Về một tấm gương thương binh “tàn nhưng không phế”

Thứ tư - 17/07/2013 22:18
Thông qua phong trào thi đua sôi nổi  “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tại các địa bàn nông thôn Tiền Giang đã xuất hiện ngày càng nhiều những điển hình người tốt, việc tốt trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh quốc phòng.

Đáng chú ý, nhiều thương binh đã cống hiến một phần thân thể cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; trong công cuộc xây dựng quê hương giàu đẹp hôm nay tiếp tục tích cực phát huy truyền thống “tàn nhưng không phế” hăng say lao động sản xuất ổn định đời sống, nuôi dạy con tốt... để lại tấm gương sáng cho đời.

Một trong những người đó là ông Hồ Văn Mãnh, sinh năm 1964, cư ngụ tại ấp 3, xã Thạnh Lộc, Cai Lậy. Ông Mãnh tham gia cách mạng tháng 3/1983, phục vụ tại Mặt trận 479, Quân khu 7, làm nghĩa vụ quốc tế trên đất bạn Campuchia.  Tháng 5 năm 1985, ông bị thương mất một chân, được phục viên về quê với thương tật hạng 1/4. Nhớ những ngày mới xuất ngũ về gia đình, ông đối mặt với thật nhiều khó khăn trong đời sống. Quê ông - xã Thạnh Lộc (Cai Lậy), nằm ven Đồng Tháp Mười, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước bị bom đạn tàn phá nặng nề, sau ngày hòa bình lập lại là vùng thuần nông thường xuyên chịu đựng thiên tai, lũ lụt. Những năm lũ lớn bà con từng phải bồng bế chạy lũ hết sức vất vả.

Còn nhớ, ông Hồ Văn Mãnh lập gia đình đầu năm 1987 với vốn liếng ban đầu 1 công đất vườn và 5 công ruộng. Khi mới ra riêng, vợ chồng ông chỉ cất được 1 căn nhà lá đơn sơ. Vốn liếng ít ỏi, sức khỏe kém nhưng hai vợ chồng quyết tâm chí thú làm ăn, tích cóp vốn liếng tạo dựng sự nghiệp và nuôi dạy con thành tài. Hầu như quanh năm suốt tháng đều thấy vợ chồng ông miệt mài làm việc trên đồng lúa rồi quay qua chăn nuôi gia súc, gia cầm... gần như không lúc nào nghỉ tay.

Đất đai đã không phụ công lao khó nhọc của người thương binh giàu tâm huyết. Những năm trước đây lúa, heo, gà đều có giá. Người nuôi có lãi khá. Nhờ vậy, gia đình ông Hồ Văn Mãnh qua từng năm ổn định dần, có tích lũy để tái sản xuất mở rộng. Cụ thể đến năm 1992, tức 5 năm sau ngày lập gia đình, ông Hồ Văn Mãnh đã mua thêm được 4 công đất ruộng nhằm mở rộng qui mô làm ăn. Đến năm 2000 ông tiếp tục mua thêm 4 công đất nâng tổng quỹ đất sản xuất của gia đình lên 1,3 ha (13 công) đất ruộng. Với số đất trên, nếu so sánh mặt bằng chung thì ông được xem là người sở hữu nhiều đất đai canh tác tại địa phương. Năm 2010, gia đình ông đã cất được một căn nhà kiên cố, khang trang.

Thành quả hôm nay có được chính từ nỗ lực của gia đình ông trong suốt hơn 25 năm qua. Là thương binh, ông Hồ Văn Mãnh luôn ghi nhớ trong tim lời dạy của Bác Hồ “thương binh tuy tàn nhưng không phế”, đã biết khắc phục khó khăn, tạo dựng nên cơ nghiệp vững chắc từ hai bàn tay trắng. Không chỉ chuyên tâm làm giàu, lập thân lập nghiệp từ mô hình trồng lúa năng suất cao kết hợp chăn nuôi trên vùng lũ lụt Thạnh Lộc, ông Mãnh cũng nêu tấm gương về chăm lo sự học vấn, chú ý giáo dục con cái thành đạt. Ông có 3 người con đều chuyên cần, siêng năng, chăm ngoan học tập. Ông Mãnh thường tâm sự, mình có cơ may hơn nhiều đồng đội đã anh dũng hy sinh trong chiến đấu nên phải biết phát huy truyền thống tốt đẹp của anh bộ đội Cụ Hồ sống có ích cho gia đình và xã hội. Và trong cuộc đời thường, ông Hồ Văn Mãnh đã thực hiện đúng như vậy. Việc làm của ông thật đáng biểu dương. Với những thành tích to lớn trong chiến đấu cũng như vượt khó vươn lên để lập thân lập nghiệp, thương binh Hồ Văn Mãnh là gương mặt điển hình tỉnh Tiền Giang, được tuyên dương là người có công tiêu biểu nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2012).

Minh Trí

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập463
  • Máy chủ tìm kiếm43
  • Khách viếng thăm420
  • Hôm nay90,140
  • Tháng hiện tại1,636,913
  • Tổng lượt truy cập40,006,289
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây