Một số quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình

Chủ nhật - 08/09/2013 22:21

Ảnh: tư liệu

Ảnh: tư liệu
Qua một năm thực hiện kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Đảng bộ tỉnh Tiền Giang đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong việc mạnh dạn chỉ ra những hạn chế, thiếu sót và đã quyết tâm tập trung khắc phục các hạn chế, thiếu sót đó. Tuy nhiên, cũng có lúc, có nơi việc triển khai thực hiện còn những hạn chế nhất định, chưa đạt kết quả như mong muốn. Vì vậy, việc tìm hiểu quan điểm của Bác đối với việc tự phê bình và phê bình để tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 một cách hiệu quả hơn trong thời gian tới là việc làm cần thiết.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến tự phê bình và phê bình nên Bác thường nhắc nhở đến vấn đề này trong các bài nói và viết của mình. Người đã để lại cho chúng ta cả một hệ thống quan điểm tư tưởng về tự phê bình và phê bình.
 
Theo quan điểm của Bác, tự phê bình và phê bình là nội dung tất yếu của cuộc sống, là quy luật trưởng thành của Đảng. Bác cho rằng: “nhân vô thập toàn”, nghĩa là con người thì ai cũng không thể toàn diện, khó tránh khỏi sai lầm khuyết điểm; càng đảm nhiệm nhiều công việc, chức vụ càng cao thì càng dễ có sai lầm, khuyết điểm nhiều hơn. Đảng viên cũng là một con người do đó cũng có đầy đủ những “hỷ, nộ, ái, ố”. Qua quá trình giao tiếp, công tác, va chạm và rèn luyện trong cuộc sống mà nó được bộc lộ theo hướng tốt hay xấu, có thể trở thành người anh hùng hoặc cũng có thể mắc phải khuyết điểm. “Đảng ta không phải ông thánh và cũng không phải từ trên trời rơi xuống, nó ở trong xã hội mà ra”, do vậy cũng không thể tránh khỏi những khuyết điểm. Điều quan trọng là ở chỗ có dám tìm ra khuyết điểm để sửa chữa hay không. Do đó, cần phải mạnh dạn đấu tranh phê phán những sai phạm của đồng chí mình. Nếu “nể nang không phê bình, để cho đồng chí mình cứ sa vào lầm lỗi, đến nỗi hỏng việc. Thế thì khác nào thấy đồng chí mình ốm mà không chữa cho họ”.
 
Nhấn mạnh về tác dụng của tự phê bình, Bác viết: “Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, phải tự phê bình, phải tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như vậy thì trong Đảng sẽ không có bệnh mà Đảng sẽ mạnh khỏe vô cùng”. Bác khẳng định: “Tự phê bình và phê bình là thứ vũ khí sắc bén nhất, nó giúp cho đảng ta mạnh và ngày càng thêm mạnh. Nhờ nó mà chúng ta sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, tiến bộ không ngừng”.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thẳng thắn phê phán những người muốn trốn tránh tự phê bình và phê bình bằng luận điểm “Nếu phê bình khuyết điểm của đồng chí mình, của Đảng và Chính phủ thì địch sẽ lợi dụng mà công kích ta”. Bác phân tích: “Nói vậy là lầm to. Khuyết điểm cũng như chứng bệnh. Phê bình cũng như uống thuốc. Sợ phê bình cũng như có bệnh mà giấu bệnh, không dám uống thuốc. Để đến nỗi bệnh ngày càng nặng, không chết cũng “la lết quả dưa””. Bác cũng chỉ rõ: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế mới là một đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.
 
Tuy nhiên, trong thực tế, tự phê bình và phê bình là một việc làm không dễ. Tự phê bình và phê bình là một vấn đề rất nhạy cảm, đụng chạm đến từng cá nhân, tổ chức, nhất là cấp trên. Tâm lý của con người ta ai cũng thích được khen hơn bị chê. Do đó, trong thực hiện phê bình phải khéo léo, chân tình. Vì thế, phê bình đã là một việc khó, tự phê bình lại càng khó khăn hơn, cần phải có quyết tâm mới thực hiện được. Theo suy nghĩ thông thường, mọi người cho rằng tự nói ra khuyết điểm, tự nhận khuyết điểm nghĩa là tự thừa nhận sự non kém của mình. Điều này dễ ảnh hưởng đến uy tín, vị thế chức tước, địa vị và bậc thứ nghề nghiệp, vì “người ta hay có lòng tự ái. Thừa nhận cái sai, cái dốt, cái kém của mình, thì sợ mất thể diện, mất uy tín, mất địa vị”, là vạch áo cho người xem lưng. Bác viết: “Tự mình không đánh thắng được khuyết điểm của mình mà muốn đánh thắng kẻ địch, tự mình không cải tạo được mình, mà muốn cải tạo xã hội, thì thật là vô lí. Vì vậy, người cách mạng nhất định phải thật thà tự phê bình và kiên quyết sửa chữa khuyết điểm”.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong bao nhiêu năm hoạt động bí mật, dù bị bọn thực dân khủng bố gắt gao và Đảng ta gặp nhiều khó khăn nguy hiểm, nhưng Đảng ta ngày càng phát triển, càng mạnh mẽ và đã lãnh đạo nhân dân ta làm cách mạng thành công, kháng chiến thắng lợi, đó là Đảng ta khéo dùng cái vũ khí sắc bén tự phê bình và phê bình”.
Cho đến trước lúc sắp đi xa, Bác còn ân cần dặn lại trong di chúc thiêng liêng của mình: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.

Như trên đã nói, tự phê bình và phê bình là một vấn đề khó nên khi tiến hành để đạt kết quả tốt cần nắm vững một số nguyên tắc cơ bản, thể hiện tính Đảng, tính giáo dục, tính khách quan trung thực, thẳng thắn, dân chủ sau đây:
 
Một là, tự phê bình và phê bình phải nhằm mục đích để giúp nhau tiến bộ nên động cơ phải trong sáng, dựa trên “tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Trong thực tế cuộc sống đã không ít trường hợp người ta mượn cớ tự phê bình để nhân đó nói xấu, công kích đồng chí của mình, để rồi “việc bé xé ra to”, nói quá sự thật, làm mất đoàn kết nội bộ. Không vì phê bình mà công kích áp đặt khuyết điểm cho nhau. Khi phê bình người khác không được xoi mói “bới lông, tìm vết” để tìm cơ hội “hạ bệ” lẫn nhau; “tránh công kích cá nhân, cãi bướng, trả thù, tiểu khí”. Ngược lại, đối với những tập thể yếu kém, hoặc có vấn đề đoàn kết nội bộ; những tập thể, cá nhân đang chạy theo thành tích thì việc tự phê và phê bình thường biểu hiện lệch lạc, thực hiện một cách hình thức, “dĩ hòa vi quý”. Cả hai xu hướng trên đều không mang lại kết quả, không đúng với mục đích của tự phê bình và phê bình.
 
Hai là, tự phê bình và phê bình phải có thái độ kiên quyết không khoan nhượng. Bác cho rằng: “Tự phê bình rồi để sửa chữa, để tiến bộ cho nên phải thật thà, phải triệt để mới có kết quả. Nếu chỉ làm cho qua chuyện, chỉ có hình thức thì vô ích”. “Tự phê bình và sửa chữa có khi dễ, nhưng có khi cũng khó khăn, đau đớn vì tự ái, vì thói quen, hoặc vì nguyên nhân khác. Đó là một cuộc đấu tranh”. Vì thế thực hiện tự phê bình và phê bình phải “ráo riết, triệt để”, đúng mức, thật thà không nể nang, không thêm bớt. Thực hành tự phê bình và phê bình mà làm hời hợt, quanh co, chiếu lệ, sai đúng không rõ ràng sẽ tạo môi trường cho khuyết điểm tồn tại và phát triển nặng thêm. Bởi vậy, phải có thái độ khen chê đúng mức thì mới giúp cho người có khuyết điểm sữa chữa; đồng thời có ý nghĩa giúp người khác thấy đó mà đề phòng, tránh gặp khuyết điểm tương tự. Khuyết điểm sớm được sửa chữa sẽ dễ hơn khi để trở thành căn bệnh trầm kha. Bác cho rằng: “Người mắc khuyết điểm hôm nay, ngày mai chưa chắc đã mắc khuyết điểm. Người hôm nay chưa mắc khuyết điểm chưa chắc ngày mai cũng không mắc khuyết điểm”.
 
Ba là, tự phê bình và phê bình muốn kết quả tốt cần có phương pháp tốt, tổ chức tốt. Tự phê bình và phê bình phải “biết cách phê bình sáng suốt, khôn khéo, như chiếu tấm gương cho mọi người soi thấu những khuyết điểm của mình, để tự mình sửa chữa”. Tự phê bình và phê bình phải được tiến hành trong tổ chức, chứ không phải gặp đâu nói đó. Người đứng đầu phải rất gương mẫu, công minh, tạo được chỗ dựa tin cậy, khơi dậy được không khí dân chủ, thẳng thắn để ai cũng có thể nói rõ chính kiến của mình, không phải “thậm thà, thậm thụt” “ngồi lê mách lẻo”. “Phê bình phải nghiêm chỉnh, chắc chắn, phụ trách, nói có sách, mách có chứng. Phải phê bình với tinh thần thành khẩn, xây dựng, “trị bệnh cứu người”. Chớ phê bình lung tung không chịu trách nhiệm” là nguyên nhân của sự mất đoàn kết.
 
Bốn là, tự phê bình và phê bình phải có thái độ chân tình cầu thị, nói đúng ưu điểm và khuyết điểm, phê bình phải đúng lúc, có hoàn cảnh thích hợp; phải biết lắng nghe và chờ đợi đồng chí tiếp thu để tránh việc làm cho người bị phê bình “nản chí, oán ghét”. Vì làm như vậy theo Hồ Chí Minh chẳng khác “bánh ngọt là một thứ ngon lành, nhưng đem bánh ngọt bắt người ta ăn, nhét vào miệng người ta thì ai cũng chán”. Thực hành tự phê bình và phê bình phải dân chủ, không mệnh lệnh, áp đặt.
 
Mặc dù những quan điểm trên về tự phê bình và phê bình đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết từ lâu nhưng đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Việc nắm vững các quan điểm của Bác sẽ giúp mỗi cán bộ, đảng viên thực hiện tự phê bình và phê bình tốt hơn, có hiệu quả hơn, tránh được các biểu hiện lệch lạc góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, lấy lại niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Nguyễn Ngọc Trầm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập843
  • Máy chủ tìm kiếm28
  • Khách viếng thăm815
  • Hôm nay48,804
  • Tháng hiện tại1,181,451
  • Tổng lượt truy cập34,767,096
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây