Khi chủ trương “chung sống với lũ” đi vào đời sống

Thứ tư - 22/10/2014 02:25
Thời điểm cuối tháng 9/2014, khi con nước lũ từ đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu đang cuồn cuộn đổ về xuôi uy hiếp những vựa lúa, vựa cá, vựa cây ăn quả đặc sản phía hạ lưu đồng bằng sông Cửu Long thì ở Cai Lậy, Cái Bè, Tân Phước (trong vùng Đồng Tháp Mười) bà con đang vui với những vụ mùa bội thu.
Chăm sóc dưa hấu trên ruộng ở xã Thạnh Lộc, huyện Cai Lậy
Chăm sóc dưa hấu trên ruộng ở xã Thạnh Lộc, huyện Cai Lậy
Tiền Giang có 4 huyện đầu nguồn chịu ảnh hưởng lũ lụt sông Cửu Long hàng năm: Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước và Châu Thành. Trước đây, cứ đến mùa lũ nước ngập sâu nhấn chìm nhà cửa, vườn tược, ruộng đồng khiến nông dân phải gian nan chạy lũ cực khổ trăm bề. Nhất là trận lũ lịch sử năm 2000 gây thiệt hại lớn cho sản xuất, đời sống các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long trong đó có Tiền Giang. Đúc kết kinh nghiệm đối phó với thiên tai, sau trận lũ kinh hoàng trên, các huyện đầu nguồn tích cực chuyển đổi sản xuất, bố trí lại dân cư, hoàn thiện mạng lưới thủy nông, đê điều tạo điều kiện để bà con “chung sống với lũ” và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.

Cụ thể, tỉnh qui hoạch lại khu vực phía bắc quốc lộ 1 trồng lúa năng suất cao mỗi năm 3 vụ nhưng phải tuân thủ lịch thời vụ xuống giống đồng loạt, vừa né rầy vừa né lũ gây hại cho lúa vụ ba. Khu vực phía nam quốc lộ 1 định hình vùng trồng chuyên canh cây ăn quả đặc sản: xoài cát Hòa Lộc, bưởi Năm Roi, sầu riêng, vú sữa Lò Rèn, cây có múi... Tương tự, đối với Tân Phước nằm trong vùng Đồng Tháp Mười xây dựng vùng khóm nguyên liệu phục vụ tiêu dùng và chế biến xuất khẩu. Trong từng vùng khuyến khích nông dân chuyển đổi sản xuất phù hợp: đưa cây màu xuống chân ruộng theo mô hình luân vụ lúa + màu đối với vùng trồng lúa năng suất cao, VAC đối với vùng trồng cây ăn quả đặc sản và vùng khóm nguyên liệu... Đồng thời, tỉnh tăng cường đầu tư hoàn thiện mạng lưới thủy nông dẫn thủy nhập điền, tưới tiêu phục vụ sản xuất: hoàn thiện mạng lưới đê bao kết hợp xây dựng trạm bơm điện ngăn lũ, tiêu úng cho vùng khóm nguyên liệu; đầu tư cho các dự án thủy lợi lớn như dự án 5 trục thoát lũ, xây dựng hai ô bao lớn đông và tây Ba Rài ngăn lũ triệt để bảo vệ vùng trồng cây ăn quả đặc sản kết hợp khuyến khích chuyển đổi từ trồng lúa sang lập vườn cây đặc sản trong vùng qui hoạch...

Chủ trương đúng, cách làm hay đã giúp thay đổi hẳn diện mạo nông nghiệp - nông dân - nông thôn trên những vùng đất khó. Trước mắt, Tiền Giang ổn định được vùng trồng lúa năng suất cao trên 40.000 ha tại các huyện vùng lũ đầu nguồn, vùng trồng cây ăn quả đặc sản phía nam quốc lộ 1 trên 32.000 ha, vùng khóm nguyên liệu ở Tân Phước trên 15.000 ha. Theo ông Huỳnh Văn Bườn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phước, diện tích khóm tại địa phương đều cơ bản có đê bao ngăn lũ khép kín bảo vệ kèm theo đó là 135 trạm bơm điện; 135 tổ bơm tát có nhiệm vụ hộ đê, tổ chức bơm tát tiêu úng khi cần thiết. Đối với vùng trồng cây ăn quả phía nam quốc lộ 1, Tiền Giang đang triển khai Dự án 5 trục thoát lũ đồng thời khẩn trương hoàn thiện các công trình cống đập, đê bao và kiến thiết hạ tầng cho vùng chuyên canh trong khuôn khổ dự án ô bao tránh lũ đông và tây sông Ba Rài bảo vệ cho hàng chục ngàn ha đất trồng cây ăn quả.

