Thực hiện Kế hoạch số 04 của Bộ Chính trị, sáng ngày 9/12/2016, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tổ chức hội nghị cán bộ toàn quốc bằng hình thức trực tuyến để phổ biến, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
Tham dự tại Hà Nội có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng. Dự tại điểm cầu Tiền Giang có đồng chí Nguyễn Văn Danh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; đồng chí Lê Hồng Quang - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; đồng chí Võ Văn Bình - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang; đồng chí Lê Văn Hưởng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; trưởng, phó ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh (ngoài Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh); bí thư, phó bí thư huyện ủy, thành ủy, thị xã ủy, các đảng ủy trực thuộc tỉnh ủy.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhấn mạnh một số việc cần quan tâm trong phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện nghị quyết: Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã bàn và thống nhất ban hành Nghị quyết tăng cường xây dựng và chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đây là một nghị quyết rất quan trọng, đề cập đến một vấn đề vừa cơ bản, vừa cấp bách, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đặc biệt quan tâm và hoan nghênh.
Tổng Bí thư lưu ý, để thực hiện có hiệu quả nghị quyết Trung ương về xây dựng Đảng thì nhận thức phải chín, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải lớn và biện pháp phải vững; với quyết tâm chính trị rất cao của toàn Đảng, sự đồng tình ủng hộ mạnh mẽ của toàn dân, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất định chúng ta sẽ làm chuyển biến được tình hình để không phụ lòng mong đợi của nhân dân đối với Đảng, để xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, thật sự là đạo đức, là văn minh.
Trình bày nội dung nghị quyết, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã phân tích làm rõ sự cần thiết của việc Trung ương ban hành nghị quyết. Thứ nhất, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là đòi hỏi khách quan và là nhiệm vụ thường xuyên để củng cố, phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng cầm quyền; thứ hai, tình trạng suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" đang diễn ra nghiêm trọng, đe dọa tới sự tồn vong của Đảng và chế độ; thứ ba, hiện nay yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước ta hết sức khó khăn và nặng nề, đòi hỏi Đảng phải nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu nhiều hơn nữa; thứ tư, yêu cầu phải củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng; thứ năm, sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch đối với Đảng, Nhà nước trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến ngày càng phức tạp.
Mục tiêu, yêu cầu của Nghị quyết 4 khóa XII về xây dựng Đảng là: Nhận thức sâu sắc về nguy cơ, nhận diện đúng những biểu hiện và đề ra các giải pháp phù hợp để cương quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Góp phần khắc phục những yếu kém trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ. Xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực của người có chức, có quyền. Củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Về quan điểm chỉ đạo thực hiện nghị quyết, Trung ương nhấn mạnh ba vấn đề: Một là, nghị quyết lần này vẫn khẳng định kết hợp giữa "xây" và "chống", nhưng lấy "chống" là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Hai là, không chủ quan, nóng vội, mà phải kiên quyết, kiên trì, nghiêm túc thực hiện với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn và làm quyết liệt; nói ít làm nhiều; làm đến đâu chắc đến đó; không ồn ào, hình thức, phô trương nhưng không hiệu quả; quán triệt phương châm mọi lúc, mọi nơi, mọi người cùng thực hiện nghị quyết. Ba là, đề cao trách nhiệm nêu gương của cấp trên và người đứng đầu, trước hết là các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương trong thực hiện nghị quyết. Việc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực chính là để tạo sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng cao hơn.
Đồng chí Phạm Minh Chính cũng phân tích các biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và các nhóm giải pháp “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ”.
Để tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 28-KH/TU, theo đó: Các cấp ủy Đảng xác định nội dung học tập, quán triệt phù hợp với từng đối tượng, từng cấp. Việc tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt phải thiết thực, hiệu quả, không qua loa, hình thức; kết hợp nghe giới thiệu trên hội trường với thảo luận, tự nghiên cứu, tự đọc, tự tìm hiểu. Việc nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết là trách nhiệm chung của cán bộ, đảng viên. Mỗi cán bộ, đảng viên phải nắm vững, hiểu rõ những nội dung cơ bản, tinh thần cốt lõi của nghị quyết để vận dụng vào thực tế công tác. Tổ chức kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết kịp thời việc học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện nghị quyết; việc xây dựng chương trình, kế hoạch hành động phải đúng, trúng quan điểm chỉ đạo, những chủ trương, định hướng lớn được nêu trong nghị quyết và phù hợp với tình hình thực tiễn của cơ quan, đơn vị, địa phương, đảm bảo tính khả thi cao để nghị quyết sớm đi vào đời sống.
Việc triển khai, quán triệt, học tập sẽ hoàn thành trong tháng 12/2016.