Sinh ra trong một gia đình nông dân có truyền thống đấu tranh cách mạng ở xã Mỹ Hạnh Đông, huyện Cai Lậy, cha là cán bộ tiền khởi nghĩa từng tham gia giành chính quyền ở xã trong cuộc Khởi nghĩa Tháng 8 năm 1945; người anh thứ năm nguyên là cán bộ Ban Tổ chức Tỉnh ủy, từng ở tù Côn Đảo từ năm 1958 đến năm 1975 và người anh thứ chín nguyên là thượng tá, Chỉ huy trưởng Huyện đội Cai Lậy nên ngay từ nhỏ, cậu bé Ngô Tấn Lực đã hiểu thế nào là một người dân yêu nước.
“Yêu nước thì phải làm những gì có lợi cho dân, cho nước. Muốn vậy, con phải cố gắng ăn học thành tài mới có điều kiện để cống hiến”, đó là lời căn dặn của người cha và đã trở thành hành trang theo Ngô Tấn Lực đi đến suốt cuộc đời.
Kể về cuộc đời của mình, TS. Ngô Tấn Lực bộc bạch: Nhận thức chính trị của tôi hồi đó không phải như bây giờ, đơn giản lắm. Nhà ở trong vùng giải phóng, ra thành phố học là cả một sự khó khăn. Tuy vậy, học đối với tôi là một niềm đam mê, phải tìm mọi cách để học cho bằng được. Liên tục nhận danh hiệu học sinh xuất sắc các lớp phổ thông, cuối năm lớp 12 tôi được nhận phần thưởng danh dự xuất sắc toàn diện.
Trúng tuyển thủ khoa vào trường Đại học Sư phạm Sài Gòn, để được giấy hoãn quân dịch và nhận học bổng, song song đó tôi tập trung nâng cao chuyên môn toán tại Trường Đại học Khoa học Sài Gòn (nay là Đại học Khoa học Tự nhiên TP. Hồ Chí Minh) và tốt nghiệp cả hai bằng cử nhân ở đó (Cử nhân Giáo khoa Toán học và Cử nhân Giáo khoa Toán Cơ). Sau này ra công tác, hễ có điều kiện là tôi tiếp tục học, học để có điều kiện cống hiến được nhiều hơn như lời cha tôi từng căn dặn.
Sau 30-4-1975, trở về ngôi trường cũ (PTTH Đốc Binh Kiều) làm giáo viên rồi lên làm Hiệu trưởng, thầy Lực đã dồn hết tâm lực của mình vào việc dạy và học. Chuyển qua làm công tác quản lý trong ngành Giáo dục, thầy Lực tiếp tục hoàn thành chương trình Trung - cao cấp Quản lý Hành chính tại Học viện Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh và chương trình Lý luận chính trị cao cấp tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Bắt đầu từ năm 1989, thầy theo học chương trình đào tạo cao học và nhận bằng thạc sĩ Khoa học Toán học với đề tài “Cực trị của phiếm hàm phi tuyến trong Không gian Banach”; năm 2009 thầy đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Quản lý giáo dục với đề tài “Tổ chức quản lý đào tạo liên thông của trường Cao đẳng cộng đồng trong điều kiện Việt Nam”.
Được đào tạo cơ bản, có trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cao, TS. Ngô Tấn Lực đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học được công bố, in thành sách phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập. Thạc sĩ Cao Phan Anh, Trưởng khoa Lý luận - Chính trị của trường cho biết: Một số quyển sách của TS. Ngô Tấn Lực đã trở thành cẩm nang cho các em học sinh, sinh viên. Không chỉ là tác giả của nhiều quyển sách toán của Nhà Xuất bản Giáo dục, thầy Lực còn là tác giả của nhiều bài báo khoa học đăng trong tạp chí chuyên ngành.
Tận tâm, tận tụy với công việc nên dù ở bất kỳ cương vị nào, TS. Ngô Tấn Lực cũng phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Là một đảng viên, Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng, thấm nhuần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IV, TS. Ngô Tấn Lực tâm niệm: Muốn xây dựng XHCN cần phải có con người mới XHCN. Thế hệ trẻ là tương lai của đất nước, cần phải đào tạo các em trở thành những người trí thức vừa hồng, vừa chuyên.
Mặt khác, trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng thì đổi mới công tác giáo dục và đào tạo (cùng với khoa học và công nghệ) là quốc sách hàng đầu. Vì vậy, trên cương vị là Hiệu trưởng, tôi đã cùng với các đồng chí trong Ban giám hiệu xây dựng nền tảng ban đầu của một nhà trường hiện đại; cùng đồng nghiệp trong trường dày công cải tiến tất cả các chương trình đào tạo theo hướng hiện đại và giảm tải; xây dựng ngân hàng đề thi, đổi mới phương pháp dạy và học, đổi mới kiểm tra đánh giá người học…
Hầu hết các công trình đã được Hội đồng khoa học nghiệm thu và đưa vào sử dụng. Chương trình cải tiến không chỉ trang bị cho các em về tri thức, kiến thức nền tảng để học tập suốt đời mà nhà trường còn rèn luyện cho các em về kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng sống, ý thức trách nhiệm của một người công dân; giáo dục cho các em nhận thức sâu sắc về truyền thống đấu tranh cách mạng, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” và tình yêu quê hương, đất nước.
Đặc biệt là, cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã và đang được nhà trường đẩy mạnh, lồng ghép vào trong các chương trình dạy và học. Làm theo Bác, cả thầy và trò đều xác định nâng cao chất lượng dạy và học chính là thước đo đạo đức của từng cán bộ, công nhân viên chức, học sinh, sinh viên.
Thực hành chuyên đề tiết kiệm đang trở thành hành động tự giác của mỗi người, trước hết là tiết kiệm công sức của người dạy và người học theo tinh thần thiết thực, hiệu quả. Dạy tốt, học tốt chính là tiết kiệm được thời gian của thầy và trò. Bên cạnh đó, lượng điện tiêu thụ, cước điện thoại, xăng xe, văn phòng phẩm đều giảm đáng kể, ước tính mỗi năm nhà trường tiết kiệm được khoảng 3 tỷ đồng trong khoản chi thường xuyên.
Điều đáng nói là, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, hiện tượng tiêu cực trong nhà trường không còn xảy ra. Là người làm công tác lãnh đạo, quản lý, tôi rất tự hào về điều đó.
Gần 40 năm rèn luyện, học tập, tu dưỡng, phấn đấu, dồn hết công sức, trí tuệ cống hiến cho việc trồng người, TS. Ngô Tấn Lực có quyền tự hào là một người cán bộ, đảng viên mẫu mực, trọn cuộc đời làm theo tấm gương đạo đức của Bác.
Nguồn tin: Báo Ấp Bắc
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn