Kết quả bước đầu của cuộc Hội thảo khoa học “Võ Tánh trong bối cảnh lịch sử Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII”

Thứ ba - 16/12/2014 22:39
Ngày 15-12-2014, tại Hội trường Tỉnh ủy Tiền Giang, Tỉnh ủy tổ chức cuộc Hội thảo khoa học “Võ Tánh trong bối cảnh lịch sử Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII”. Tham dự hội thảo có ông Trương Minh Nhựt - Vụ trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đại diện Viện Sử học Việt Nam; các giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học ở các viện nghiên cứu trong nước, các trường đại học và các cơ quan chức năng, các địa phương, các nhà nghiên cứu tại tỉnh Tiền Giang. TS. Trần Thế Ngọc, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đến dự và kết luận hội thảo. 
TS. Trần Thế Ngọc, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu
TS. Trần Thế Ngọc, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu
Ở vùng Gò Công tỉnh Tiền Giang có nhiều di tích và cơ sở thờ Võ Tánh. Ngoài Võ Quốc Công miếu ở ấp Gò Tre, xã Long Thuận, thị xã Gò Công, Võ Tánh còn được thờ ở một số đình miếu khác. Hằng năm cứ đến ngày giỗ của Võ Tánh có hàng ngàn người dân Gò Công và nhân dân các vùng lân cận đến cúng viếng, tạo nên nét sinh hoạt tâm linh nổi bật ở vùng Gò Công trong hơn một thế kỷ qua. Năm 2005, miếu Võ Tánh tại xã Long Thuận, thị xã Gò Công được Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, nhưng hiện nay đã xuống cấp trầm trọng. Để có cái nhìn khách quan, khoa học, cần có hội thảo để đi đến sự thống nhất (tương đối) về nhân vật Võ Tánh trong lịch sử và tín ngưỡng thờ Võ Tánh ở vùng Gò Công.

Một số vấn đề chủ yếu được nêu ra và làm sáng tỏ trong hội thảo:

1. Về bối cảnh lịch sử nửa cuối thế kỷ XVIII

Nhiều tham luận có cái nhìn chung về bối cảnh nửa sau thế kỷ XVIII, đó là: Các tập đoàn phong kiến thống trị ở nước ta, Đàng Trong cũng như Đàng Ngoài ngày càng lún sâu vào con đường xa hoa, trụy lạc, tách rời cuộc sống ngày càng cùng cực của tầng lớp nông dân nghèo khổ. Mâu thuẫn xã hội ngày càng gay gắt, dẫn đến cuộc khởi nghĩa nông dân do ba anh em Tây Sơn lãnh đạo, với khẩu hiệu “lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo” nhanh chóng thành cuộc cách mạng nông dân với quy mô ngày càng rộng lớn, lật nhào chính quyền của các bạo chúa. Từ năm 1783, lực lượng còn sót lại của Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn đánh bật ra khỏi vùng Gia Định, phải cầu cứu quân Xiêm và tư bản Pháp. Đầu năm 1785, quân Tây Sơn nhấn chìm mộng xâm lăng của Xiêm tại Rạch Gầm - Xoài Mút (tỉnh Tiền Giang), diệt gần 5 vạn quân Xiêm và tàn binh của Nguyễn Ánh.

Ở Đàng Ngoài, Lê Chiêu Thống cầu cứu quân Thanh. Thế là 29 vạn quân Thanh sang xâm lược nước ta, bị quân Tây Sơn đánh tan vào ngày mùng 5 Tết Kỷ Dậu (1789) tại Ngọc Hồi - Đống Đa. Chiến thắng quân Thanh xâm lược, Tây Sơn cơ bản xóa bỏ được ranh giới sông Gianh chia cắt đất nước ta suốt cả 2 thế kỷ.