Mùa lũ năm nay, nhờ vậy, những miền đất khó nở hoa. Thời điểm cuối tháng 9/2014, khi con nước lũ từ đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu đang cuồn cuộn đổ về xuôi uy hiếp những vựa lúa, vựa cá, vựa cây ăn quả đặc sản phía hạ lưu đồng bằng sông Cửu Long thì ở Cai Lậy, Cái Bè, Tân Phước (trong vùng Đồng Tháp Mười) bà con đang vui với những vụ mùa bội thu, cuộc sống an cư lạc nghiệp, nhiều hộ dân giàu có hẳn lên nhờ tranh thủ thời cơ có một không hai chuyển đổi sản xuất theo chủ trương “chung sống với lũ”. Điển hình như: ở Mỹ Thành Bắc - một xã đầu nguồn tiếp giáp với vùng Đồng Tháp Mười của huyện Cai Lậy nông dân đang tất bật thu hoạch vụ hè thu được đánh giá trúng mùa và trúng giá. Theo ông Trần Văn Biên, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thành Bắc, trong vụ hè thu chính vụ, nông dân địa phương gieo sạ được 1.265 ha. Đến nay, bà con đã thu hoạch được gần 1.000 ha với năng suất bình quân 65 tạ/ha. Giá lúa hè thu thương lái thu mua trên dưới 5.000 đ/kg, tăng hơn thời điểm đầu vụ khoảng 1.000 đ/kg, mỗi ha nông dân đạt giá trị sản xuất khoảng 32 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi 13 triệu đồng đến 15 triệu đồng. Hiện nay, nông dân Mỹ Thành Bắc đang khẩn trương thu hoạch nốt gần 300 ha lúa hè thu còn lại nhanh gọn trước lũ một cách an toàn để tiếp tục cày trục, ngâm lũ chuẩn bị cho sản xuất đông xuân 2014 - 2015 sắp tới.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, trong vụ hè thu 2014, các huyện vùng ngập lũ phía tây: Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Tân Phước đã gieo sạ được tổng cộng trên 40.000 ha. Tính đến cuối tháng 9/2014, nông dân đã cơ bản thu hoạch xong với năng suất bình quân đạt 50,9 tạ/ha, chỉ còn 685 ha thu hoạch sau thời điểm 30/9/2014 gồm huyện Cái Bè còn 470 ha, Tân Phước còn 215 ha dự kiến thu hoạch toàn bộ trước khi lũ về. Nhìn chung, năng suất cao, lúa có giá, nông dân Tiền Giang giành một vụ bội thu nên rất phấn khởi.

Tương tự, ở Tân Phước trong những ngày này, giá khóm đạt trên dưới 6.000 đ/kg, gấp ba lần so với tháng trước và tăng mạnh nhất từ trước đến nay. Theo ông Lê Quang Diền, nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi đang canh tác 2 ha khóm tại xã Tân Hòa Đông, Tân Phước: khóm đạt năng suất 25 tấn/ha và với giá trên, mỗi ha đạt giá trị sản xuất 150 triệu đồng trong đó mức lãi thu được hàng trăm triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Miền, Chủ tịch UBND xã Tân Hòa Đông cho biết thêm: nằm trong vùng trũng Đồng Tháp Mười, Tân Hòa Đông đã hình thành được vùng trồng khóm chuyên canh trên 1.700 ha trong đó 100% đều có đê bao bảo vệ nên nông dân rất an tâm sản xuất, thâm canh trong mùa lũ lụt. Nhờ khai thác tiềm năng đất đai Đồng Tháp Mười trồng khóm chuyên canh mà bà con miền đất mới có thu nhập ổn định, nhiều hộ giàu lên như trường hợp ông Lê Quang Diền nhiều năm liền là nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi của địa phương. Ông Nguyễn Văn Miền nhấn mạnh.

Tháng 9/2014 cũng là thời điểm Cẩm Sơn long trọng kỷ niệm 47 năm Chiến thắng Ba Rài lịch sử (15/9/1967 - 15/9/2014) trong không khí phấn khởi bởi bà con đạt hiệu quả sản xuất cao nhờ vào phát huy hiệu quả ngăn lũ của hai ô bao Đông - Tây Ba Rài. Ông Trần Văn Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Sơn cho biết: Trước đây, trong trận lũ 2000 gần như 100% diện tích sản xuất của địa phương đều bị thiệt hại. Từ khi hai ô bao tránh lũ Đông - Tây Ba Rài được xây dựng bảo vệ trên 7.900 ha đất canh tác trên địa bàn các huyện Cai Lậy và thị xã Cai Lậy trong đó có trên 1.000 ha đất canh tác của xã Cẩm Sơn, nông dân đã tích cực chuyển đổi từ trồng lúa sang lập vườn quả đặc sản gồm: gần 500 ha sầu riêng chuyên canh, trên 150 ha mít Thái siêu sớm, trên 140 ha cây có múi, còn lại là các cây trồng khác.

Đáng mừng là thời điểm mùa lũ năm nay, trái cây đặc sản của địa phương đều có giá. Sầu riêng giá trên 40.000 đ/kg, mít Thái siêu sớm loại I trên 20.000 đ/kg, tăng gấp đôi so với tháng trước. Với giá trên, mỗi ha đất vườn quả chuyên canh cho bà con lợi nhuận trên 100 triệu đồng, gấp ba lần trồng lúa năng suất cao. Đặc biệt, những hộ dân vùng chuyên canh sầu riêng áp dụng kỹ thuật thâm canh xử lý cho trái vào mùa nghịch lợi nhuận 300 - 500 triệu đồng/ha. Nhờ đó, bà con có thể làm giàu từ vườn cây ăn quả đặc sản trên vùng lũ lụt năm xưa.

Điển hình nông dân giỏi, có thu nhập cao nhờ chuyển đổi sản xuất theo hướng “chung sống với lũ” trên quê hương Chiến thắng Ba Rài có các ông: Mười Hiếu, Mười Đây chuyên canh sầu riêng; Hồ Văn Lập chuyên canh mít Thái siêu sớm vừa là chủ thương hiệu “Mít giống Ba Lập” đã được công nhận thương hiệu độc quyền. Rõ ràng, chủ trương “chung sống với lũ” bằng những bước đi và biện pháp phù hợp mà Tiền Giang thực hiện trong các năm qua đã thiết thực giúp những miền đất khó đầu nguồn phát huy tốt tiềm năng đất đai, lao động để giảm nghèo nông thôn cũng như xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp.

Minh Trí

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập221
  • Máy chủ tìm kiếm64
  • Khách viếng thăm157
  • Hôm nay41,706
  • Tháng hiện tại799,121
  • Tổng lượt truy cập39,168,497
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây