Dấu ấn Đồng Tháp Mười

Thứ tư - 13/08/2014 10:31

Thu hoạch khóm

Thu hoạch khóm
Qua hơn ¼ thế kỷ tiến công khai thác, phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng Tháp Mười, Tiền Giang đã đạt được những thành tựu đáng phấn khởi. Từ một vùng đất chết, chỉ toàn cỏ năn, lác… ngự trị, nay trở thành vùng đất trù phú, bao trùm bởi màu xanh của lúa, của những vườn cây trĩu quả, làm thay đổi bộ mặt đời sống của người dân, đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo lương thực của địa phương và đẩy mạnh xuất khẩu trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp.

KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

Đồng Tháp Mười (ĐTM) là vùng đất trũng, thấp nằm giữa hạ lưu sông Mê Kông, có diện tích tự nhiên gần 700 nghìn hecta, chiếm gần 18% khu vực đồng bằng sông Cửu Long thuộc ba tỉnh Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp (trong đó Tiền Giang có khoảng 140 nghìn hecta). Những năm đầu sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, vùng ĐTM có trên 30 nghìn hecta đất hoang hóa, dân cư thưa thớt, ngập lũ hàng năm kéo dài, đất đai bị nhiễm phèn nặng, đời sống người dân rất khó khăn, nơi đây còn mệnh danh là vùng đất chết, không thể khai thác có hiệu quả. Thật vậy, trước đây, chính quyền phong kiến, thực dân Pháp và chính quyền Sài Gòn đều thất bại khi khai phá vùng đất khó này.

Năm 1976, Tiền Giang tiến công khai thác, phát triển vùng ĐTM. Qua 25 năm khai thác và 20 năm hình thành huyện Tân Phước, tỉnh đã hoàn toàn chinh phục thiên nhiên khắc nghiệt, biến vùng đất hoang hóa hàng nghìn năm thành vùng đất trù phú, đầy tiềm năng và vươn lên mạnh mẽ từng ngày. Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang Trần Thế Ngọc khẳng định: “Thành quả khai thác vùng ĐTM là kết tinh của biết bao trí tuệ và công sức của nhiều thế hệ lãnh đạo, từ trung ương đến địa phương cùng sự đoàn kết, cần cù, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền, quân - dân tỉnh nhà”.

Nói về yếu tố thành công trong việc khai thác vùng đất khó này, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Khang cho biết: Yếu tố cực kỳ quan trọng dẫn đến thành công chính là tỉnh chọn đúng mục tiêu, ưu tiên và chủ động trong biện pháp khai phá bằng đầu tư và phát triển hệ thống thủy lợi. Bởi, đây chính là con đường tối ưu và duy nhất trước khi tính đến phương án trồng cây gì, sản xuất gì… Qua đó, hình thành các trục kênh, mương kiên cố để lợi dụng các mùa mưa, lũ rửa phèn, cải tạo đất và những điều kiện thổ nhưỡng khác, từng bước hình thành các loại cây trồng thích hợp như khóm, khoai mỡ và sau này là lúa, cây ăn quả, thu hút dân cư vào phát triển sản xuất.

Từ sự khởi động, tập trung đầu tư đúng hướng cho thấy, đến nay toàn huyện Tân Phước đã hình thành và phát triển vùng khóm nguyên liệu với diện tích gần 15 nghìn hecta, sản lượng gần 250 nghìn tấn, tăng gần gấp đôi so với năm 2005; diện tích cây lúa hơn 17 nghìn hecta, sản lượng hơn 90 nghìn tấn, tăng 30 nghìn tấn so với năm 2005; diện tích cây ăn trái 15 nghìn hecta, tăng 4.500 hecta so năm 2005; nông nghiệp của vùng đã khởi sắc, nông dân khấm khá lên và nông thôn từng bước đổi mới. Từ một vùng đất hoang, dân cư thưa thớt, hiện dân cư Tân Phước đã tăng lên 58.700 người, mật độ dân số 176 người/km2. Bên cạnh đó, một số khu công nghiệp quy mô lớn đang hình thành như KCN Long Giang (540 hecta), cụm công nghiệp Phước Lập (25 hecta) cùng 364 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
 

Khóm chính là cây xóa đói, giảm nghèo, vươn lên khá, giàu của người dân huyện Tân Phước (Tiền Giang)

Vùng ĐTM hôm nay đã hoàn toàn thay đổi. Từ một vùng đất hoang vu, phèn chua, quanh năm ngập lũ, qua bàn tay, khối óc của con người, Tân Phước đã trở thành một huyện mới đông đúc dân cư, khởi sắc, kinh tế phát triển, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh vững chắc.

VÀ NHỮNG THÁCH THỨC

Những thành tựu quan trọng đạt được trong việc khai thác, phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐTM Tiền Giang đã rõ. Tuy nhiên, Tiền Giang cũng đang đối mặt với những thách mới về ô nhiễm môi trường, vấn đề bảo vệ đa dạng sinh thái.

Để có cái nhìn đầy đủ, tương đối toàn diện về công cuộc phát triển vùng ĐTM của Tiền Giang nói riêng và đồng bằng sông Cửu Long nói chung, nhằm xây dựng chiến lược phát triển vùng ĐTM một cách hài hòa và bền vững, đó là chủ đề chính trong Hội thảo khoa học Đánh giá quá trình khai thác phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐTM tỉnh Tiền Giang diễn ra ngày 13-8 tại Tiền Giang. Hơn 30 tham luận của các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, các viện, trường trong cả nước tham gia đóng góp. Theo đánh giá của Tiến sĩ Lương Quang Xô, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, ĐTM  là vùng đất giàu tiềm năng cho phát triển nông nghiệp, hơn hai thập kỷ qua đã đạt được những tiến bộ nhảy vọt cả về kinh tế và xã hội. Hàng năm đóng góp tổng sản lượng lương thực chiếm tới 20% của ĐBSCL, nhiều trung tâm kinh tế, văn hóa đã mọc lên, hàng loạt đường giao thông đã được xây dựng… Chính sự xây dựng hệ thống thủy lợi hợp lý, cải thiện chất lượng nước ở vùng ĐTM là nguyên nhân thúc đẩy nền kinh tế - xã hội phát triển. Trong thời gian tới, cần có những đề tài nghiên cứu, tổng kết quá trình làm thay đổi chất lượng nước ở vùng ĐTM, làm cơ sở cho việc áp dụng vào các vùng khác của ĐBSCL.

Các dự báo về biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tác động kép từ phía nguồn và biển và sự chuẩn bị để ứng phó tốt nhất cho tương lai vùng ĐTM và khu vực ĐBSCL, Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Nguyễn Ngọc Trân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển ĐBSCL cảnh báo: Cần xúc tiến các biện pháp bảo vệ bờ, hạn chế xói lở là những công việc nên tiến hành càng sớm càng tốt để làm cơ sở cho ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng… Ông đặc biệt lưu ý, trong thời kỳ phát triển đến năm 2020 và tầm nhìn xa hơn, bên cạnh việc phát triển kinh tế - xã hội theo hướng gia tăng hiệu quả sản xuất các vùng chuyên nông, ngư nghiệp, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa khu vực phía Đông và phía Nam, phát triển đồng bộ đô thị và nông thôn mới…, vùng ĐTM thuộc tỉnh Tiền Giang sẽ đứng trước thách thức đáng lưu ý về phân hóa thu hút đầu tư và phát triển giũa vùng đồng lũ và vùng ven sông Tiền, quốc lộ 1, về hóa trình chuyển dịch lao động và khả năng huy động, đào tạo nguồn nhân lực theo yêu cầu phát triển, về các vấn đề môi trường phát sinh trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp, đô thị và tác động của biến đổi khí hậu. Để khắc phục các hạn chế trên trong bối cảnh tái cơ cấu kinh tế, nhằm vào mục tiêu phát triển bền vững, cần thiết phải xác định chiến lược phát triển hợp lý cho vùng và các huyện trong vùng trong mối tương quan và đồng bộ hóa về xây dựng kết cấu hạ tầng, định hướng khai thác và phát triển lưu vực toàn vùng ĐTM thuộc ba tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp, Long An.

Một vấn đề cần quan tâm nữa là du lịch sinh thái vùng ĐTM, Tiến sĩ khoa học Lê Hữu Hải, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang khuyến nghị: Việc bảo tồn và khai thác du lịch ở khu du lịch sinh thái ĐTM cần gắn kết với quá trình chuyển giao công nghệ, nhằm thực hiện tốt công tác bảo tồn cảnh quan thiên nhiên. Kêu gọi sự tham gia của các nhà khoa học ở một số lĩnh vực có liên quan. Chuẩn bị nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn làm du lịch. Cần có chính sách cụ thể hỗ trợ cho nông dân làm du lịch, đảm bảo lợi ích thỏa đáng giữa người nông dân với các thành phần tham gia vào hoạt động du lịch; có chính sách thu hút các nhà đầu tư tham gia phát triển du lịch sinh thái vùng ĐTM…

Tấn Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập913
  • Máy chủ tìm kiếm32
  • Khách viếng thăm881
  • Hôm nay48,137
  • Tháng hiện tại1,180,784
  • Tổng lượt truy cập34,766,429
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây