Nông thôn mới, sức sống mới trên quê hương Khởi nghĩa Nam Kỳ

Chủ nhật - 29/11/2020 21:48
Xã Long Hưng, huyện Châu Thành được xem là cái nôi cách mạng, quê hương Khởi nghĩa Nam kỳ lẫm liệt cách đây 80 năm. Vào ngày diễn ra cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ 23/11/1940, đình Long Hưng (xã Long Hưng) là trụ sở của Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). Lá cờ đỏ sao vàng đầu tiên của nước ta được treo tại đình này trong thời gian diễn ra khởi nghĩa.

Ông Đoàn Văn Hiếu, ấp Long Bình A chăm sóc đàn dê gia đình.
Ông Đoàn Văn Hiếu, ấp Long Bình A chăm sóc đàn dê gia đình.
Trong ngày 23/11/1940, giữa cao trào khởi nghĩa, tại đình Long Hưng, trước sự chứng kiến của 3.000 đồng bào, chính quyền cách mạng tỉnh Mỹ Tho ra mắt nhân dân. Đây là chính quyền cách mạng cấp tỉnh được thành lập đầu tiên trên cả nước. Tòa án nhân dân tỉnh Mỹ Tho cũng được thành lập tại đây trong thời gian này. Đó thực sự là Tòa án cách mạng cấp tỉnh đầu tiên ở nước ta.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Long Hưng nằm trong 6 xã của Vành đai diệt Mỹ Bình Đức nổi tiếng gồm: Bình Đức, Thạnh Phú, Long Hưng, Song Thuận, Phước Thạnh, Thới Sơn (huyện Châu Thành), hình thành thế bao vây căn cứ Đồng Tâm, nơi đồn trú của Sư đoàn 9 (Mỹ) và sư đoàn 7 (Ngụy). Với đặc thù trên, Long Hưng có nhiều thành tích trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quí Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 1978.

Nhiều tấm gương liệt sĩ oanh liệt hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh chống giặc ngoại xâm kể từ khi có Đảng. Trong Khởi nghĩa Nam kỳ có tấm gương tuẫn tiết để tránh sa vào tay giặc của 4 liệt sĩ: Nguyễn Văn Ghè, Lê Văn Giác, Nguyễn Văn Quới và Nguyễn Văn Huân. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Long Hưng có 03 cá nhân được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đó là Anh hùng liệt sĩ Lê Thị Hồng Gấm, Anh hùng liệt sĩ Hồ Văn Nhánh, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Hữu Danh. Còn theo Phó Bí thư Đảng ủy xã Long Hưng Nguyễn Minh Huấn, địa phương hiện có 102 Mẹ Việt Nam anh hùng trong đó có 5 Mẹ còn sống, 144 thương binh và 614 liệt sĩ.

Là miền đất anh hùng, căn cứ cách mạng, cái nôi Cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ tại Tiền Giang cho nên Long Hưng cũng gánh chịu hậu quả chiến tranh hết sức nặng nề. Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Long Hưng Thái Văn Kha, cháu ngoại liệt sĩ Nguyễn Văn Quới hy sinh trong cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940 cho biết, hưởng ứng chủ trương tiêu thổ kháng chiến, nhân dân địa phương phá lộ, phá đường, đào kênh chống chiến xa không cho địch càn quét, tản cư ra đồng bỏ vườn không nhà trống… Do vậy, tấn công vào Long Hưng coi như giặc lâm vào tuyệt lộ, thiệt hại nặng nề.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Long Hưng phát huy truyền thống cách mạng hào hùng, ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, huy động các nguồn lực đất đai, lao động xây dựng lại quê hương “đàng hoàng, to đẹp”. Phó Bí thư Đảng ủy xã Long Hưng Nguyễn Minh Huấn cho biết, xã có diện tích tự nhiên gần 1.500 ha, trên 3.700 hộ dân với trên 15.000 nhân khẩu đang sinh sống trên địa bàn 9 ấp.

Là xã thuần nông, Long Hưng dựa vào hai thế mạnh trồng trọt và chăn nuôi. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo nhân dân quan tâm làm thủy lợi nội đồng, khai hoang phục hóa, đảm bảo nguồn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất gắn với chuyển giao khoa học nông nghiệp đồng thời với mạnh dạn chuyển đổi cây trồng vật nuôi thích ứng biến đổi khí hậu.

Để tạo thuận lợi cho người dân sản xuất thành công, Long Hưng huy động các nguồn vốn đầu tư kiến thiết hạ tầng nông thôn: điện, đường, trường trạm… tạo chuyển biến mạnh mẽ trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa xã hội, giáo dục, xây dựng nông thôn mới. Trong 5 năm qua (2015 - 2020), Long Hưng đã đầu tư gần 30,8 tỷ đồng thực hiện 24 công trình giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng,… tổng chiều dài 22.500 m trong đó riêng nhân dân đóng góp 10,3 tỷ đồng. Chưa kể, nguồn vốn đầu tư của tỉnh, huyện cho các công trình trọng điểm trên địa bàn lên đến trên 200 tỷ đồng đã góp phần tạo thêm động lực để Long Hưng vươn lên mạnh mẽ trên con đường phát triển thời kỳ đổi mới và hội nhập.

Trong năm 2020, Tiền Giang còn đầu tư 85 tỷ đồng bắc cầu Long Hưng qua kênh Nguyễn Tấn Thành trên đường huyện 35. Đây là công trình giao thông trọng điểm chào mừng đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Từ nay, việc lưu thông giữa các ấp phía đông và các ấp phía tây xã Long Hưng không còn phải đò giang cách trở. Giao thương thuận lợi, dễ dàng, đáp ứng nguyện vọng của bà con. Công trình này tạo đòn bẩy thúc đẩy kinh tế - xã hội xã Long Hưng nói riêng và vùng phía Nam Quốc lộ 1 thuộc các huyện Châu Thành, Cai Lậy, thị xã Cai Lậy phát triển lên một tầm cao mới.

Có cơ chế, chính sách và những giải pháp mang tính đòn bẩy đã tạo thêm động lực cho người dân trong việc huy động mọi nguồn lực xây dựng quê hương. Vừa qua, nông dân Long Hưng chuyển toàn bộ diện tích đất trồng lúa bấp bênh trước đây sang lập vườn trồng cây ăn quả, trồng rau màu. Bên cạnh đó, mở mang chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi dê, bò lồng ghép trong các mô hình kinh tế tổng hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao, nâng cao thu nhập cho nông hộ và nông nghiệp, nông thôn đổi mới

Long Hưng hình thành vùng trồng cây ăn quả trên 1.000 ha với những chủng loại cây trồng đặc sản có giá trị kinh tế cao như: Vú sữa lò rèn Vĩnh Kim, sa pô chê, bưởi da xanh, dừa,… Về rau màu, địa phương xây dựng được vùng sản xuất chuyên canh các loại rau màu thực phẩm: hành, hẹ, bầu, bí, mướp,…trên 200 ha, cung ứng sản phẩm quanh năm cho thị trường, mang lại cho người dân một nguồn lợi lớn. Ngành chăn nuôi cũng đang trên đà phát triển với đàn lợn trên 5.000 con, đàn bò 450 con, đàn dê 3.200 con và đàn gia cầm 55.000 con.

Ông Đoàn Văn Hiếu, nhà ven kênh Đào thuộc ấp Long Bình A, xã Long Hưng cho biết, thời chiến tranh, 100% số hộ dân tại đây phải tản cư để tránh bom đạn quân thù, đất đai bị bỏ hoang hóa trong nhiều năm. Hòa bình lập lại, trở về quê cũ khai hoang, sản xuất, phát huy tiềm năng đất đai để xây dựng quê hương giàu đẹp là mong mõi chung của mọi người trong đó có ông Hiếu. Gia đình ông có 7.000 m2 đất đã khai hoang trồng các loại cây ăn quả đặc sản có giá trị: dừa, sa pô chê,… dưới ao ông nuôi cá đồng thời còn xây cất chuồng trại chăn nuôi dê theo mô hình VAC. Nhờ vậy, ông đã cất được nhà cửa khang trang, cuộc sống ổn định, an cư lạc nghiệp.

Còn theo Phó Bí thư Đảng ủy xã Long Hưng Nguyễn Minh Huấn, đến nay, thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt 50 triệu đồng/người/năm, vượt 25% so với mục tiêu nhiệm kỳ 2015 - 2020 . Từ chỗ tuyệt đại bộ phận nhân dân đều nghèo khó, thiếu thốn, thậm chí thiếu ăn lúc giáp hạt trước đây, đến nay, Long Hưng đã giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 2,1%, vượt 58% so với nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đặt ra. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng với sự mở mang thương mại - dịch vụ, ngành nghề nông thôn. Trong giai đoạn 2015 - 2020, theo ghi nhận, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt 284,3 tỷ đồng với mức tăng bình quân 3,5%/năm, thương mại - dịch vụ đạt 137,61 tỷ đồng với mức tăng bình quân 5,5%/năm, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 345 tỷ đồng,…
 

Minh Trí

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập221
  • Máy chủ tìm kiếm27
  • Khách viếng thăm194
  • Hôm nay92,976
  • Tháng hiện tại1,656,622
  • Tổng lượt truy cập40,025,998
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây