Ương cá giống trên ruộng là mô hình mới, đã giúp cho nông dân Phan Việt Thắng, sinh năm 1976, cư ngụ tại ấp Tân Thạnh, xã Tân Hội, huyện Cai Lậy dựng nên cơ nghiệp một cách vững vàng và căn cơ.
Khi lập gia đình, ra riêng được cha mẹ cho 9.000 m2 đất ruộng (9 công đất) để tạo dựng cơ nghiệp. Vùng đất Tân Hội, quê anh hàng năm thường bị ảnh hưởng lũ lụt sông Cửu Long tàn phá. Trong những trận lũ lớn trước đây, mức thiệt hại rất lớn. Để thực hiện chủ trương “chung sống với lũ”, nhà nước khuyến khích nông dân địa phương tích cực chuyển đổi sản xuất, xây dựng những mô hình canh tác thích hợp, hiệu quả, tạo điều kiện để nông hộ ổn định cuộc sống trong tình hình nhiều khó khăn.
Trước những cơ hội mới, để thay đổi diện mạo nông nghiệp - nông dân - nông thôn, anh Phan Việt Thắng bàn bạc cùng gia đình mạnh dạn chuyển 4.000 m2 đất ruộng sang đào ao ương dưỡng cá giống. Thuận lợi của anh là khu vực các xã Tân Hội, Nhị Mỹ của huyện Cai Lậy có truyền thống về ương dưỡng nhiều loại cá nước ngọt có giá trị kinh tế cao phục vụ nghề nuôi thủy sản nước ngọt tại đồng bằng sông Cửu Long: cá trê lai, cá tai tượng, cá mè, cá chép... Anh chọn ương dưỡng cá trê lai bởi dễ nuôi, kỹ thuật đơn giản, phù hợp với thực tế và đầu ra thuận lợi, thời gian hoàn vốn nhanh.
Cụ thể, mỗi đợt ương cá trê lai giống chỉ mất thời gian chừng 40 ngày là thu hoạch xuất bán cho thương lái để đưa đi tiêu thụ khắp nơi. Trung bình một năm anh có thể quay được 3 vòng cá trê lai giống. Với ao mương rộng 4.000 m2, mỗi vụ anh đạt sản lượng 1.500 kg cá giống, bán với giá 40.000 đ/kg thu được 60 triệu đồng. Mỗi năm anh sản xuất 3 vụ cá giống, đạt sản lượng 4.500 kg cá giống, bán thu được 180 triệu đồng.
Anh Thắng cho biết, các giải pháp chính cần phải thực hiện trong quá trình sản xuất là: Thiết kế một con mương bao quanh ruộng có bề mặt rộng 3 m và sâu 0,4 m, xung quanh có tấn mũ nylon để cá không thoát ra ngoài. Cải tạo ao, bơm bùn và rải vôi xử lý đáy ao 2 ngày trước khi thả cá bột. Mực nước khi thả giống là 0,7 m thì vừa. Trên diện tích mặt nước 4.000 m2 anh thả mật độ khoảng 1,2 triệu con cá bột để ương lên thành cá giống. Trong quá trình ương dưỡng cần chú ý chế độ chăm sóc, cho ăn bằng các thức ăn phù hợp cũng như phòng trị bệnh cho cá kịp thời. Một số bệnh thông thường mà cá trê lai hay mắc trong quá trình ương dưỡng là: teo râu, lở loét... cần phải phòng trị ngay bằng các loại thuốc kháng sinh hữu hiệu. Đặc biệt, theo anh Phan Việt Thắng, để đảm bảo thành công cần chú ý đến môi trường nước. Nước sử dụng trong ao ương dưỡng cá trê lai giống cần phải sạch, không mầm bệnh, không bị nhiễm phèn, ít chất hữu cơ phân hủy...
Trong năm qua, ngoài con cá trê lai giống, để tăng thêm nguồn thu nhập, anh Phan Việt Thắng còn thực hiện việc ương cá tai tượng giống trên bạt nylon. Anh làm hai bạt nylon có diện tích 9 m x 35 m trên khu vườn nhà, thả 30 vạn con cá tai tượng bột ương lên thu được 12 vạn con cá giống, bán thu lãi thêm 25 triệu đồng. Nâng tổng sản lượng từ hai mô hình ương dưỡng cá trê lai giống trên ruộng và cá tai tượng giống trên bạt nylon trong năm anh đạt giá trị sản xuất khoảng 250 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi từ 30 - 40% tổng giá trị sản xuất. Nhờ chuyển đổi sản xuất phù hợp, anh không còn lo ngại lũ lụt gây thiệt hại cho lúa vụ ba như trước, thay vào đó thu nhập từ nghề ương dưỡng cá giống gấp đôi trồng lúa năng suất cao. Cuộc sống gia đình anh ngày một khấm khá.