Gia Định là vùng mới được khai thác, lại xa Phú Xuân, sự cai trị của chính quyền chúa Nguyễn còn lỏng lẻo, nhân dân chưa bị khổ sở về nạn Trương Phúc Loan, nên không căm thù họ Nguyễn như người miền Trung. Phần đông sĩ phu Gia Định vẫn cho rằng “trung quân tức là ái quốc” - một lối suy nghĩ không còn phù hợp trong bối cảnh lịch sử hiện tại.

2. Về thân thế và cuộc đời hoạt động của Võ Tánh   

Nhiều tham luận cho rằng, quê gốc của ông ở huyện Phước An (nay là huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), sau dời về huyện Bình Dương thuộc Phiên Trấn (nay là thành phố Hồ Chí Minh). Nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường nói rõ hơn: Võ Tánh là người Tắc Khái (Cửa Lấp - Vũng Tàu), đến đời nội tổ thì dời đến huyện Bình Dương. Về gia thế của Võ Tánh, PGS. TS Nguyễn Minh Tường cung cấp: “Ông nội của Võ Tánh tên là Võ Đỗ được triều Nguyễn truy tặng chức Cai cơ, cha là Võ Toán được tặng chức Chưởng cơ, anh là Võ Nhàn làm quan đến chức Cai cơ, vốn là thuộc tướng của Đỗ Thanh Nhân”. Như thế, Võ Tánh xuất thân từ một gia đình võ quan dưới thời chúa Nguyễn.

Về những hoạt động của ông ở vùng Gò Tre (Gò Công) được hầu hết các tham luận đề cập, cho thấy, đối với nhân dân vùng Gò Tre, nơi ông lập Đạo Kiến Hòa, giương ngọn cờ “Khổng Tước Nguyên Võ”, ông có công dẹp được nạn trộm cướp, đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân; hơn nữa, ông để lại những công trình về thủy lợi, về những ao nước ngọt cho binh lính và nhân dân sử dụng… góp phần cải thiện đời sống cho nhân dân. Những việc làm ấy được nhân dân Gò Công ghi ơn.

Về việc Võ Tánh tham gia trong hàng ngũ Nguyễn Ánh có nhiều tham luận đánh giá khác nhau. Một số ít tham luận dựa hẳn vào “Đại Nam thực lục” và “Đại Nam chính biên liệt truyện” đã đề cao mọi hoạt động của Võ Tánh. Nhưng, có một số tham luận khác trình bày không theo quan điểm của các cuốn sử triều Nguyễn:

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Hiếu giải thích: “Theo Tây Sơn hay Nguyễn Ánh là sự lựa chọn hết sức khó khăn cho con người trong thời đại Võ Tánh; riêng đối với con người thức thời như Võ Tánh lại càng khó hơn, vì với Nguyễn Ánh, ông còn mối thù giết anh… Nhưng sau khi Nguyễn Ánh về nước và 2 lần cử người mang lễ vật đến thuyết phục ông; ông dẹp bỏ thù riêng, lấy mục tiêu của Nguyễn Ánh làm mục tiêu cho đời mình, vì cả hai đều là một, và theo đuổi đến hơi thở sau cùng”.

PGS.TS Nguyễn Minh Tường đặt vấn đề khoa học khi cho rằng:“Khi tìm hiểu lịch sử Tây Sơn, chúng ta cần phân biệt 2 thời kỳ mà cuộc đấu tranh giữa Tây Sơn với các thế lực đối lập mang tính chất rất khác nhau:

- Thời kỳ thứ nhất: là thời kỳ khởi nghĩa và phát triển của phong trào Tây Sơn từ năm 1781 đến năm 1789. Đây là thời kỳ mà phong trào Tây Sơn trở thành ngọn cờ yêu nước, cổ vũ và quy tụ mọi lực lượng yêu nước trong các tầng lớp xã hội, kể cả không ít trí thức, quan lại cao cấp của chính quyền cũ. Đây là nguồn gốc sâu xa, cùng với tài năng tổ chức và lãnh đạo của Nguyễn Huệ, tạo nên sức mạnh quật khởi của cả dân tộc, sức mạnh của tinh thần yêu nước và đoàn kết dân tộc để có thể quật đổ chế độ của chúa Nguyễn ở Đàng Trong, chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, đánh bại quân Xiêm năm 1785 và đại phá quân Thanh xâm lược 1789.

- Thời kỳ thứ hai: là thời kỳ vương triều Tây Sơn. Chuyển sang thời kỳ này, quan hệ giữa chính quyền Tây Sơn và nhân dân dần dần thay đổi. Chính quyền của Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ sớm tự làm mất đi sự hậu thuẫn trong nhân dân và do đó thất bại nhanh chóng trước cuộc phản công của Nguyễn Ánh. Chính quyền Quang Trung (1789-1792) với những chính sách tích cực chăm lo khôi phục và phát triển kinh tế, mở mang văn hóa, gìn giữ an ninh xã hội, kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia, tồn tại vững vàng và tiêu biểu cho một vương triều tiến bộ. Nhưng tiếc rằng, vua Quang Trung từ trần đột ngột vào ngày Nhâm Tý (15-9-1792).

Sau khi Quang Trung mất, triều Quang Trung dưới sự trị vì của Quang Toản suy yếu nhanh chóng, các mâu thuẫn và xung đột nội bộ bùng nổ. Có thể nói, từ những năm giữa thập kỷ 90 của thế kỷ XVIII (cũng trùng hợp với thời gian mà Võ Tánh tham gia hàng ngũ của Nguyễn Ánh) trở đi, triều Quang Toản thoái hóa rất nhanh, càng ngày càng mất lòng dân và không thể coi là một triều tiến bộ.

Do đó, có thể nói, từ đây cuộc chiến tranh giữa Nguyễn Ánh và triều Tây Sơn - Quang Toản đã chuyển hóa thành cuộc đấu tranh giữa 2 thế lực phong kiến.

Phân biệt 2 thời kỳ của Tây Sơn cho phép chúng ta phân biệt được 2 thời kỳ mà Võ Tánh tham gia trong hàng ngũ Nguyễn Ánh. Tham luận của Lê Bá Gia nêu: “Có thể nói, Võ Tánh là một bậc trung liệt đối với triều Nguyễn. Ở Võ Tánh có 2 thời kỳ cần phân biệt, đó là:

- Từ nhỏ đến 1792. Ở thời kỳ này, Võ Tánh phục vụ cho chúa Nguyễn khi mà chúa Nguyễn đi vào thời kỳ suy tàn do chế độ mà chúa Nguyễn tạo ra hà khắc, dẫn đến tình trạng đối lập với nông dân nghèo khổ. Và phong trào nông dân phát triển không những xóa bỏ chế độ cai trị của chúa Nguyễn, mà còn đánh đuổi giặc ngoại xâm là Xiêm và Mãn Thanh vốn được các tập đoàn phong kiến rước về để giày xéo đất nước, xóa được ranh giới sông Gianh từng chia cắt 2 miền của Tổ quốc ta. Nguyễn Huệ - Quang Trung, vị lãnh tụ xuất sắc của phong trào đã lập ra một triều đại mới, tiến bộ hơn. Sự nghiệp của Võ Tánh thời kỳ này là giúp Nguyễn Ánh khôi phục lại địa vị đã mất của chúa Nguyễn, không thể nói công trạng của Võ Tánh trong thời kỳ này là vì dân vì nước, mà chủ yếu là để khôi phục, duy trì quyền lợi của giai cấp thống trị đang bị mất.

- Từ năm 1792 đến 1801, thời kỳ mà Nguyễn Quang Toản, con thứ của Quang Trung lên ngôi vua, nối ngôi lúc chưa đầy 10 tuổi, không biết được việc triều chính, để các quan lộng hành, bài xích lẫn nhau, nhân dân lâm vào cảnh khốn khổ, huynh đệ tương tàn. Việc thay đổi chính quyền Quang Toản trở thành một yêu cầu lịch sử. Võ Tánh giúp Nguyễn Ánh làm điều thay đổi đó, để ra đời một triều đại mới trong một đất nước thống nhất, là phù hợp với quy luật phát triển của lịch sử”.  

Như thế, việc đánh giá Võ Tánh qua hai thời kỳ nêu trên mở ra một hướng nghiên cứu mới. Vấn đề này cần được tiếp tục nghiên cứu để có sự đánh giá khách quan và khoa học hơn.

3. Vấn đề tư liệu về Võ Tánh

Hội thảo cung cấp một số tư liệu mới, cả tư liệu thành văn, tư liệu thực địa, tư liệu dân gian, làm phong phú thêm cuộc đời của Võ Tánh, thời đại của ông và xã hội vùng Gò Công nửa sau thế kỷ XVIII. Các tác giả: Tiến sĩ Lê Văn Tý, Tiến sĩ Nguyễn Phúc Nghiệp, Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Thắng, nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường, nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Phan, thầy giáo Phan Thanh Sắc… cung cấp thêm tư liệu mới về những năm Võ Tánh hội binh tại Gò Tre, về người mẹ nuôi của ông, về những công trình do ông tạo ra, về tình cảm của nhân dân vùng Gò Công đối với ông, về dấu ấn ông trong dân gian và nghệ thuật, về đặc trưng của người Gò Công… Đặc biệt, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Thuần cung cấp cho hội thảo một bản dịch về Võ Tánh trong ghi chép của bộ “Đại Nam liệt truyện” và chú giải tường tận toàn bộ phần viết về Võ Tánh trong bộ sách này. Đây thực sự là một tư liệu quý, giúp các nhà nghiên cứu và những ai quan tâm đến nhân vật Võ Tánh tiếp tục nghiên cứu để đánh giá về ông xác đáng hơn.

4. Về tín ngưỡng thờ cúng Võ Tánh ở vùng Gò Công

 Nhiều tác giả, nhất là các tác giả địa phương, bằng tư liệu thực địa, cung cấp cho hội thảo những minh chứng sinh động về tín ngưỡng thờ cúng Võ Tánh. Nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường cung cấp cho hội thảo nội dung sắc cấp cho Tập - Nghĩa - hội ở làng Thành phố năm Bảo Đại thứ 8 (1933) và sắc cấp cho làng Long Thạnh, tổng Hòa Đồng Hạ, tỉnh Gò Công phụng sự Hoài Quốc Công Võ Công Tánh năm Bảo Đại thứ 17 (1942). Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Phan cung cấp những giai thoại, những tác phẩm văn học liên quan tới cuộc đời Võ Tánh. Một số tác giả khác cung cấp thêm địa chỉ mà hiện nay nhân dân Gò Công đang thờ cúng ông. Ngoài Võ Quốc Công Miếu ở thị xã Gò Công, có ít nhất 10 nơi khác ở các đình, dinh, lăng, miếu thuộc thị xã Gò Công và các huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây, phần lớn tại các cơ sở thờ tự này đều thờ Võ Tánh với hình thức phối tự, khi đã có thờ các vị thần khác.

Giải thích về hiện tượng tôn thờ Võ Tánh, PGS.TS Nguyễn Minh Tường cho rằng: “Quan niệm về đạo đức của người phương Đông thời trước chịu ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo Khổng - Mạnh nên rất đề cao lòng trung nghĩa và hết sức chê trách, khinh bỉ sự phản bội. Những bậc anh hùng - trung nghĩa trong lịch sử như: Nguyễn Bặc, Trần Bình Trọng, Lê Lai, Võ Tánh, Ngô Tùng Châu… luôn được nhân dân ta tôn thờ như những đấng thần linh, đáng ngưỡng vọng”. Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Phan cho rằng: “Người dân Gò Công thờ cúng Hoài Quốc công khá muộn, theo dạng thức tín ngưỡng nửa dân gian, nửa chính thống. Yếu tố dân gian được nuôi dưỡng tâm thức dân Việt ở Nam bộ là thờ cúng những người chưa hết nghiệp (gọi chung là cô hồn) theo quan niệm “sinh vi tướng tử vi thần”. Hơn nữa, giai đoạn này tâm lý dân chúng chi phối bởi phong trào bài văn hóa phương Tây. Gò Công lúc bấy giờ có những nhân vật trí thức tân học nhưng tư tưởng Nho giáo còn khá nặng… nên việc thành lập Tập Nghĩa hội thờ cúng Hoài Quốc Công là sự lựa chọn phù hợp”.

Nhìn chung, hầu hết các tham luận đều khẳng định Võ Tánh là bậc trung liệt, tiết nghĩa, theo quan niệm đạo đức của người phương Đông thời trước là tôn thờ người trung nghĩa, bởi vậy việc thờ cúng Võ Tánh ở vùng Gò Công - nơi Võ Tánh có nhiều đóng góp cho địa phương và cứu mạng nhiều binh lính người Gò Công trong thành Bình Định là theo quan niệm đạo đức ấy.  

5. Về Võ Quốc Công miếu tại Gò Tre và việc trùng tu, tu bổ di tích

Trong một số tham luận, di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh: Võ Quốc Công miếu được đề cập. Với di tích Võ Quốc Công miếu, được xây dựng từ năm 1956 và hoàn thành năm 1958, được UBND tỉnh Tiền Giang công nhận di tích lịch lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 2005, là kiến trúc dạng đền miếu truyền thống của Nam bộ. Nay di tích đã xuống cấp trầm trọng, cần thiết phải trùng tu, tu bổ theo Quy định của UBND tỉnh Tiền Giang về trùng tu, tôn tạo các di tích cấp tỉnh.

Việc trùng tu, tu bổ di tích, có ý kiến cho rằng cần thực hiện theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” và “xã hội hóa việc trùng tu, tu bổ di tích” để tạo sự trách nhiệm của cộng đồng trong bảo vệ, bảo tồn và tôn tạo di tích.

Tuy nhiên, trong hội thảo bên cạnh những vấn đề được sự đồng thuận cao vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu thêm. Việc trùng tu miếu thờ Võ Tánh là cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu đời sống tâm linh của nhân dân Gò Công, nhưng để giáo dục truyền thống thì nên nghiên cứu thêm. Vì cùng thời với Võ Tánh có đô đốc quân Tây Sơn Mạc Văn Thành - người Gò Công có công lớn đánh tan quân Xiêm, quân Thanh và anh dũng hy sinh, nhưng cho đến nay ít người biết đến và chưa có nơi thờ tự. Tương tự, còn có nhiều người khác có công với nước, với dân như Đỗ Trình Thoại anh hùng chống quân Pháp xâm lược và hy sinh; Trần Thị Sanh - vợ Anh hùng dân tộc Trương Định, người có công đóng góp công sức rất to lớn trong cuộc khởi nghĩa của Trương Định vẫn chưa có nơi thờ tự…

Cuộc hội thảo giải quyết được nhiều vấn đề cơ bản về nhân vật Võ Tánh và tín ngưỡng thờ cúng Võ Tánh của nhân dân Gò Công. Đây là cơ sở khoa học để Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang chủ trương trùng tu những di tích liên quan đến nhân vật Võ Tánh. Trên cơ sở đó định hướng và quản lý tốt hơn nét sinh hoạt thờ cúng Võ Tánh của nhân dân Gò Công đi vào nền nếp, văn minh. Trước mắt vào năm 2015, tỉnh Tiền Giang sẽ trùng tu Võ Quốc Công miếu ở ấp Gò Tre, xã Long Thuận, thị xã Gò Công.

TS. Lê Văn Tý

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập699
  • Máy chủ tìm kiếm17
  • Khách viếng thăm682
  • Hôm nay53,387
  • Tháng hiện tại1,186,034
  • Tổng lượt truy cập34,771,679
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây