Tại điểm cầu Tiền Giang, tham dự có đại diện lãnh đạo UBND tỉnh; lãnh đạo Sở Y tế và các phòng, ban thuộc sở; đại diện các sở, ban, ngành có liên quan; các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế trên địa bàn tỉnh; các bệnh viện, cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện...
Chất thải nhựa đang hàng ngày tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Việt Nam hiện là quốc gia đứng thứ 17 trong 109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác thải nhựa lớn trên thế giới. Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ đang quyết liệt thực hiện các chính sách và giải pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa. Ngày 25/4/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi Thư kêu gọi cả nước hành động giải quyết vấn đề rác thải nhựa.
Trong ngành y tế, các cơ sở y tế làm phát sinh chất thải nhựa trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân gồm: chất thải nhựa phát sinh từ các hoạt động chuyên môn dự phòng và khám, chữa bệnh; các hoạt động sinh hoạt thường ngày của nhân viên y tế, người bệnh, người nhà bệnh nhân, người sử dụng dịch vụ y tế; các hoạt động quản lý chất thải y tế và các bao bì dược phẩm, hóa chất, vật tư tiêu hao...
Sở Y tế ký cam kết với các đơn vị trực thuộc thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa
Hưởng ứng phát động của Bộ Tài nguyên và Môi trường về phong trào chống rác thải nhựa, đồng thời thực hiện Kế hoạch số 185/KH-UBND ngày 25 tháng 6 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về Kế hoạch giảm thiểu sử dụng và chống rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; để giảm thiểu rác thải nhựa phát sinh trong các cơ sở y tế, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị thực hiện xây dựng kế hoạch, lộ trình giảm thiểu, tiến tới dừng sử dụng các vật dụng, trang thiết bị y tế, vật liệu bao bì đóng gói thuốc, hóa chất làm từ nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy trong cơ sở y tế.
Đến hết năm 2019, dừng sử dụng túi đựng, chai nước, cốc nước, bát đĩa, ống hút và các vật dụng sinh hoạt khác làm từ nhựa dùng một lần hoặc ni lông khó phân hủy tại các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, các khoa, phòng, nhà vệ sinh, nhà thuốc, nhà ăn, căng tin,... trong đơn vị y tế; thay thế bằng các vật dụng làm từ vật liệu có thể tái sử dụng (thủy tinh, sành, sứ, inox...) hoặc làm từ các vật liệu thân thiện môi trường (giấy, nhựa không chứa PVC, ni lông tự hủy).
Đến hết năm 2020, giảm sử dụng các vật tư y tế tiêu hao như: bơm tiêm, găng tay, khẩu trang, mũ trùm đầu, bọc giầy, vỉ thuốc, hộp đựng thuốc, chai nhựa dịch truyền, dây truyền dịch, túi đựng máu, dụng cụ đựng bệnh phẩm, sinh phẩm, xét nghiệm và sản phẩm y tế khác làm từ nhựa hoặc ni lông khó phân hủy; dừng sử dụng túi ni lông khó phân hủy để đựng chất thải, thay thế bằng túi làm từ vật liệu thân thiện môi trường; thực hiện phân loại triệt để chất thải là nhựa, ni lông khó phân hủy để thu gom, tái chế và xử lý đúng quy định; giảm sử dụng các bao bì đựng thuốc, dược phẩm, hóa chất, vật tư y tế làm từ nhựa hoặc ni lông khó phân hủy và tiến tới dừng sử dụng vào năm 2030…
Tổ chức tập huấn, truyền thông cho cán bộ, nhân viên y tế, các đơn vị cung cấp dịch vụ, người bệnh, người nhà người bệnh, người sử dụng dịch vụ y tế và cộng đồng về giảm thiểu chất thải nhựa tại đơn vị.
Tổ chức ký cam kết giữa thủ trưởng đơn vị với lãnh đạo các khoa/phòng, đơn vị cung cấp dịch vụ tại đơn vị y tế về việc giảm thiểu chất thải nhựa. Định kỳ kiểm tra, giám sát, theo dõi, đánh giá quá trình triển khai để có giải pháp phù hợp. Bố trí đủ kinh phí phù hợp để triển khai thực hiện việc giảm rác thải nhựa trong cơ sở y tế. Hàng năm tiến hành tổng kết việc thực hiện, phát động phong trào thi đua và khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.