường giao thông, hệ thống thoát nước còn để xảy ra ngập úng làm mất mỹ quan đô thị và tìm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người tham gia giao thông.
Khai thác tiện ích mạng xã hội (Facebook, Zalo, Google Maps, TiengiangS,…) trong công tác quản lý trật tự đô thị, theo đó các đơn vị phường, xã triển khai tiếp nhận ý kiến của Nhân dân, ban lãnh đạo các tổ dân phố bằng hình ảnh, vị trí gửi đến qua các ứng dụng, kịp thời chỉ đạo cán bộ phụ trách xử lý tại hiện trường hoặc phối hợp các lực lượng liên quan hỗ trợ.