* Vùng đất đầy ký ức
Nằm ven dòng Rạch Gầm hiền hòa đầy ắp phù sa, xã Vĩnh Kim không chỉ là một chợ vựa trái cây (Chợ Giữa) với quy mô mua bán đứng vào hàng đầu tỉnh mà còn là một vùng đất sản sinh ra nhiều nhân tài, trí thức yêu nước như nữ thi sĩ Đỗ Liên đã nói “Chợ Giữa nhiều trang danh điện ngọc; Vĩnh Kim lắm kẻ học liên trì”.
Xã Vĩnh Kim còn được biết đến là một làng tiến sĩ nổi tiếng độc đáo của tỉnh Tiền Giang với những tên tuổi như Tiến sĩ Phan Hiển Đạo; Tiến sĩ Trương Tấn Ngọc; hai cha con Giáo sư, Tiến sĩ, Viện sĩ Trần Văn Khê và Giáo sư, Tiến sĩ Trần Quang Hải; Giáo sư, Tiến sĩ, nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tấn Phát và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Đình Hùng... Lớp hậu thế sau này ở xã Vĩnh Kim, có các tiến sĩ: Lâm Chí Hùng; Phạm Xuân Quang; Ngô Kiều Nhi (Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh); Ngô Kiều Oanh (Viện Khoa học Việt Nam) và nhiều thạc sĩ ở các lĩnh vực khác nhau.
Nhắc đến Vĩnh Kim, người ta còn kể đến cái nôi của cách mạng trong thời kỳ đầu thành lập Đảng (là một trong những nơi thành lập chi bộ An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Đảng đầu tiên tại Nam Kỳ vào cuối năm 1929) và trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940. Đây cũng là nơi có nhiều vị lão thành cách mạng tiền bối đến tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa cộng sản như: Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh), Chủ tịch Tôn Đức Thắng,… Tại đây còn có sự kiện lễ giỗ Chợ Giữa không thể nào phai nhòa trong tâm khảm của người dân Vĩnh Kim mặc dù thời gian đã trôi qua.
Theo tư liệu lịch sử, sau khi cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra làm rung chuyển bộ máy chính quyền thống trị của thực dân Pháp, lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng được xuất hiện ở xã Long Hưng. Sau đó, giặc Pháp đã tiến hành đàn áp rất tàn bạo ở các xã có phong trào khởi nghĩa, trong số đó có làng Vĩnh Kim. Vào ngày 3-12-1940, quân Pháp đã dùng ca-nô, tàu chiến, máy bay cùng lính bộ binh càn quét vào các làng Phước Thạnh, Long Hưng, Đông Hòa, Kim Sơn, Bình Trưng và Vĩnh Kim. Chúng đã thả hai quả bom xuống Chợ Giữa - Vĩnh Kim trong lúc đông người đang nhóm họp chợ, thảm sát hơn 40 người dân vô tội.
Vào năm 2005, nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Nam Kỳ khởi nghĩa, xã Vĩnh Kim đã được ngành văn hóa từ cấp bộ đến cấp sở thống nhất xây dựng tượng đài căm thù tại Chợ Giữa ngày xưa, nơi giặc Pháp đã bỏ bom thảm sát người dân. Tượng được đúc bằng đồng, nặng tám tấn, do nhà điêu khắc Lương Văn Thạnh sáng tác. Và người dân Vĩnh Kim cứ đến ngày mồng 5-11 âm lịch đều tổ chức lễ giỗ Chợ Giữa để tưởng nhớ những đồng bào đã bị giặc Pháp thảm sát.
* Hướng đến một Vĩnh Kim phồn vinh
Chợ Giữa - Vĩnh Kim.
Nằm ở vị trí trung tâm các xã phía Nam của huyện Châu Thành, hoạt động thương mại, dịch vụ ở Vĩnh Kim được hình thành và phát triển rất sớm. Theo số liệu thống kê, hoạt động công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ ở Vĩnh Kim chiếm gần 70% giá trị sản xuất trên địa bàn, qua đó giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động. Trong đó, riêng ấp Vĩnh Thạnh có 100% hộ dân sống bằng nghề thương mại, dịch vụ; các ấp còn lại khoảng 20 - 30%.
Trước tiềm năng phát triển kinh tế của Vĩnh Kim - trung tâm tiểu vùng kinh tế III, UBND huyện Châu Thành đang xúc tiến quy hoạch Vĩnh Kim lên đô thị loại năm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, định hướng thị trấn mới gồm toàn bộ xã Vĩnh Kim và một phần của xã Bình Trưng, xã Đông Hòa. Khi lên đô thị loại V, thị trấn mới sẽ tập trung có hiệu quả chợ đầu mối Vĩnh Kim, trở thành một phân nhánh trung tâm thương mại dịch vụ của huyện Châu Thành và thành phố Mỹ Tho, là trung tâm thương mại mang tính trung chuyển quan trọng của tỉnh Tiền Giang.
Cùng lãnh đạo xã, chúng tôi đi một vòng khu vực xã trên các tuyến đường nhựa, bê-tông khép kín. Hai bên đường là những vườn vú sữa xanh tươi đang ra hoa tỏa hương thoang thoảng. Nằm cạnh chợ Vĩnh Kim, cây cầu Ô Thước như một dải lụa vắt ngang qua con sông Rạch Gầm nối liền các ấp bên sông với khu vực trung tâm.
Được biết, trong tương lai cầu sẽ được xây mới và dời về phía tây khoảng 500 m để bảo đảm nhu cầu vận chuyển, đi lại của người dân trong xã ngày một tăng. Chợ trái cây Vĩnh Kim nằm ở vị trí thuận lợi trên bộ dưới thuyền, lúc nào cũng nhộn nhịp kẻ bán người mua, là nơi tập trung nhà vườn chở trái cây từ rất nhiều nơi trong tỉnh và các tỉnh, thành phố ở đồng bằng sông Cửu Long đến mua bán. Tại đây, trái cây được chuyển bằng ghe hoặc xe đến chợ rồi sau đó được luân chuyển lên xe tải, xe đò đưa đi tiêu thụ ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố trong cả nước. Theo các tiểu thương tại chợ, trung bình vào các ngày cao điểm, mỗi ngày có đến gần 100 tấn trái cây được chuyển qua chợ, riêng vào dịp giáp Tết có thể tăng lên đến 400 - 500 tấn trái cây mỗi ngày.
Sau khi được đầu tư, mở rộng cách đây vài năm, quy mô của chợ lên đến 186 vựa lớn, nhỏ, đưa chợ trở thành đầu mối cung ứng, tiêu thụ trái cây hàng đầu của tỉnh. Chợ Giữa Vĩnh Kim được doanh nghiệp đầu tư quy mô lên đến hàng trăm hộ kinh doanh, đến nay trên địa bàn xã có khoảng 704 hộ, cơ sở kinh doanh lớn, nhỏ chủ yếu buôn bán trái cây; hàng hóa tiêu dùng; nông sản, thủy sản; kim khí điện máy, trang trí nội thất…
Đồng chí Trần Thanh Hải, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kim hồ hởi cho biết: “Chính quyền và nhân dân xã Vĩnh Kim rất phấn khởi khi địa phương được phê duyệt tổng thể lên thị trấn loại V vào năm 2020. Đây sẽ là cơ hội quý để phát huy tối đa mọi nguồn lực và sức mạnh của các thành phần kinh tế, tạo ra bước đột phá về chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất trong từng ngành, từng lĩnh vực, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa”. Hiện nay, Đảng bộ, chính quyền xã Vĩnh Kim đang chủ động định hướng phát triển kinh tế theo hướng “đi tắt đón đầu”. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là đẩy mạnh phát triển các dịch vụ thương mại thông qua việc phát huy tối đa lợi thế và tiềm năng của chợ Vĩnh Kim; đồng thời khuyến khích và tạo điều kiện để người dân cải tạo vườn cây ăn trái theo hướng khai thác du lịch kết hợp với kinh tế vườn; khai thác các điểm du lịch là những “địa chỉ đỏ” như di tích lịch sử văn hóa nhà Chủ tịch Tôn Đức Thắng từng ở và làm việc, mộ của cụ Phan Hiến Đạo và khu nhà, vườn của cố Giáo sư, Tiến sĩ, Viện sĩ Trần Văn Khê.
Rời Vĩnh Kim trong không khí mua bán sầm uất của chợ trái cây và tâm trạng phấn khởi của người dân, những người đến nơi này, mong chờ một thị trấn Vĩnh Kim trong tương lai gần xứng với truyền thống cách mạng và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân mà các thế hệ cha anh đã dày công hy sinh, tạo dựng.