Cuộc thi do Công ty TNHH Xây dựng Hiệp Hòa tài trợ được chính thức phát động trong dịp chào mừng Ngày thơ Việt Nam 2015 và kết thúc nhận tác phẩm vào ngày 30-04. Theo Ban Tổ chức, thời gian phát động tương đối ngắn, chỉ trong hơn 2 tháng nhưng cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng đông đảo, nhiệt tình của 151 tác giả với 364 bài dự thi. Ban tổ chức đã mời các nhà thơ có uy tín gồm: Trần Hữu Dũng, Kim Ba và Thu Nguyệt tham gia Ban Giảm khảo.
Để kết quả cuộc thi thực sự công tâm, khách quan, Ban tổ chức đã tiến hành xóa tên tác giả và đánh mã số dự thi trước khi tiến hành chấm giải. Giữa hàng trăm bài thơ như thế, việc chọn lựa ra những tác phẩm tiêu biểu thật không dễ gì cho các thành viên Ban giám khảo. Tuy vậy với phương châm không bỏ sót bài thơ dự thi nào, Ban giám khảo cuộc thi đã làm việc khẩn trương, hết mình với tinh thần trách nhiệm cao. Sau khi tiến hành chấm điểm độc lập, kết quả ở vòng 1 có 52 bài được chọn vào vòng 2. Ở vòng 2, Ban giám khảo tiếp tục chọn ra 35 bài có điểm số cao để đưa vào vòng xét giải, chọn ra 11 tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải thưởng của cuộc thi gồm 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba cùng 5 giải Tư.
Theo báo cáo tổng kết thì nhìn chung, những tác phẩm lọt vào vòng chung khảo xếp hạng có chất lượng tương đối đồng đều. Hầu như rất ít có sự chênh lệch về điểm số giữa các giải. Về mặt nội dung, hầu hết các bài dự thi đã bám sát nội dung, chủ đề của cuộc thi do Ban tổ chức đề ra. Trên hết vẫn là những vần thơ thể hiện tình yêu quê hương, đất nước đối với vùng đất Tiền Giang kiên cường qua hai cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đang từng ngày đổi thịt thay da, đổi mới đi lên cùng công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, qua các bài: Bên di tích Rạch Gầm, Thư cho người giữ đảo, Tản mạn bên sông Tiền... Nhiều tác phẩm không xưng tụng ngợi ca quê hương bằng cách hô hào ồn ào, mà viết về tình cảm rất đỗi riêng tư với những người thân thuộc từ ông bà, cha mẹ, vợ chồng… để rồi nhận ra ở đấy một hình bóng quê nhà cụ thể và máu thịt, qua các bài: Dìu anh, Người mẹ xứ bưng bàng, Duyên thắm đất Tiền Giang, Nhớ lũ, Trên đất mẹ…
Tiếng lòng của những người con Tiền Giang qua thơ đã phát lộ mạnh mẽ với nhiều cung bậc tình cảm khác nhau khá trung thực và đầy trách nhiệm… Điều rất đáng trân trọng đó chính là sự tập trung cao độ của đội ngũ thơ Tiền Giang khi viết về vùng đất mang nặng ân tình nơi mình đang sống. Trong cuộc thi này, rất nhiều tên đất, tên người đã vang lên với bao tự hào cũng như kỳ vọng, từ sông Tiền, Rạch Gầm, Mỹ Tho, Tân Phước… cho đến Quang Trung, Trương Định, Thủ Khoa Huân, Lê Thị Hồng Gấm... Điều đó cho thấy một Tiền Giang có bề dày lịch sử hào hùng, thấm đẫm chiến công; một Tiền Giang hiện tại đang vững bước đi tới tương lai tươi sáng, bền vững. Bên cạnh đó, những bài thơ tham dự cuộc thi cũng đã thể hiện được phần nào hồn cốt của con người miệt vườn sông nước Tiền Giang chất phác, hồn hậu và mến khách nhưng cũng rất quyết liệt khi đấu tranh với những cái ác, cái xấu đang tồn tại trong xã hội hiện đại. Theo Ban giám khảo cuộc thi, nhiều tác phẩm tuy không được giải nhưng cũng chạm vào cảm xúc người đọc nhờ những câu thơ, những tứ thơ độc đáo, lấp lánh đã để lại ấn tượng và được đánh giá cao trong cuộc thi này.
Các tác giả đoạt giải chụp ảnh lưu niệm với Ban Tổ chức và giám khảo cuộc thi
Bên cạnh đó, một số tác giả có khá nhiều bài lọt vào vòng chung khảo như: Nguyễn Thanh Hải (8 bài), Võ Tấn Cường (4 bài), Lê Ái Siêm (4 bài). Tác giả trẻ Võ Thị Mỹ Thơ, nhân tố mới tại cuộc thi lần này cũng có đến 3 bài… cho thấy độ “chắc tay” của nhiều tác giả tham dự cuộc thi. Ban giám khảo và Ban tổ chức đã thống nhất chọn của mỗi tác giả 1 bài thơ xuất sắc nhất để trao giải thưởng của cuộc thi.
Nhà thơ Kim Ba, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu - Bến Tre, thành viên Ban Giám khảo chia sẻ: “Qua cuộc thi, tôi được chiêm nghiệm, lắng nghe tiếng nói đồng vọng của cha ông thời mở cõi, lắng nghe âm vang những chiến công một thời lửa đạn vẫn còn vang dội đâu đó trong những con người hôm nay, đặc biệt là đối với những cây bút trẻ của Tiền Giang. Đó là điều hết sức đáng quý và cũng là thành công của cuộc thi này”.
Về mặt hình thức, các tác phẩm tham dự cuộc thi với thể loại khá phong phú từ những thể thơ truyền thống, thơ niêm luật chứng tỏ tác giả khá dụng công về thi pháp cho đến các bài thơ tự do mang đậm dấu ấn sáng tạo riêng của mỗi tác giả. Một số tác giả, đặc biệt là các tác giả trẻ đã nỗ lực làm mới thơ, mở rộng biên độ sáng tạo đến mức tối đa đã mang đến cho cuộc thi những nét tươi mới rất đáng khích lệ.
Soạn giả Huỳnh Anh, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi chia sẻ: Tiền Giang vùng đất giàu truyền thống văn học nghệ thuật, với sự phát triển phong phú của nhiều thể loại văn học nghệ thuật, trong đó có thơ ca. Trong sự giao lưu, hòa nhập với thi ca đất nước, thơ ca Tiền Giang đã từng bước khẳng định được vị thế, chất lượng các tác phẩm của các tác giả vùng đất miệt vườn Nam bộ. Cuộc thi thơ lần này thêm một dịp để các tác giả thơ ở Tiền Giang tiếp tục nỗ lực tìm tòi, đổi mới sáng tạo. Đồng thời cuộc thi đã thực sự hé lộ những mạch nguồn thơ, những nội lực thơ tràn đầy sức sống cần tiếp tục được phát huy, khai mở…
KẾT QUẢ CUỘC THI * Giải Nhất: Dìu anh - Tác giả Lê Ái Siêm* Giải Nhì: - Thư cho người giữ đảo - Tác giả Kha Tiệm Ly - Người mẹ xứ bưng bàng - Tác giả Ngọc Lệ * Giải Ba: - Sông Tiền, giấc mơ mùa nước đỏ - Tác giả Võ Tấn Cường - Tản mạn bên sông Tiền - Tác giả Nguyễn Thanh Hải - Duyên thắm đất Tiền Giang - Tác giả Nguyễn Thanh Xuân * Giải Tư: - Nhớ lũ - Tác giả Đậu Viết Hương - Bên di tích Rạch Gầm - Tác giả Thái Tràng - Có một con đường - Tác giả Võ Thị Mỹ Thơ - Trên đất mẹ - Tác giả Lá Me - Tuyết rơi mùa hạ - Tác giả Nguyễn Hữu Đức. |
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn